Tới đây con hẻm uốn cong queo khúc khuỷu và tẽ nhánh rồi đâm ra đường Trần Hưng Đạo, đối diện đường Nguyễn Huỳnh Đức. Con hẻm này cũng mang tên đường Nguyễn Huỳnh Đức (nối dài) có mấy số nhà trùng với số bên đường Nguyễn Huỳnh Đức chính thống, nên đã từng xảy ra câu chuyện tình như vầy. Một chàng trai con nhà khá giả để ý cô gái nọ là bạn cùng lớp Anh Văn. Chàng điều tra được địa chỉ nàng bèn lân la tìm đến. Căn nhà mang số ấy ở đường lớn cao bốn tầng cửa sắt đóng im lìm. Chàng đứng thẫn thờ không dám bấm chuông rồi quay về tương tư cả tuần lễ. Tình yêu chín muồi thì không thể giấu được, chàng tặng hoa, tặng sôcôla kèm theo thư tình gửi nàng.
Tiếp sau đó, em tan trường về, anh theo ngõ kề, để rồi như lũ bướm của Nguyễn Bính, chàng đã theo về tận ngõ mới tan mơ. Nhà nàng ở trong hẻm sâu hun hút bên kia, lối nhỏ quanh co lầy lội. Mặt đất ở đây thấp hơn mặt lộ nên mỗi cơn mưa qua, dù lớn dù nhỏ, nước như dòng cuồng lưu ồ ạt chảy vào rồi mắc kẹt trong hẻm, cứ dâng lên có khi cả thước. Nhằm trận mưa lớn, nước có thể ngập đầu đứa con nít lên mười. Có lần một con bé suýt chết đuối trong mưa, may mà hẻm chật, vách nhà hai bên lại xộc xệch chắp vá, con bé vướng vô hốc nào đó, bám mấy miếng ván dựng cách mà ngoi lên.
Những chuyện tình trong hẻm thường buồn. Nhưng hẻm nhỏ vẫn có đám cưới đều đều và trẻ con chào đời lia lịa. Nếu trời không nắng quá cũng không mưa, trẻ con sẽ túa ra đầy hẻm. Đông vui nhất là khi nàng Công chúa kẹo kéo đẩy chiếc xe đạp có che lọng ba màu, có cat-xét hai loa ông ổng những bản tình ca. Bọn con nít mỗi đứa cầm một tờ hai trăm bu lại, đầy thán phục nhìn Công chúa vừa kéo vừa vuốt khúc kẹo mập như khúc đùi thành một que mảnh mai như cây đũa, rồi nhẹ nhàng ngắt một cái cụp, bọc kẹo vô mẩu giấy con, đưa cho những khách hàng nhí lúc nào cũng hau háu thèm chất ngọt.
Ảnh minh họa
Dân xóm này là dân lao động có nghề gia truyền. Quây quần vài mươi căn ở khúc thắt eo này, có nhà làm giầy từ cha truyền đến con, làm giầy mấy chục năm nay. Cách một căn là nhà làm dù. Bây giờ ông làm dù đã qua đời không có con nối nghiệp, nhưng mỗi lần ngang qua nhà ông tôi lại nhớ ngày nào ông phơi dù tràn ra lòng hẻm, những tán dù no căng đủ màu sắc thật đẹp và vui mắt. kế bên nhà làm dù là nhà hàn xì, cư dân mới. Nguyên nhà ấy của bà Bảy. Hồi tôi mười tuổi đã thấy bà ấy trong trong căn nhà cũ kỹ tối om, một mình thui thủi, được bọn con nít mệnh danh là Bà Chằng. Có lần, đội mươi năm trước, công an khu vực dắt một đám thanh niên dân phòng hay gì đó đến dỡ nhà bà. Họ nói nhà đã mục nát, sập xuống đè bà lúc nào không hay, nay họ dỡ ra lợp lại cho chắc chắn. Coi bộ không thích ai can thiệp vô cái nghèo của mình, bà già tri ơn bằng cách ngồi trên bếp lò chửi bới từ sáng đến chiều, đến nước bọn thanh niên chịu hết nổi, tinh thần xung kích tiêu tan, sau khi hạ căn nhà thành bình địa họ dựng quấy quá lên một cái chòi chừng bốn mét vuông, nghĩa là đủ kê cái giường và cái bếp cạnh bên. Chẳng bao lâu sau bà qua đời. “Căn nhà” và nền nhà cũ được cấp cho nhà hàn xì này. Sản phẩm của họ là những niềng và vè xe đạp xi mạ bóng láng.
Dân xóm gọi nhau bằng tên kèm theo nghề nghiệp: Bà Mười-Trái-Cây, A hé-nước-đá v.v….
Nhưng nhà có nghề nghiệp ổn định thì có đồng ra đồng vào, ngó lên không bằng ai chứ ngó xuống cũng không thua ai, nhà cửa trong hẻm không cần lộng lẫy, nhưng cũng có TV đầu máy.
Con hẻm ở khúc miệng phễu dạo này sáng sủa, lòng đường tráng xi măng sạch sẽ, người đi xa năm mười năm trở về đều thấy khang khác. Ngày xưa, nhà nào cũng lấn mặt đường, trồng trước nhà một hai cây gì đó để có chút bóng mát: trứng cá, ô-ma, cóc, nhãn, mận , ổi.
Lớp con cháu sinh trưởng và lớn lên nơi đây có đầu óc thực dụng hơn, làm ăn khá lên chút đỉnh, vội đốn sạch ba mớ cây cỏ rườm rà vô tích sự, để sửa sang mặt tiền nhà mà nở mặt với người đời. Có ba nhà trong xóm đại biểu được cho thời buổi kinh tế thị trường và mở cửa: nhà thứ nhất số 182, trước của ông giáo người Hoa đã đi nước ngoài, được cấp cho một nhân viên tên Hà làm gì đó ở ủy ban phường. Người này làm thủ tục hóa giá xong cho xây lại nguy nga, cổng ngoài cổng trong, sân sau, sân thượng… rồi bán cho người khác.
Nhà kế bên mang số 184 của bà Tư, bà đi mỹ theo bảo lãnh của con trai cả, để nhà lại cho con trai thứ. Ở Mỹ không quen, và có lẽ nhai kẹo chewing-gum không đậm nồng bằng nhai trầu, bà gởi tiền về cho con thứ sửa nhà để mai mốt bà về đây sống nốt tuổi già. Nhà thứ ba mang số 188 là nhà anh minh. Cha anh là ông Hai thuở sanh tiền làm thợ chạm khắc mâm đồng. ông là thợ ngoài Bắc vào. Sau giải phóng, không hiểu sao nghề này mai một. Ông Hai qua đời. Anh Minh và vợ anh đều được cha truyền nghề nhưng đành thất nghiệp. Vào thời kỳ thành phố ăn bobo, khoai mì, lối xóm cũng không biết gia đình ông một mẹ già hai vợ chồng năm đứa con sống ra sao. họ thường khép cửa nhà lại vào giờ ăn. Cho đến một hôm đứa con trai nhỏ tên Hiếu qua đời vì suy dinh dưỡng.
Chị Minh, một phụ nữ lâýchồng độ tuổi đôi mươi, sanh con năm một, cắp một cái giỏ đệm ra chợ tập bươn chải với chị em. Cái tay nải ấy từ từ phát triển thành cái sạp. Đứa con gái đầu lòng lớn lên trong cảnh nhà gian khó sớm biết đỡ đần mẹ, và nhờ sớm xông pha chốn thương trường, cô gái chưa đầy hăm lăm tuổi này nay đã thay mẹ làm một nhà buôn sỉ vải sợi. Anh Minh giờ chỉ lo một việc thích DD thì mua DD, không thích Cub đỏ thì đổi Dream II.
Tôi nhớ chị Ột, cái tên tôi đã bao lần gọi khi có tiền mua cà-rem hay khi bị bọn trẻ khác ăn hiếp. Mẹ con chị ở đậu một chái nhà chỉ đủ chỗ kê cái giường. Ba chị không ở chung. Mẹ chị hay bệnh, chiều chiều chị ra đứng ở đầu ngõ trên đường Nguyễn Trãi chờ ba chị chạy xe ngang. Chị nhận ra ông từ xa, mừng rỡ giơ cả hai tay cao qua đầu ngoắc lia lịa “Ba ơi, Ba !”. Ba chị ngừng xe xụ mặt nghe giọng nói đớt hồn nhiên của đứa trẻ : “Hết gạo rồi !” hoặc “Hồi hôm má trúng gió, không có tiền mua lá xông” hay “Dì Hai đòi tiền nhà” v.v…Ít lâu sau ba chị biến mất và chị không đợi nữa. Chị không được đi học, không có nghề nghiệp, đi lêu bêu thế nào lấy anh chồng mua ve chai sắt vụn đẻ một đứa con. Anh này nghe nói cũng bà một bà hai gì đó. Chị Ột và đứa con lếch thếch đi tìm anh ta, mà tìm được anh ta về thì cái ổ hai mét vuông lại rung chuyển bởi những cú đấm đá ạch đụi.
Một người đàn bà bất hạnh khác cũng một lứa tuôỉvới chị Ột nhưng may hơn Ột một chút: gọi tạm chị là Lài vì chị không phải dân xóm. Duyên trời dun dủi chị gặp anh Hui. Hai kẻ vô gia cư đùm bọc nhau. Một dạo anh Hui đi chẻ củi mướn hay khuân vác thuê, chị Lài cũng làm bất cứ gì người ta nhờ. Rồi chị sanh đứa con trai. ở nhà bảo sanh ra, anh Hui đưa chị về lót ổ bên hiên “Điểm tiếp dân”. Đầy tháng thằng bé chẳng nhỉnh lên được bao nhiêu. Có người khuyên vợ chồng chị “gởi” đứa bé cho một bà nhà giàu mà không con. Cha mẹ nào bán đứa con mình mới đứt ruột đẻ ra? Đôi lần tôi gặp vợ chồng anh Hui đẩy chiếc xe bốn bánh con con, phía trên bày ít trái cây như cóc, ổi, củ sắn…Vợ kéo đằng trước, chồng đẩy đằng sau, lùi lũi đi giữa phố xá đông người. Sau này chị Lài sanh được đứa con gái nữa. Chị đặt đứa bé nằm trong thùng xe giữa mớ giẻ cũ và vài món đồ nhôm gia dụng, đó là tất cả gia tài,tất cả cuộc đời của gia đình này.
Ngày xưa cha mẹ tôi từ giã làng quê bom đạn, lưu lạc đến đây nhập vào xóm dân tản cư , ngụ trong một căn nhà lá đúng nghĩa đen. Tôi còn nhớ nền nhà bằng đất ẩm, mùa ba tôi bán nhãn thì cây nhãn con mọc lụp xụp bên vách. hết mùa nhãn ba bán mía hấp, những gốc mía già nẩy tược mới, mọc thành bụi nhỏ. Bán sầu riêng có tiền ba tôi tự tráng nền nhà một lớp xi măng mà pha cát nhiều hơn xi măng nên về sau cứ quét nhà là ra cát, và chẳng bao lâu nền nhà lại lỗ chỗ như sau cơn bệnh đậu mùa.
Mẹ tôi mất sớm, cha con tôi cứ đắp đổi vá víu như vậy mà qua ngày. Kể ra hai mươi năm trời cũng có vài tiến bộ, nhà lá thành nhà tôn, ba tôi đã tự một mình cơi lên cái gác. Và cũng chỉ một mình ông bán hàng rong nuôi ba người con gái chỉ ăn rồi học. Vậy mà giờ đây với bằng đại học trong tay, không đứa nào trong ba đứa đảm bảo được buổi xế bóng của ông được an nhàn.
Năm tháng qua, trẻ con lớn lên rồi già đi, một đời người là mấy chốc? Xóm cũ còn đó, người trong hẻm ra vô vẫn gặp mặt. Nợ nần cứ chồng chất lên vai tôi. Tôi nợ bác Hai và bà Điếc một tuổi thơ côi cút được hai người xót thương. Nay người đã về cõi khác, tôi dẫn viết ngàn lời thương nhớ vẫn vô nghĩa mà thôi. Tôi nợ những người bạn nhỏ ngày xưa đã cho tôi cùng mút cây cà rem…
Nhà văn Lý Lan