Thuật ngữ freelance (việc làm tự do) không còn xa lạ với nhiều người. Khoảng 5 năm trở lại đây, freelance được giới trẻ săn đón nhiệt tình, đặc biệt là những bạn trẻ hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, lập trình hay dịch thuật.
Nghề tự do thu nhập “khủng” nhưng nhiều rủi ro
Làm thuê cho bản thân
Theo giải thích của chị Vũ Thị Hằng, một người làm việc tự do lâu năm, đây là công việc mà không hưởng “lương cứng” của bất kì một cơ quan, tổ chức nào. Điều đó đồng nghĩa với việc chị không phải chịu bất kì “gông cùm” về nội quy công ty hay giờ giấc hành chính. Đặc biệt, freelance có mức thu nhập hấp dẫn, được tính theo từng dự án hoặc theo giờ làm việc. Một freelancer “đắt sô” có mức thu nhập hàng tháng gấp hai, ba lần so với các đồng nghiệp làm toàn thời gian, thậm chí có người bỏ túi từ 1.000 - 1.200 USD/tháng.
“Lượn” một vòng qua các trang web tuyển dụng trực tuyến, dễ dàng nhận thấy nhu cầu về lao động tự do trên thị trường không hề nhỏ. Tuy nhiên, nhu cầu này phần lớn đến từ các công ty nước ngoài, thiên về lĩnh vực công nghệ thông tin. Vì thế, người lao động không những phải giỏi chuyên môn mà ngoại ngữ phải “đỉnh”.
Hải Anh, người bạn “nối khố” của tôi đang làm cộng tác viên dịch thuật cho một dự án dịch phim. Theo thỏa thuận, cô sẽ được hưởng 10.000 đồng cho mỗi phút dịch phim có phụ đề (tiếng Anh) và 15.000 đồng nếu dịch “tay bo”. Công việc chỉ trao đổi qua internet và không có ai giám sát. Tính sơ sơ, mỗi bộ phim dài từ 90 đến 120 phút, Hải Anh “đút túi” được hơn 1 triệu mỗi phim. “Có bằng ngoại ngữ trong tay, đi làm giỏi lắm cũng chỉ 5-7 triệu/tháng, còn làm freelance thế này, chăm chỉ cũng phải được 2-3 chục triệu, có muốn nghỉ cũng chẳng phải xin ai”, Hải Anh hồ hởi chia sẻ.
“Miếng ngon” không dễ ăn
Tuy vậy, theo tiết lộ của dân freelance lành nghề, không phải ai cũng “thuận buồm xuôi gió”. Gặp lại Hải Anh sau một thời gian “quay cuồng” với các “gói” dịch thuật, tôi thấy mắt lờ đờ vì thiếu ngủ và mệt mỏi. Cô chia sẻ: “Nghe có vẻ đơn giản nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại. Để dịch được 1 phút lên phim, kiếm được 15.000 đồng có khi mình phải mất đến hàng giờ tra cứu. Đầu óc luôn trong tình trạng “căng như dây đàn”, nơm nớp lo sợ không nộp kịp thời hạn. Cứ tưởng không phải làm hành chính là sẽ nhàn hơn nhưng thực chất, làm việc này mình còn phải “dính” lấy cái máy tính 24/24, ngày chưa xong đêm phải “cày” nốt”.
Một freelance với 10 năm kinh nghiệm trong ngành công nghệ chia sẻ kinh nghiệm: “Làm sếp của chính mình không phải là dễ, ít nhất phải biết mình có thể “đánh trận” nào và “trận nào” nên nằm nhà đắp chăn ngủ. Bên cạnh đó, thương hiệu cá nhân và chữ tín trở nên vô cùng quan trọng, hãy cố gắng làm "đại hiệp đánh giày" nếu hành nghề đánh giày.
“Lão làng” này cũng cho biết, để thực sự thành công, một freelancer bao giờ cũng phải có chiến lược marketing bản thân hiệu quả, biết tạo dấu ấn riêng, tiếp thị thương hiệu của chính mình, đó là chưa kể một loạt kỹ năng thuyết trình, đàm phán, kỹ năng làm việc nhóm với các freelancer khác trong cùng dự án...
Phải chấp nhận rủi ro Trao đổi với PV Người đưa tin, chị Vũ Thùy Dương, từng là chuyên viên “săn đầu người” của Vietnamworks cho biết: “Freelance là một công việc không hề “ngon ăn” như nhiều người nghĩ. Tự do không có nghĩa là rảnh rỗi, bạn phải biết cách sử dụng sự tự do ấy đạt hiệu quả tối đa. Các freelancer vì rất tự do nên thường xao nhãng công việc và thiếu tính kỷ luật. Chính những điều đó mà nhiều người không thể “trụ” được với nghề. Chấp nhận làm freelance là chấp nhận rủi ro. Không phúc lợi, chính sách ưu đãi, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, trợ cấp sinh sản và xa hơn nữa là lương hưu. Đây cũng là một vấn đề lớn cần “cân đo đong đếm” kĩ càng trước khi “dấn thân”. |
Thanh Xuân