Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho biết: giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả đến giữa tháng 12/2018 ước đạt khoảng 80 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu từ đầu năm đến nay đạt 1,65 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, mặt hàng rau ước đạt 458 triệu USD, tăng 45,4% so với cùng kỳ 2017 và mặt hàng quả ước đạt 1,09 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2017. Thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất trong 10 tháng đầu năm 2018 là Thái Lan (chiếm 41,3% thị phần), Trung Quốc (chiếm 24,4%).
Tính trung bình, mỗi ngày người tiêu dùng Việt chi hơn 100 tỷ đồng để mua trái cây từ nước ngoài, trong đó 2/3 là các sản phẩm cùng loại với trái cây đã có sẵn trong nước. Đáng chú ý, các mặt hàng này thậm chí còn vượt qua trái cây của Việt Nam để dẫn đầu tiêu thụ ở thị trường trong nước.
Theo khảo sát của phóng viên tại một số chợ đầu mối, khi được hỏi về trái cây nhập khẩu so với trái cây Việt Nam thì người tiêu dùng đều cho rằng, trái cây nhập khẩu bắt mắt hơn, chất lượng ổn định hơn. Hầu hết các bà nội trợ đều nhận định, trái cây Việt Nam cũng ngon, nhưng so với của Thái Lan, Hàn Quốc thì chưa bằng.
Chị Mai Anh, chủ một shop bán trái cây ngoại nhập ở Q.1 (TP.HCM) cho biết: Số người có tiền ở Sài Gòn ngày càng nhiều, đời sống khá khẩm hơn nên họ có nhu cầu thưởng thức các loại trái cây mới lạ. Nhiều loại trái cây như: táo, lê, hồng, nho, dâu, kiwi… có giá trung bình vài trăm ngàn đồng một ký cũng trở nên gần gũi hơn, người chọn mua cũng nhiều hơn”
Lý giải về việc trái cây ngoại nhập được ưa chuộng, chị Mai Anh chia sẻ thêm: ngoài mức sống tăng kéo theo nhu cầu thay đổi, trái cây đang trở thành loại quà tặng ngày càng phổ biến. Tâm lý đã là quà biếu thì phải tặng loại mà giá trị của nó thể hiện được tấm lòng của người tặng. Đây cũng là lý do mà trái cây cao cấp ngoại nhập ngày càng tiêu thụ mạnh. Mặt hàng tiêu thụ mạnh nhất là các giỏ quà được phối các loại trái cây có hình thức bắt mắt với nhau, mỗi giỏ có giá từ 3 - 5 triệu đồng.
Sự ưa chuộng của người tiêu dùng Việt đối với trái cây ngoại nhập không chỉ dừng lại ở số lượng nhỏ lẻ mà còn hấp dẫn các nhà xuất khẩu nước ngoài. Trong chuyến công tác Việt Nam vào cuối tháng 10 vừa qua, ông Tetsuichiro Tomihari, Giám đốc bộ phận triển lãm - Hiệp hội Siêu thị Nhật (NSA), khẳng định doanh nghiệp Nhật xem Việt Nam là thị trường tiềm năng để xuất bán các loại trái cây tươi, đặc biệt là táo.
Trao đổi với phóng viên, chị Ngọc Thu (Q. Tân Bình) cho rằng: "Tôi vẫn chọn mua trái cây nhập dù nó đắt hơn gấp 3 hoặc 4 lần, bởi vì tôi có niềm tin chắc chắn là thực phẩm an toàn, chất lượng cao, có tem mác. Trong khi trái cây Việt Nam chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng".
Theo Bộ Công Thương, mặt hàng trái cây nhập khẩu tăng mạnh là do việc giảm mạnh thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia, cũng như đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu; trong đó có trái cây, làm tăng đầu mối nhập khẩu rau quả, giảm giá trái cây nhập khẩu. Chẳng hạn, thuế xuất nhập khẩu trái cây theo cam kết của Việt Nam với các nước ASEAN, Úc, New Zealand, Hàn Quốc… đều còn 0%.