Chỉ trong vài năm, nhiều cây bút trẻ “đình đám” đã xuất hiện như: Minh Nhật (sinh năm 1987), Nguyễn Ngọc Thạch (sinh năm 1987), Hamlet Trương (sinh năm 1988), Huyền Chip (sinh năm 1990), Gào (sinh năm 1987), Trần Hùng John (1989)… Và có lẽ, danh sách này sẽ chưa dừng lại ở đó mà sẽ tiếp tục được nối dài. Xuất hiện như “nấm mọc sau mưa’ nên nhiều người đã đặt câu hỏi: Người trẻ viết sách vì đâu? Vì đam mê, vì muốn cống hiến hay đơn giản là viết theo trào lưu, muốn kiếm tìm sự nổi tiếng?
Mỗi tác giả dù trẻ tuổi hay thành danh khi cho ra đời một “đứa con tinh thần” cũng thường tâm đắc và đặt vào đó bao kì vọng, đặc biệt là đối với những tác giả trẻ. Nhưng trái với mong ước đó, nhiều những cuốn sách của tác giả trẻ sau khi ra mắt đã nhận phải không ít “gạch đá” của dư luận.
Chiều 17/12 tại trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội, cô gái trẻ Nguyễn Khánh Huyền (Huyền Chíp) khiến nhiều độc giả bất ngờ khi trở về Việt Nam ra mắt cuốn sách thứ 3 với tựa đề Giấc mơ Mỹ - Đường đến Stanford. Đây là cuốn sách được xuất bản sau 3 nắm Huyền rời xa Việt Nam. Trước đó, Khánh Huyền trở thành tâm điểm của dư luận với cuốn sách nhiều ồn ào - Xách balo lên và đi.
Sau khi cho ra mắt, Xách balo lên và đi đã gây ra làn sóng trai cãi khá lớn trong dư luận. Xách balo lên và đi là những dòng nhật ký của cô gái trẻ, người đã đặt chân đến 25 nước trên thế giới với số tiền ban đầu chỉ có 700 USD. Và độc giả đã đặt nhiều những nghi vấn về sự thật của những câu chuyện được kể trong cuốn sách bởi họ cho rằng có những điều rất phi lý. Nhiều độc giả mong muốn tác giả đưa ra bằng chứng về hành trình đi hơn 20 nước bắt đầu bằng 700 USD trong túi của mình.
Sau những phản ứng gay gắt từ dư luận, Huyền Chip đã viết 1 bản giải thích dài 31 trang để giải thích về những điều trong cuốn sách khiến nhiều người nghi ngờ. Trong bản giải thích Huyền Chip cũng đã nhận sai hai điều là: Vượt biên trái phép và có những chi tiết cường điệu so với sự thật với mong muốn tạo thêm phần hấp dẫn đối với người đọc.
Một cuốn sách khác là Em đồng ý ly hôn của tác giả trẻ Trần Diệu Thúy (bút danh Chúy) cũng vấp phải sự phản đối của nhiều người. Em đồng ý ly hôn là cuốn sách tổng hợp những câu chuyện của chính tác giả và bạn bè kể lại về cuộc sống gia đình của họ. Cuốn sách là kết quả của hàng nghìn tin nhắn, cuộc nói chuyện của tác giả với những phụ nữ đã, đang và sắp ly hôn. Sau khi cho ra mắt, nhiều người đã phản ứng khá gay gắt vì cho rằng cuốn sách đang cổ súy cho chị em phụ nữ ly hôn. Tuy nhiên, theo tác giả Chúy thì cuốn sách chỉ đơn giản là một chia sẻ và nó tốt cho cả những người chuẩn bị ly hôn và cả những người đang có cuộc sống ấm êm, cuốn sách giúp chị em phụ nữ có thêm dũng cảm dám thay đổi cuộc sống để tìm đến yêu thương, hạnh phúc thực sự.
Sự nổi tiếng ở thời nay có vẻ như rất dễ. Chỉ cần đôi ba câu chuyện “câu view” viết trên blog sau đó chuyển thể sang sách là đã giúp nhiều người trở nên nổi tiếng và được đeo thêm cái mác nhà văn. Nhưng những cuốn sách như vậy thường không đọng lại điều gì trong lòng độc giả vì họ đọc đơn giản là để giải trí bởi đó là những cuốn sách thường được viết theo lối nhẹ nhàng, tản mạn, nội dung “10 cuốn như một” và cấu trúc đơn giản, không điểm nhấn.
Hiện nay, viết sách còn được coi như một trào lưu mới của giới trẻ khi trên thị trường xuất hiện ồ ạt các tác phẩm của những cây bút trẻ. Những cây viết tay ngang cũng đang xuất hiện ngày càng nhiều, có những người viết để thỏa mãn đam mê nhưng cũng không ít người viết theo đơn đặt hàng để có thêm thu nhập hay viết để chia sẻ những cảm xúc của họ trong cuộc sống.
Viết sách không phải là chuyện mà ai cũng có thể làm và sự xuất hiện của hàng loạt những cây bút trẻ như hiện nay là một dấu hiệu đáng mừng nhưng cũng chính là một dấu hỏi lớn. Liệu rằng, những cây bút trẻ hiện nay có tạo nên được hiệu ứng tốt cho xã hội hay không?
Chia sẻ về vấn đề này GS.TS. Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng đã có cuộc trao đổi với PV báo Người đưa tin:
Giáo sư đánh giá như thế nào về những người viết trẻ hiện nay?
Trẻ suy nghĩ theo kiểu trẻ và có những kiến thức của lớp trẻ, đôi khi những kiến thức ấy còn mới hơn, sâu hơn những người lớn tuổi. Vì vậy, sách của những người trẻ hiện nay có thể dùng cho cả người trẻ và người già. Họ đem những tư duy mới mẻ vào sách, đưa kiến thức thu nạp được vào sách để giúp độc giả nhìn nhận thế giới xung quanh một cách đa chiều, tươi mới.
Tôi luôn ủng hộ những người viết trẻ giống như ngay từ đầu tôi đã luôn ủng hộ Huyền Chíp dù nhận phải nhiều lời chỉ trích. Bởi tôi đánh giá Xách balo lên và đi là một cuốn sách rất hay và đáng đọc.
Thưa giáo sư, có những người lại cho rằng, người trẻ viết sách thường hời hợt vì chưa có đủ vốn sống, kinh nghiệm để có thể viết sâu sắc. Giáo sư có ý kiến thế nào về điều này?
Mỗi người có một cách nhìn nhận khác nhau không thể có chuyện tất cả mọi người đều có chung một cách nhìn nhận. Đó là họ nhìn vấn đề bằng lăng kính của họ và đó cũng là một cách nhìn nhận rất hay, đáng suy nghĩ.
Tuy nhiên, người trẻ nhìn bằng con mắt của người trẻ và cái nhìn của người trẻ cũng rất phong phú và đa dạng đôi khi khiến những người lớn tuổi phải suy ngẫm. Và những cuốn sách của người trẻ viết là những vấn đề được nhìn qua lăng kính của người trẻ, chúng ta nên trân trọng điều đó.
Giáo sư có lời khuyên gì cho những thế hệ viết trẻ hiện nay?
Theo tôi, khi nào cảm thấy đáng viết hãy viết, không đáng viết thì đừng viết. Viết những điều không đáng viết thì sẽ không mang lại được ý nghĩa gì cho cuộc sống và sẽ không được mọi người đón nhận.
Minh Trí