Để thoát khỏi "địa ngục trần gian", nhiều công nhân đã phải "chuộc thân", bị đánh đập, đình công và kể cả tuyệt thực chờ chết… nếu công ty không cho về.
Bộ mặt thật "cò" lừa đảo lao động
Những ngày qua, dư luận người dân ở tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn chưa hết xôn xao, bàn tán về những người lao động Việt Nam làm việc tại công ty may mặc T&G (có trụ sở tại Nga, do ông Lê Gia Giáo, một người Việt làm giám đốc) bị "bóc lột" sức lao động như nô lệ.
Còn nhiều gia đình vẫn đang chờ tin tức con nhưng không có đủ tiền đành phó mặc cho trời định đoạt...
Trao đổi với PV, nhiều người dân ngụ tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, thời gian qua, "cò" và những công ty "đen" ở nước Nga chỉ cần rỉ tai với nhiều người dân nghèo là đi xuất khẩu lao động sang Nga chẳng tốn đồng tiền nào, chỉ cần sang đó làm dăm ba tháng là trả nợ hết. Công việc nhẹ nhàng, ăn uống sung sướng lắm, lương rất cao mỗi tháng làm cũng phải dư giả 10 đến 12 triệu đồng để gửi về nhà. Thấy đi nước ngoài mà dễ hơn đi chợ, người giới thiệu là người quen trong làng, trong xóm nên chẳng ai nghi ngờ. Hàng chục người dân xã Phú Xuân (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã tin theo lời đường mật của “cò” sang Nga để "đổi đời"...
Theo tìm hiểu của PV, qua lời giới thiệu rất "bùi tai" của "cò" Võ Văn Tuyên và Lê Thị Thu Dung (cùng ngụ tại xã Phú Xuân, chuyên đưa người lao động sang Nga làm việc cho công ty T&G), thủ tục xuất ngoại rất đơn giản, chỉ cần mỗi người đưa 3 triệu đồng tiền xe ra Hà Nội và bay sang Nga, sau đó làm trả số nợ 2.000 USD.
Ông Nguyễn Văn Lây (ngụ thôn Quảng Xương, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang) chia sẻ: "Nghe thấy có cơ hội đi làm ăn nước ngoài, tôi cũng mừng và cho con gái sang Nga để kiếm chút vốn về làm ăn, lấy chồng. Với lại chỗ ông Tuyên cũng là bạn bè thân lâu năm nên gia đình chúng tôi tin tưởng cho cháu nó đi. Vậy mà mới sang hôm đầu tiên cháu đã gọi điện khóc lóc, đòi về... Tôi đâu có ngờ sự tình lại ra nông nỗi như ri?".
Mới đặt chân vào xưởng, nhiều công nhân đã biết mình bị lừa, làm việc như khổ sai và bị chôn vùi tuổi thanh xuân ở xứ người. Nhớ lại những ngày làm nô lệ lao động, em Trần Thị Mỹ Xuyên rưng rưng nước mắt kể lại: "Theo lời của bà Dung thì chúng em chỉ phải làm việc ngày 8 tiếng, nếu muốn tăng ca kiếm thêm tiền thì làm nhiều nhất cũng khoảng 12 tiếng. Nhưng sự thật chúng em phải làm mỗi ngày ít nhất là 16 tiếng, thậm chí 22 tiếng, không có cả giờ ăn và nghỉ ngơi. Nhiều người không chịu nổi ngất xỉu, rồi ngủ quên bị kim châm tay cho đến tứa máu".
Dù lao động khổ cực nhưng nhiều công nhân vẫn phải cắn răng chịu đựng vì nghĩ có tiền để gửi về nhà. Ai ngờ làm không công suốt cả một năm trời vẫn chưa đủ trả nợ, giám đốc công ty không cho biết mức lương mà họ được nhận. Nhiều người chịu không nổi đã bỏ trốn nhưng ông Giáo đã báo với cảnh sát bắt về. Rồi cả những công nhân vô tội phải chịu đòn nếu không tìm ra người sai phạm..., sau đó là nhốt trong phòng kín đánh cho "nhừ đòn" mới tha.
Anh Đặng Hảo (ngụ huyện Phú Vang, một lao động từng sang làm công nhân cho công ty T&G) cho biết: "Hôm đó trên tường có ghi câu công ty bóc lột sức lao động của công nhân. Tra khảo mãi không có ai nhận cuối cùng ông Giáo đã lôi tôi vào phòng nhốt để cho một người đàn ông đánh. Người đàn ông này dùng gậy đánh tôi, còn lão Giáo lớn tiếng chửi: "Nhiều khi tau cũng phải làm căng cho tụi bay mới biết thân phận mình...".
Làm đã khổ cực, ăn uống còn khổ cực hơn, 6 người ăn mà chỉ có một đĩa thịt lợn và rau bắp cải đá, ăn quanh năm suốt tháng. Đã thế chủ lại còn bắt làm những việc không phải phận sự người công nhân làm. "Ám ảnh nhất của tôi đó là mỗi lần đi đổ rác, mùi rất hôi thối... kinh khủng lắm! Tôi phải kéo xe rác to từ trên lầu 3 xuống lúc nửa đêm, trời thì lại âm tới 20 độ nhưng vẫn phải làm. Không làm thì chúng nó lại chửi bới và hành xác mình. Ngoài ra, trong căn phòng nhỏ khoảng chừng 20m2 "nhét" tới 40 người, cả nam và nữ chỉ ngăn cách nhau một bức tường. Làm mệt, đêm tưởng về cũng không thể ngủ được "vì nhiều công nhân nữ tủi phận khóc lóc suốt đêm", anh Hảo buồn bã kể.
Hồ Thị Lành và Trần Thị Mỹ Xuyên phải "chuộc thân" bằng 30 triệu đồng.
Hành trình thoát khỏi... “địa ngục trần gian”
Đưa người lao động sang nước ngoài trái quy định Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Hoàng Văn Phước, trưởng phòng Việc làm, An toàn lao động thuộc sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: "Những trường hợp vừa qua là đi lao động trái phép. Trong vòng 5 năm trở lại đây, Sở không có chương trình hợp tác xuất khẩu lao động đối với các doanh nghiệp ở Nga. Có thể họ được làm thủ tục đi theo diện du lịch rồi ở lại làm chui. Tôi khẳng định lại, việc công ty may mặc T&G đưa người đi lao động sang Nga là sai quy định pháp luật, đưa người đi xuất khẩu lao động không phép và chưa được sự cho phép của bộ LĐ-TB&XH. Vì thế tôi đề nghị phía công ty phải trả lại tiền và bồi thường cho những lao động này. Trước đó, tôi đã trao đổi với ông Tuyên rồi là cái gì đáng lấy thì lấy, cái gì không đáng lấy thì anh phải trả lại cho người ta, công an cũng đang điều tra hành vi nhận tiền của ông Tuyên đó". |
Không thể chịu đựng thêm một ngày nào làm lao động khổ sai bên xứ người, nhiều công nhân đã tìm cách bỏ trốn nhưng khi phát hiện lại bị nhốt vào phòng kín và bị hành xác. Và cuối cùng họ đã gọi điện về cầu cứu người thân. Gia đình nào có con đi làm công ty T&G ở Nga đều lo lắng trước tình trạng con mình bị hành hạ, nhiều nhà đã cầm sổ đỏ, bán mọi thứ quý giá trong nhà để "chuộc con" về nước. Tuy nhiên, giám đốc công ty này ra giá: "Muốn về thì phải trả nợ 3 triệu đồng, cứ gửi tiền qua đây càng sớm thì càng được về sớm. Còn không thì đừng hòng...".
Trước sự làm khó của giám đốc công ty, những công nhân phải tìm mọi cách như nói bố bị ung thư sắp chết, người thì nói mẹ ốm nặng... để về nhà với số tiền chung chi là từ 30-70 triệu đồng tùy từng người. "Tôi phải qua nhà "cò" Tuyên và Dung để nhờ nói với ông Giáo ở bên Nga cho con gái tôi về gặp mặt ba nó lần cuối, chứ ba nó bị ung thư sắp đi rồi... Nhưng phải chồng tiền 30 triệu đồng con tôi mới về nước được. Khi gặp được con ở ngoài sân bay, tôi như không tin vào mắt mình, con gái tôi người mỏng như lá lúa, xanh xao và ốm yếu. Gặp được gia đình các cháu mừng quá mà ngất xỉu phải đi cấp cứu... Mấy tháng nay bồi bổ mãi mới lại sức được một tí", mẹ của nạn nhân Hồ Thị Lành (công nhân công ty T&G), xót xa, nói về hành trình chuộc thân con gái về nước.
Dù đã nhận được tiền chuộc nhưng chủ của công ty T&G cũng chưa chịu buông tha. "Khi đưa giấy visa để về nước, ông Giáo đã xé ảnh của em trên hộ chiếu nhằm làm khó dễ. Khó khăn lắm em mới về nước, về đến sân bây Việt Nam em không còn một đồng xu nào hết, đói quá mà không có nổi tiền mua ổ mì. Lúc đó chỉ muốn ôm người thân mà khóc cho quên đi những tháng ngày bị tù đày", chị Nguyễn Thị Hương phẫn nộ kể lại.
Còn chị Phan Thị Bò (quê ở Thủy Phù, thị xã Hương Thủy) có một cách đấu tranh khác để về nước. Chị Bò chia sẻ: "Tôi làm tròn một năm mà không có một đồng nào gửi về nhà cho ba đứa con. Chồng tôi bị thần kinh, còn một đứa con nhỏ bị bệnh tim bẩm sinh. Gia cảnh khó khăn nên phải đi làm thuê, nhưng chúng nó bóc lột sức lao động ghê quá nên tôi đòi về. Chúng không cho tôi về, còn hăm dọa đưa lên rừng rú để thả ở đó cho chết. Tôi cũng không sợ nên đã xô xát với bọn chúng, tôi đòi chết nhưng chúng vẫn không cho về. Hơn 10 ngày tôi nhịn ăn nằm chờ chết, thấy tôi cương quyết chúng sợ liên lụy nên đã cho tôi về".
Chị Bò kể tiếp: "Về đến sân bay Việt Nam, tôi như được sống lại. Nhưng vào hôm về nước, tôi lại thấy "cò" đang chuẩn bị dẫn 20 người sang Nga. Tôi vô ngăn cản họ nhưng "cò" Dung và một số đàn em của ông Giáo tại Việt Nam đã ngăn tôi lại, nên tôi không nói được gì với những người đó về sự thật lao động của công ty T&G ở bên Nga. Tôi thấy tội cho mấy công nhân còn ở bên đó không biết khi nào mới được về. Và cả những người tiếp tục bị lừa sang bên Nga nữa, chỉ mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để vạch trần bộ mặt thật của những kẻ lừa đảo!".
Hoàng Yến