Bão tiếp bão, miền Trung một lần nữa “gồng mình” với cơn bão số 10, có tên quốc tế là Wutip được các nhà chuyên môn đánh giá là siêu bão, với sức gió vùng gần tâm bão lên tới cấp 11, cấp 13, giật trên cấp 14, cấp 15.
Tròn bảy năm sau đúng thời điểm cơn bão khủng khiếp Xangsane đổ bộ vào Đà Nẵng (2006), người dân dải đất miền Trung lại oằn mình trong giông bão. Người dân cả nước hướng về miền Trung với một niềm lo lắng, cảm thương cho đồng bào mình, còn những đứa con miền Trung xa quê, xa Tổ quốc, tim lại thêm một lần đau nhói.
Chia sẻ của một người con miền Trung xa nhà
Bạn Hoàng Trường Vũ (ĐH Luật Hà Nội) chia sẻ: “Mỗi lần có tin bão như này, mình lo lắng lắm. Lo nhất là gia đình mình ở Quảng Bình, mình đi học ở Hà Nội nên không về giúp bố mẹ được. Mà lần nào bố cũng nói không có thiệt hại gì nặng đâu…”
Chia sẻ với nỗi đau của miền Trung
Cũng chung niềm đau đáu vì bão số 10, nhưng Phạm Quốc Cường (du học sinh tại Liverpool, Anh) thì lại cảm thấy không quá bất ngờ vì bão. “Mình nghĩ rằng, người dân miền Trung đã quá quen với việc “đón” một cơn bão , kể cả là siêu bão đi chăng nữa. Song điều mình lo và buồn nhất là mình đi học xa nên không thể về phụ gia đình ở Hà Tĩnh gia cố nhà cửa tránh bão”.
Điều mà chàng trai Hà Tĩnh này quan tâm nhất bây giờ là những hậu quá khó lường và luôn đe dọa cuộc sống của người dân, đặc biệt là các em học sinh khi cơn bão đi qua: “Chỉ mong sao bão vào thì chóng tan, hậu quả không quá nghiêm trọng, không thì người dân quê mình lại khổ gấp nhiều lẫn vì lũ”.
Ca sỹ Đinh Hương mong cơn bão đi qua nhẹ nhàng
Trên trang Facebook của những bạn trẻ quê miền Trung, những dòng status liên tục được cập nhật theo từng diễn biến của cơn bão. Một bạn gái xúc cảm rất chân thành: “Miền Trung quê tôi bao đời vẫn thế, cái ăn, cái mặc, cái đói rồi đến cái thiên tai. Thuở nhỏ, nghe bão đến anh em bạn bè tôi thường hay vui mừng vì được nghỉ học, vì được đi lội nước, vì được ở trong nhà nhìn ra con sống nước chảy cuộn cuộn. Lớn lên một tí, nhìn những căn nhà chông chênh, nhìn những tiếng kêu khi mùa màng mất trắng mà lòng đầy suy nghĩ. Hôm nay, bão lại về, lòng lại thấy lo lo khi quê nhà chìm trong mưa gió”.
Cư dân mạng chia sẻ từ tâm bão
Những người đang sống trong vùng chịu ảnh hưởng của bão (từ Hà Tĩnh tới Đà Nẵng) thì tỏ ra hoang mang, lo lắng trước tình hình diễn biến phức tạp của cơn bão. Nhiều viên chức, học sinh, sinh viên ở Đà Nẵng, Quảng Bình, Hà Tĩnh được nghỉ làm, nghỉ học ở nhà trú bão tranh thủ gia cố lại nhà cửa tránh bão. “Nghe tiếng gió gào thét ngoài cửa sổ ghê quá, buổi trưa mà trời âm u, tối tăm như xế chiều vậy. Lo quá, 3 năm trọ học ở Đà Nẵng, lần đầu tiên phải chịu cảnh hứng bão khi xa nhà như thế này”, bạn Ngọc Tân, sinh viên ĐH Bách khoa Đà Nẵng, tâm sự.
"Bão đến vội quá nên mình cũng chẳng chuẩn bị được gì nhiều. Có bao nhiêu tiền cả nhóm gom lại mua mì ăn liền, may mà cũng đủ qua mấy ngày bão. Đồ đạc cũng gói vào bao cả rồi, lỡ khi mưa lớn, nước tràn vào phòng trọ giữa đêm thì khỏi bị ướt đồ", Mộng Trinh – Đồng Hới, chia sẻ.
Trần Xuân Phúc - Quảng Bình buồn bã: “Quê mình còn nghèo, có cái tháp truyền hình là “hoành tráng” nhất tỉnh thì cũng đã bị bão quật cho tơi tả rồi. Nhà kho nhà mình bị bão thổi bay mất mái tôn, mảnh vườn nhỏ sau nhà mình cũng chẳng còn gì nguyên vẹn... Cơn bão lần này khủng khiếp quá”.
Mưa bão vẫn đang dày xéo dải đất Hà Tĩnh – Đà Nẵng, lòng đồng bào cả nước đang mỗi phút, mỗi giờ ngóng và cầu mong cho miền Trung bình an. Trong giông bão, người miền Trung vẫn kiên gan chống chịu, những đứa con miền Trung thắt lòng: Thương lắm, miền Trung ơi!
Hồng Minh