Câu hỏi đó ám ảnh tâm trí tôi. Vì thú thực, đã từ lâu tôi xem sự học không chỉ là lấy tấm bằng để ra trường kiếm việc, mà học với tôi là tích lũy tri thức. Lời bà cô nói không sai, nhưng liệu có hoàn toàn đúng?
Và tôi cũng không giải thích gì với cô được, bởi tôi hiểu rằng, khi một người đã có điểm nhìn như vậy, cách tư duy như vậy, thì dẫu mình có nói cho rõ ngọn ngành, thì người đấy vẫn không thể hiểu, không cố gắng để hiểu.
Cuộc đời cô lam lũ khổ cực bao năm, suốt đời bán mặt cho đất bán lưng cho trời, có thời gian đâu mà nghĩ ngợi sâu xa. Hiển nhiên, cả đời cô chưa có thời gian rảnh để cầm một cuốn sách đọc từ đầu đến cuối. Cuộc sống vất vả không cho cô cơ hội để làm điều đó. Hoặc do chính cô không cho mình cơ hội.
Bảo sao, người Việt ít có tư duy đa chiều. Nếu ai cũng như người cô của tôi kia, thì làm sao mà có được?
Đây không phải là một khái niệm mới đối với Việt Nam. Vì trong sự hội nhập kinh tế toàn cầu một cách sâu rộng của mình, văn hóa cũng được hội nhập, những lý thuyết mới nhất trên thế giới ít nhiều cũng được giới thiệu tại Việt Nam (điều đó có được là nhờ sự phát triển lớn mạnh của thông tin, tri thức thông qua sự kết nối internet toàn cầu trong thời đại ngày nay).
Nhưng thật kỳ lạ, người Việt thường mang trong mình tư tưởng vừa sính ngoại nhưng cũng đồng thời vừa bài ngoại rất lớn. Và câu cửa miệng mà tôi luôn thường nghe mọi người nói là: hòa nhập nhưng không hòa tan. Điều đó vừa có tính ưu việt của đặc tính văn hóa mang tính "lưng chừng" - "ở mức vừa phải" của người Việt, nhưng cũng đồng thời là sự hạn chế.
Bởi vậy, khi nhắc đến tư duy đa chiều, có thể rất nhiều người Việt đã "nghe nói" qua, đã "biết", nhưng có lẽ, rất ít người Việt thực hành.
Tư duy đa chiều là gì? Tư duy đa chiều là khi cùng một sự vật sự việc, chúng ta nghĩ đến nhiều khả năng, nhiều phương án, nhiều chiều hướng, nhiều hệ giá trị. Tư duy đa chiều phản ánh trong đời sống hằng ngày của mỗi người, trong công việc và cả trong cuộc sống cũng như tư duy sinh tồn và phát triển.
Tư duy đa chiều là khi chúng ta biết tiếp nhận nhiều ý kiến, nhiều góc nhìn, nhiều hệ giá trị, và tất cả những ý kiến những góc nhìn những hệ giá trị đó đều có hệ số tương đương, không độc tôn cái nào cả.
Tư duy đa chiều là tư duy theo nhiều chiều hướng để nhìn thấy những khả năng, không phải tư duy theo chiều dọc - điều chỉ nhìn thấy một khả năng (một giá trị).
Trong cuộc sống đa diện nhiều diễn tiến phức hợp như hiện nay, tư duy đa chiều giúp con người nhìn thấy được sự vật sự việc một cách đầy đủ hơn, trọn vẹn hơn. Từ đó, chúng ta dễ dàng tiệm cận sự thật hơn, và cuộc sống của chúng ta mới tròn đầy hơn. Như vậy, người Việt hiện tại (hiện đại) có tư duy đa chiều hay không?
Người Việt hiện nay có tư duy đa chiều không? Tôi cảm thấy buồn bã khi đưa ra câu trả lời, là thực tế người Việt không nhiều (thực sự là rất ít) người mang trong mình tư tưởng đa chiều, tư duy đa chiều.
Với sự trải nghiệm gần hai mươi năm vào đời của mình, cùng sự va chạm với hàng ngàn người mà tôi từng gặp gỡ trong cuộc sống, từ trong gia đình đến ngoài xã hội, tôi dám khẳng định một điều, rằng người Việt rất thiếu tư duy đa chiều.
Điều đó xảy ra trong cả giới trí thức lẫn giới bình dân học vấn phổ thông!
Bởi, tư duy của cộng đồng là cái ăn sâu trong tiềm thức của một dân tộc, của một tộc người, của một tập thể lớn.
Điều đó thể hiện trong văn hóa ứng xử hằng ngày, trong tư tưởng và nếp nghĩ trăm năm ngàn năm. Điều đó thể hiện trong gia đình (kính trên nhường dưới), trên giảng đường (nhất tự vi sư, bán tự vi sư), ngoài xã hội (kính lão đắc thọ), trong làng xã (sống lâu lên lão làng). Tất cả những hệ giá trị trên, là những nét đẹp trong văn hóa ngàn năm của dân tộc Việt, hình thành nên bao lớp người sống có lễ nghĩa, ứng xử văn minh.
Đó là những điều tốt đẹp. Nhưng trong chính cái ưu điểm đó, cũng bộc lộ những nhược điểm lớn. Sống trong thời đại tri thức phát triển nhanh như hiện nay, cái nhược điểm ngày càng thể hiện rõ hơn, đôi khi biến thành trở lực lớn, kìm hãm sự phát triển của cá nhân, cộng đồng, xã hội, và rộng hơn là quốc gia, dân tộc. Bởi những tư duy và cách ứng xử cũng như thái độ sống trên, không đặt ngang hàng mọi thành viên với nhau, mà luôn luôn có thứ bậc trên dưới.
Đôi khi, cái sự trên dưới đó, trong một tình huống cụ thể, nó trở nên kệch cỡm, không còn hợp thời nữa!
Tư duy một chiều làm cho chúng ta đi theo một chiều hướng, mà không nghĩ đến những chiều hướng khác. Như trong lao động và công việc, người Việt luôn tư duy mọi công việc đều quy vào thu nhập. Làm lương tháng bao nhiêu? Làm việc đó thu nhập có cao không? Vì tiền là thước đo chung cho mọi thành bại của một con người hiện đại ngày nay!
Điều đó là đúng, là tốt, nhưng chưa đầy đủ. Nếu như chúng ta sống chỉ vì tiền, chạy theo đồng tiền, thì vô tình chúng ta đang cản trở sự tìm biết về nhu cầu bản thể của mỗi cá nhân, triệt tiêu mọi ham muốn và mọi tiêu chuẩn khác. Vì tiền mà con người có thể đánh đổi mọi chuẩn tắc hành vi, và đánh đổi những giá trị khác - cái mà tiền không thể mang lại được.
Vậy, người Việt hiện nay có tư duy đa chiều không? Điều đó thật khó trả lời cho tròn trịa, nhưng nếu đa số chúng ta đều chỉ có tư duy như cô, chỉ nhìn thấy một chiều kích của vấn đề, thì nói người Việt có tư duy đa chiều cũng thật khó!...