Nét đẹp của phong trào hướng về lịch sử
Vài năm trở lại đây, trên thị trường văn hóa giải trí xuất hiện ngày càng nhiều tác phẩm khai thác yếu tố dân tộc. Về mảng sách có truyện tranh Truyền thuyết Long Thần Tướng của nhóm Phong Dương Comics, sách tranh Lĩnh Nam chích quái của Tạ Huy Long, sách Sử Việt – 12 khúc tráng ca của Dũng Phan hay các dự án Hoa văn Đại Việt, Dệt nên triều đại, Họa sắc Việt của nhóm S River,...
Bên mảng phim có tác phẩm điện ảnh Tấm Cám, phim hoạt hình Con Rồng cháu Tiên (do nhiều đơn vị phối hợp sản xuất, nhà sử học Dương Trung Quốc cố vấn), phim diễn họa Tử chiến thành Đa Bang (do dự án Việt Sử Kiêu Hùng thực hiện).
Thậm chí, có những phim điện ảnh ở thời hiện đại nhưng vẫn lồng ghép yếu tố dân tộc như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (đạo diễn Victor Vũ) với hình ảnh đậm chất dân tộc về Tết Trung thu của người Việt, đoạn phim hoạt hình ngắn Cóc Tía kể lại tích truyện cổ.
Hấp dẫn và được khán giả đón nhận khi xem ở rạp, những đoạn phim hoạt hình ngắn nói trên cũng ít nhiều tạo được độ lan tỏa trên mạng xã hội.
Đây chỉ là những ví dụ mới nhất cho việc đưa các yếu tố dân tộc vào sản phẩm văn hóa, giải trí - điều mà những người trẻ đang làm tốt đến bất ngờ, vượt lên hẳn những bi quan lâu nay về việc giới trẻ xa rời văn hóa dân tộc.
Không thể phủ nhận, những tác phẩm có sự chăm chút như vậy thể hiện lòng yêu quý và tâm huyết của người Việt trẻ với các yếu tố văn hóa dân tộc. Việc đưa các yếu tố này vào những sản phẩm văn hóa mới cũng mang lại sức sống mới, lượng công chúng mới cho những yếu tố cổ nhưng chưa hề mất đi giá trị.
Lý giải về sự xuất hiện khá nhiều sản phẩm, dự án phục cổ, mượn hồn cổ, anh Nguyễn Khánh Dương - một trong các tác giả của truyện tranh Truyền thuyết Long Thần Tướng chia sẻ: "Tôi có thể khẳng định, người trẻ Việt Nam cực kỳ quan tâm đến văn hóa truyền thống Việt”.
"Chúng ta thường nghe những lời than phiền đầy bi quan rằng giới trẻ ngày nay chỉ quan tâm đến lịch sử nước ngoài mà không quan tâm đến sử Việt. Nhưng sự thực không phải vậy. Việc có nhiều bộ phim cổ trang của Trung Quốc, Hàn Quốc càng làm tăng sự khao khát, thèm muốn hướng tới các sản phẩm văn hóa cổ trang của người Việt", anh Dương phân tích.
Nguyễn Khánh Dương có cơ sở để tự tin vì tác phẩm Truyền thuyết Long Thần Tướng, bộ truyện tranh do anh cùng hai họa sĩ Thành Phong và Mỹ Anh sáng tạo dưới sự cố vấn về sử học của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức rất được công chúng đón nhận sau ba lần gây quỹ cộng đồng thành công. Bộ truyện cũng tạo được một nhóm độc giả hâm mộ riêng và hình thành nên một phong cách truyện tranh lịch sử mới ở Việt Nam.
Trong khi đó, các dự án như Hoa văn Đại Việt, Họa sắc Việt hay Dệt nên triều đại đang đặt mục tiêu cung cấp chất liệu cho phim ảnh nội, giúp trang phục trong phim bám sát lịch sử mà vẫn đạt tính thẩm mỹ, hiện đại.
Các dự án này hầu hết đều đang duy trì hoạt động bằng cách gây quỹ cộng đồng, hy vọng trong tương lai sẽ có thể tự nuôi sống bản thân bằng hình thức kinh doanh. Bởi thực tế cho thấy, kinh doanh văn hóa là cách tốt nhất để phát triển văn hóa. Bất cứ cái gì miễn phí, xin cho, nhận tài trợ đều không thể phát triển được.
Làm ra một sản phẩm văn hóa, nhất là sản phẩm văn hóa có yếu tố truyền thống khiến mọi người muốn bỏ tiền ra mua, cảm giác của tác giả cũng sung sướng hơn nhiều, và sức sống của sản phẩm đó sẽ lâu dài hơn.
Kể chuyện chứ không thống kê
Đối với Tôn Thất Minh Khôi (đại học KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM) thì anh lại dành lòng say mê lịch sử hướng về chuyện hậu cung Việt Nam. “Khi tìm hiểu lịch sử, tôi đặc biệt thích những câu chuyện đằng sau những bức tường trong cung cấm.
Sau một thời gian đọc sách, tham khảo, đối chiếu... từ nhiều nguồn, vốn kiến thức cũng dần tăng lên. Lúc đầu tôi viết thử 1-2 bài trên trang Facebook cá nhân, nhận được sự ủng hộ khá nhiều từ bạn bè trên mạng xã hội lẫn bên ngoài. Họ khuyên tôi nên lập hẳn một trang chuyên khảo về vấn đề này. Và thế là Thiên Nam Lịch đại Hậu phi được ra đời từ đó”, Minh Khôi cho hay.
Được biết, Tôn Thất Minh Khôi là hậu duệ Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, vị chúa thứ 8 của triều Nguyễn (cụ thể hơn là hậu duệ của Hoàng tử thứ 7 của Võ vương với bà Chiêu nghi Trần Thị Xạ). Chính vì thế, anh thích tìm hiểu về lịch sử dòng họ của mình qua những lời kể của ông nội rồi sau đó mở rộng ra là lịch sử Việt Nam, lịch sử các nước Á Đông.
Minh Khôi bày tỏ thêm: “Chuyện hậu phi và nội cung chỉ là một mảng trong đề tài mà tôi quan tâm vì xung quanh chuyện hậu phi không chỉ đơn thuần là những cuộc đấu đá giữa những người phụ nữ trong cung. Mà, đó còn là những lễ nghi, là trang phục, âm nhạc, hội họa, tôn giáo và rất nhiều vấn đề can dự trực tiếp đến vận mệnh đất nước nhưng ít ai dành cho nó một sự quan tâm và nghiên cứu đến tường tận, bởi tất cả thường được xếp vào “chuyện đàn bà”.
Nhưng càng tìm hiểu sâu về chuyện hậu phi, tôi lại càng phải tìm hiểu kỹ hơn về các sự kiện, nhân vật tiền triều để từ đó rút ra mối dây liên quan giữa hai mặt với nhau, rất thú vị”.
Cũng theo Minh Khôi, hiện tại có rất nhiều dự án đang được triển khai, với chất lượng và số lượng cũng như sự lan tỏa đang ngày càng rộng nhằm tạo một nét hấp dẫn riêng cho các câu chuyện lịch sử. Từ đó có thể thấy, người trẻ say mê và có tình cảm sâu sắc đối với văn hóa lịch sử dân tộc.
Ở một khía cạnh khác và lý giải về hiện tượng cháy hàng đối với cuốn sách Sử Việt 12 khúc tráng ca của mình, tác giả Dũng Phan chia sẻ: “Theo tôi, các bạn trẻ thích được nghe kể chuyện. Và ở đây, tôi kể chuyện chứ không phải thống kê lịch sử. Tôi muốn kể cho các bạn nghe về những tranh đoạt hoàng quyền, những mưu kế, kế hoạch chiến đấu, về những thời khắc mà ông cha ta đã chiến đấu như thế nào, anh dũng ra sao... theo cách hấp dẫn giống như một bộ phim”.
Hà Nhân