Giá cổ phiếu của các nhà sản xuất đồ trẻ em, đàn piano tăng vọt sau khi việc nới lỏng chính sách một con được loan báo rộng rãi. Các trung tâm gia sư cũng nhìn thấy tương lai màu hồng, vì nhiều gia đình ở đô thị khao khát mong chờ đứa con thứ hai của họ.
Cổ phiếu của C&S Paper, doanh nghiệp chuyên sản xuất giấy dùng cho trẻ sơ sinh, tăng giá 10% trên thị trường chứng khoán. Giá cổ phiếu của hai công ty sản xuất đàn piano là Hailun Piano và Quảng Châu Pearl River Piano Group cũng tăng 10% với triển vọng các bậc cha mẹ Trung Quốc sẽ mua nhiều đàn hơn nếu họ có con thứ hai…
Trong khi đó, giá cổ phiếu của các công ty kinh doanh đồ tránh thai đi xuống. Bệnh viện Thượng Hải đã lên kế hoạch mở thêm các khóa đào tạo hộ sinh và tư vấn nguy cơ cho các cặp vợ chồng tuổi trung niên muốn sinh thêm con.
Biện pháp cải cách mới đặc biệt kích thích những cặp vợ chồng sinh sống tại đô thị mới chỉ có một con và vẫn còn trong độ tuổi sinh nở. “Tôi đã sẵn sàng mang thai ngay khi có hướng dẫn chi tiết”, Long Xiaolon, người mới có một đứa con trai, háo hức nói.
Cô cho biết, muốn tránh cho con mình phải chịu cảnh “tuổi thơ đơn độc” mà cô từng nếm trải. Long (32 tuổi, nhà phân tích kinh doanh tại Bắc Kinh) tiết lộ trước đó, cô lên kế hoạch sinh con tại Mỹ - cách mà những gia đình giàu có ở Trung Quốc thường áp dụng để lách chính sách một con. Trên mạng xã hội Weibo, một thành viên đùa rằng: “Người trẻ đã sớm lên giường vì giờ đã được phép sinh con thứ hai”.
Dạy cho các “tiểu hoàng đế” một bài học
Nhưng không phải ai cũng chào đón việc sinh thêm em bé. Tian Jinrong (6 tuổi, ở Bắc Kinh) không thích ý tưởng có thêm chị em ruột. Jinrong muốn giữ vai trò con một của mình khiến cô trở thành trung tâm chú ý - một hiện tượng được người Trung Quốc gọi là các "tiểu hoàng đế”.
Khi cha cô nêu khả năng sẽ sinh thêm em bé, Jinrong bật khóc. Ông Tian cho biết, sẽ không sinh thêm vì cô con gái độc nhất không muốn, dù người vợ 32 tuổi vẫn đủ tiêu chuẩn và nói: “Nhiều bậc cha mẹ chỉ muốn có thêm một đứa con để dạy một bài học cho "tiểu hoàng đế" hiện nay của họ. Nhưng chúng tôi thực sự không biết chuyện gì sẽ xảy ra”.
Chính sách một con được thực hiện từ cuối những năm 1970, nhưng nhiều năm nay, lãnh đạo Trung Quốc phải chịu áp lực rất lớn từ xã hội và các chuyên gia dân số đòi hỏi phải thay đổi khi dân số nước này bị già hóa. Các gia đình ở thành phố bị phạt nếu sinh con thứ hai, trong khi ở khu vực nông thôn có vẻ dễ thở hơn.
Sau Hội nghị trung ương 3, Trung Quốc đã cho phép các cặp vợ chồng có hai con nếu một trong hai người là con duy nhất. Cải cách này nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh con của người dân trước nguy cơ thiếu hụt lao động và già hóa dân số. Hàng triệu cặp vợ chồng Trung Quốc hiện đủ tiêu chuẩn sinh con thứ hai.
Nếu hiện tượng “đứa con thứ hai” bùng phát, chính quyền địa phương cần mất một thời gian xem xét lại chính sách và phải được cơ quan kế hoạch hóa gia đình cho phép. Quan chức chính phủ cho biết, cần tiến hành các biện pháp để tránh sự bùng nổ sinh đẻ trong một thời gian ngắn; quá trình cải cách cần diễn ra từ từ.
Thục Ninh (Theo WSJ/Tiền phong)