Người vẽ truyền thần cuối cùng giữa Sài Gòn

Người vẽ truyền thần cuối cùng giữa Sài Gòn

Thứ 5, 27/12/2012 23:54

21 năm trôi qua, nhiều người đã quen thuộc với hình ảnh một ông họa sĩ già lặng lẽ ngày ngày cặm cụi, tỉ mẩn với nét vẽ truyền thần đơn độc giữa lòng phố thị.

Ông ngồi bên một khoảng không gian nhỏ hẹp vừa đủ che nắng che mưa ở góc vỉa hè chật chội trên đường Điện Biên Phủ ( Q.3, TP.HCM). Ông là Từ Hoa Lợi, người vẽ truyền thần cuối cùng ở Sài Gòn.

Lạ & Cười - Người vẽ truyền thần cuối cùng giữa Sài Gòn

Họa sĩ Từ Hoa Lợi say mê vẽ tranh truyền thần

Giữ hồn người qua nét cọ tài hoa

Họa sĩ Từ Hoa Lợi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1959. Sau khi ra trường ông được phân công làm việc cho Đoàn xiếc Trung ương với công việc vẽ quảng cáo cho những đoàn xiếc nhằm thu hút người xem. Khi đó, "công nghệ quảng cáo" còn lệ thuộc hoàn toàn vào đôi tay tài hoa của người nghệ sĩ nên công việc của ông chiếm vị trí trọng yếu trong việc thu hút sự chú ý của khán giả.

Miệt mài với nghề, năm 1992, ông rời Đoàn xiếc dẫn theo vợ vào Sài Gòn để thỏa chí tang bồng của người nghệ sĩ. Nhận thấy đây là mảnh đất màu mỡ cho nghề vẽ truyền thần vốn đang rất thịnh hành khi thời đại công nghệ kỹ thuật số chưa phổ biến. Sẵn máu nghệ thuật, Từ Hoa Lợi vác giá vẽ ra đường Điện Biên Phủ hành nghề từ những năm 90 của thế kỉ trước cho đến nay.

Bộ đồ nghề cũng đơn giản như chính cuộc đời ông, chỉ một chiếc cọ bằng tre và một giá vẽ do ông tự làm. Chất liệu vẽ là bông cục tẩy, bột Tàu trắng đen không hòa tan trong nước và giấy Roki loại A3. ông bảo, điều quan trọng nhất là cái tâm và sự hóa thân của người họa sĩ vẽ truyền thần. Một bức ảnh vẽ giống thôi chưa đủ, mà phải có thần thái dù nhân vật trong tranh là người, phong cảnh hay tĩnh vật. Cái thần ấy thể hiện qua khóe mắt, nếp nhăn hay vài sợi tóc vương trên trán, chiếc mũi hếch, chiếc răng khểnh. Điều này người vẽ phải nhận ra, tự tìm thấy chứ không ai làm thay được.

Đặc biệt, thần sắc trong tranh vẽ thể hiện trong đôi mắt. Đôi mắt chính là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của bức vẽ. Thường để vẽ được bức tranh truyền thần phải mất thời gian từ 5-7h và đó là cả tâm huyết của người nghệ sĩ. Không yêu nghề, không đam mê thì không thể làm được. Không chỉ vẽ qua những tấm hình cũ của khách hàng đưa, họa sĩ Từ Hoa Lợi còn có khả năng vẽ qua trí nhớ, qua cách miêu tả của người thân nhân vật trong bức vẽ. Họ chỉ cần tả lại những đặc điểm nổi bật trên gương mặt kết hợp với việc nhìn người nhà, con cháu, ông có thể tái hiện lại bức tranh một cách chính xác đến 90%.

Với những bức ảnh qua thời gian đã bị hoen ố, mục nát gần như không còn nhận dạng nhân vật, người ta tìm đến ông hy vọng phục hồi nguyên tác. ông yêu cầu người nhà tả lại chi tiết ra tờ giấy rồi một mình ông nghiên cứu, nghiền ngẫm, bằng khả năng trực giác nhảy cảm, ông đã thành công ngoài mong đợi của khách hàng.

Nét truyền thần “lạc thời” giữa lòng phố thị

Cách đây 6 năm, vợ ông qua đời sau thời gian chịu đựng di chứng vụ tai nạn lao động khi bà đang hoạt động trong ngành nghệ thuật. Kể từ đó, căn gác trọ trở nên đơn lẻ những buổi đi và về của người nghệ sĩ bước sang tuổi 75 này. Ông nhanh chóng chôn vùi nỗi đau vì ông hiểu được sự luân thường, vô biên của kiếp người.

Mỗi ngày từ 8h sáng đến 12h trưa, chiều từ 2h đến 5h, chủ nhật nghỉ, ông tự đặt ra thời gian biểu và nhất nhất tuân theo như một thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức. Vẫn biết công việc nào cũng vì mục đích kiếm tiền để sống nhưng hơn cả việc mưu sinh chưa bao giờ ông thôi nặng lòng với nó. ông cười dung dị: "Công việc cho tôi niềm vui và tôi thấy hạnh phúc vì được làm việc. Ngày xưa vợ còn sống, tôi yêu vợ và nghề vẽ còn bây giờ cái tôi yêu duy nhất là công việc vẽ truyền thần mỗi ngày".

21 năm gắn đời mình bên những bức vẽ, tỉ mẩn và chăm chỉ thì ngần ấy thời gian ông nặng lòng với cảnh và tình người trong tranh. ông trầm ngâm kể lại, có vô vàn những chuyện cảm động ứa nước mắt xung quanh nghề vẽ truyền thần đi qua đời ông. Đó là tình yêu nồng cháy của một ông cụ, ngày xưa là con một điền chủ giàu có, đem lòng yêu cô gái con người tá điền. Tình yêu của họ bị gia đình ngăn cản vì không môn đăng hộ đối. Cha mẹ bắt ông phải lấy người con gái khác mà mình không yêu.

Mặc dù đã có con đàn cháu đống, nhưng khi về già tình yêu sâu nặng của ông cụ dành cho cô gái năm xưa vẫn không hề phai nhạt. Ông ấy tìm đến Từ Hoa Lợi, bày tỏ tâm tình và mong muốn có một tấm hình người xưa qua nét vẽ của ông. Nghe câu chuyện tình cảm động của người già, cùng với nét đặc tả lúc mờ lúc ảo, bằng sự nhập thân hoàn hảo, ông đã tái sinh lại hình ảnh cô thôn nữ ngày xửa ngày xưa trong niềm vui và nước mắt hạnh phúc của thân chủ.

Thời đại công nghệ kĩ thuật số, vấn đề phục hồi ảnh cũ hiện nay dễ dàng hơn, điều đó khiến nghề vẽ truyền thần trở nên lẻ bóng, ảm đạm. Những học trò của ông lần lược rời bỏ nghề để chạy theo công nghệ máy móc. Chỉ còn mình ông duy nhất và cuối cùng trụ lại với nghề giữa một thành phố sôi động. Một ngày, ông làm từ 1 đến 2 tấm hình với khoản thù lao khoảng vài trăm nghìn đồng, đủ cho cuộc sống giản dị, một thân một mình.

Ông nói, cuộc sống đối với ông nó bình thường lắm, cái quan trọng là ông được làm việc và tự hào là người nghệ sĩ lưu giữ được một nét đẹp truyền thống xưa cũ. Tìm được một sự tĩnh lặng và tìm được cách trở về chính mình giữa một Sài Gòn nhiều chuyển động này không phải dễ dàng. Nghề vẽ với sự tập trung cao độ nên đòi hỏi sự yên tĩnh và không gian thoáng đãng, nhưng người họa sĩ già này đã đạt đến mức biết vượt lên những chướng ngại và điều kiện xung quanh, bỏ quên cuộc sống náo nhiệt ngay phía sau lưng mình để đạt được sự thăng hoa của nghệ thuật.

Lặng lẽ với "hữu xạ tự nhiên hương"

Đã 21 năm, ông cứ ngồi như thế, không hề chào hàng, mời gọi vậy mà khách hàng tìm đến ông không bao giờ hết. Tôi thắc mắc về sự làm việc kì lạ này và ông giải thích: "Đây là nghề vẽ truyền thần, cái nghề nó gắn với bản tính con người. Mình cứ lặng lẽ, bình thản rồi mọi người sẽ tự tìm đến mình. Nó khác với nghề chép ảnh hay chụp ảnh đòi hỏi phải có không gian, địa điểm, truyền thần cần nhất là cái tâm và sự nhiệt huyết hóa thân của người vẽ". Có kỷ niệm nghề, giờ ông vẫn nhớ như in. Chuyện là, có gia đình ở tận Củ Chi, nghe danh họa sĩ đã đánh cả xe hơi lên rước ông về nhà để vẽ chân dung cho cụ cố. Cụ cố họ qua đời đã lâu nhưng do thời chiến tranh loạn lạc đến khi mất không có một tấm hình để trưng thờ. Người họa sĩ yêu cầu tập hợp toàn bộ con cháu lại, xem ai giống cụ cố nhất rồi đến người giống từng nét, sau đó, ai được nhìn thấy cụ cố sẽ hình dung và chỉ điểm nét giống để ông ngồi vẽ lại. Tổng hợp các đặc điểm xong, ông phác thảo sơ qua rồi đưa cho gia đình xem. Họ thấy thiếu chỗ nào cần bổ sung thì chỉ ra để ông chỉnh sửa lại rồi bắt tay vào vẽ bản chính. Bức vẽ hoàn chỉnh, người nhà cụ cố tấm tắc khen rất giống. Những người con của cụ cố ôm ghì lấy bức ảnh của cha mình khóc rấm rức. Ông bảo, người nghệ sĩ có tâm hồn rất đa cảm, mỗi lần thân chủ nhìn tranh khóc làm ông không cầm nổi lòng, nước mắt cũng theo cảm xúc tuôn ra.

Hoa Nguyên


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.