Trong suốt nhiều năm liền, gia đình anh Hồ Ca, người Bru Vân Kiều tại bản Lé, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình là hộ nghèo của xã. Thời gian này, kinh tế gia đình gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn.
Những năm gần đây, vợ chồng anh Hồ Ca đã mạnh dạn đầu tư trồng hơn 3 hecta rừng tràm, chăn nuôi thêm đàn lợn, bò. Nhờ vậy, nguồn thu nhập của gia đình anh dần đã ổn định, có của ăn của để. Mới đây, anh quyết định làm đơn xin thoát khỏi hộ nghèo.
Video: Nhờ trồng rừng và chăn nuôi, đời sống của nhiều hộ gia đình đã dần khấm khá hơn.
Anh Hồ Ca chia sẻ: “Vợ chồng tôi còn trẻ khỏe, đủ sức lao động tạo thu nhập, vì vậy nên tôi viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, tiếp tục vươn lên phát triển kinh tế trong cuộc sống”.
Tính đến nay, tại huyện Minh Hóa, đã có 22 hộ viết đơn xin rút khỏi hộ nghèo, trong đó đa phần là các hộ dân thuộc đồng bào dân tộc.
Video: Anh Hồ Ca, trú xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, nói về lý do xin rút khỏi hộ nghèo.
Anh Trần Xuân Vinh, xã Thượng Hóa cho biết: “Nhờ trồng rừng và chăn nuôi mà điều kiện kinh tế, đời sống của gia đình đã khác hẳn so với nhiều năm trước đây. Vì vậy, gia đình tôi đã quyết định viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo”.
Việc bà con viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo là một tín hiệu tích cực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại huyện miền núi Minh Hóa nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung.
Video: Anh Trần Xuân Vinh, xã Thượng Hóa, quyết định viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo.
Ông Đinh Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa thông tin: “Chúng tôi hết sức tạo điều kiện cho bà con, đặc biệt là tạo cho bà con về các mô hình sản xuất tạo sinh kế để bà con phát triển kinh tế, nâng cao đời sống”.
Trước đó, tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, cụ bà Lê Thị Hương (65 tuổi), trú thôn 1 Phúc Đồng, xã Phúc Trạc, cũng đã tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo để nhường lại cho hộ khác có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Bà Hương là người tàn tật, được hưởng chế độ bảo trợ xã hội và hiện đang sinh sống trong ngôi nhà tình thương, có diện tích khoảng 35m2. Bà Hương có 1 người con trai đang đi làm ở xa, từ trước đến nay, bà thuộc diện hộ nghèo, neo đơn.
Theo bà Hương, tuy sức khỏe yếu lại bị tàn tật, nhưng con trai đã lớn và tìm được việc làm, tự lo cho bản thân, bản thân bà có chế độ hỗ trợ người tàn tật 405.000 đồng/tháng; ngoài ra, hàng ngày bà trồng thêm rau, chăn nuôi thêm gà, vịt... dù nguồn thu không lớn nhưng cũng lo đủ cho bản thân.