Cũng đi trông đào thuê, chàng thanh niên Ma Đức Tuyên (22 tuổi, Tuyên Quang) hiện đang là sinh viên năm 3 một trường đại học trên địa bàn Hà Nội cho biết: “Tôi làm công việc này cũng được 5 ngày rồi. Được nhà trường cho nghỉ Tết sớm nên tôi ở lại Hà Nội đi làm thêm kiếm ít tiền mua quà bánh về cho bố mẹ”.
Tuyên chia sẻ, tuy đã từng đi làm nhiều công việc nhưng đây là một trải nghiệm đáng nhớ. Anh nhận thấy kiếm được đồng tiền thật không dễ dàng. Nhận trông đào và quất vào ban đêm tại làng hoa Vạn Phúc (Hà Đông), tiền công mà Tuyên nhận được là 200.000 đồng/ đêm.
“Bắt đầu từ 7h tối đến 7h sáng, trong ca trông nếu có ai mua thì tôi phải có trách nhiệm vận chuyển, bê vác cho khách hàng. Thức đêm mới biết đêm dài, nhiều lúc buồn ngủ mà không dám chợp mắt chỉ vì sợ để mất một chậu quất hay đào thì coi như công cốc”, Tuyên chia sẻ.
Vì giá trị của những chậu cây đào, quất là rất lớn nên người trông phải luôn đề cao cảnh giác. Anh Đức cho biết: “Mang tiếng có chia ca nhưng chỉ cần một tiếng động nhỏ là cả hai đều bật dậy nhìn dáo dác. Để tỉnh táo, lúc nào cũng phải có ấm trà bên cạnh. Nói là thay phiên nhau người trông - người ngủ nhưng khổ nỗi tâm trạng lo lắng, sợ mất đồ cộng với chỗ ngủ chỉ là cái giường gấp, chăn thì mỏng, gọi là nằm trong lều mà gió vẫn thổi tận vào trong nên hiếm khi chợp mắt được”.
Cái khó khăn nhất của người trông cây cảnh, cây đào, quất thuê ấy là lo canh trộm. Thường những chậu cây hoa Tết được bày bán ngay tại vỉa hè, sát với mặt đường nên chỉ cần lơ là một chút là cây có thể “không cánh mà bay” lúc nào không hay. Do đó, chỉ cần thấy bóng người từ xa, anh Đức thường lớn tiếng hỏi để biết ai đang đến.
Còn Tuyên chia sẻ: "Càng về sáng thì càng phải cảnh giác cao độ, bởi trộm thường giả làm khách mua hàng đến lừa bịp. Có khi đứa này hỏi để đánh lạc hướng rồi đứa kia ôm cây cho lên xe chạy mất. Đây là kinh nghiệm mà các anh trông thuê ở đây chia sẻ với tôi”.
Để giữ đào, quất mỗi người trông có một bí quyết khác nhau. Có người sẽ đặt chậu lớn ở ngoài, chậu nhỏ đẩy sát vào trong. Chủ kinh doanh nào có vốn liếng lớn thì mua hẳn hàng rào sắt chắn lại. Nhưng cách mà các nhân công hay làm nhất là buộc những chậu cây lại với nhau và đóng cọc lấy túi bóng bản to hay bạt che kín.
Khi được hỏi về nghề trông đào đêm ngoài nỗi lo mất đồ thì nỗi sợ thứ hai là gì, anh Nguyễn Văn Đức (32 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) bảo: "Sợ bị muỗi chích. Muỗi ở Tây Hồ đều thành tinh hết, con nào con nấy to bằng ngón tay cái, nó mà đốt thì lấy đi cả “đống” máu và để lại vết sưng vù. Nếu không tin thì mai ra đây tôi cho ngủ thử".
Đang dở câu chuyện thì vợ anh Đức gọi điện thoại hỏi chồng đã được đi ngủ chưa? Tối nay ăn gì? Có lạnh không? Anh cười: “Anh đang lim dim thì vợ gọi. Lạnh sao được, chủ người ta cung cấp cho cái chăn dày bịch lại có đống lửa sưởi ấm nên nhiều khi còn nóng ấy. Ăn uống thì vợ khỏi lo, thịt lợn thịt gà hôm nào cũng có, anh ăn phát ngán rồi này”, miệng nói chuyện với vợ, tay anh Đức loay hoay kéo cao chiếc áo khoác mỏng, cố kéo những ngón chân nứt nẻ vào đôi tất đã rách đôi ba ngón.
Sau câu chuyện với vợ, anh Đức quay ra mỉm cười nói với tôi: “Phải nói vậy để vợ con ở nhà đỡ lo. Được cái các con tôi ngoan lắm, biết bố mẹ vất vả nên Tết rồi mà chẳng đòi hỏi gì, chỉ mong ngóng bố về ăn Tết. Thôi thì cứ cố chịu vất vả một chút mà vợ con có cái Tết đầm ấm là vui lắm rồi”.