Tôn vinh cuộc mưu sinh vĩ đại của nhân gian
Tuy sống lặng lẽ nhưng nhạc sĩ Lê Văn Tuấn có một sức làm việc phi thường như chính những tác phẩm của ông. Nhiều đêm thức giấc giữa đêm khuya thanh vắng, người giúp việc của ông đã không ít lần thót tim khi nhìn thấy bóng ông cặm cụi, im phăng phắc dưới bóng đèn vàng. Chính cái cách làm việc "không giống ai" đã tạo nên tên tuổi của nhạc sỹ Lê Văn Tuấn. Ông bảo muốn gọi ông là nhà thơ, nhà soạn nhạc, nhạc sĩ hay nhà khoa học đều được. Nhưng điều tôi muốn nói đến trong khuôn khổ bài báo này chính là khả năng sáng tác âm nhạc của ông. Vì thế, tôi quyết định gọi ông là nhạc sỹ.
Nhạc sĩ Lê Văn Tuấn.
Có thể nói, khi nhắc đến nhạc CROR của ông, có thể nhiều người Việt sẽ nghĩ đó là dòng nhạc của một dân tộc thiểu số nào đó. Thậm chí có người còn không biết đó là loại nhạc gì. Không thể trách là họ thiếu hiểu biết bởi đây là thể loại nhạc ít xuất hiện nhất ở khu vực châu Á. CROR là sự kết hợp nhuần nhuyễn, xuyên suốt nhiều thể loại nhạc ở khắp thế giới từ cổ chí kim, từ quá khứ đến hiện tại. Đặc biệt hơn, CROR đã đưa vào đầy đủ màu sắc của tất cả các thể loại nhạc cụ dân tộc truyền thống của Việt Nam. Một bản nhạc tấu lên, nó không hề đơn côi, lỏng lẻo mà trái lại, nó thấm đẫm tình cảm, triết luận sâu sắc về cuộc sống nhân gian.
Người ta ví những khúc ca trong CROR như những dòng sông cuộn chảy. Sự mênh mang, bát ngát của nó được góp lại từ những dòng suối đại diện cho những dòng nhạc trên thế giới. Mỗi con suối đó đều mang những sắc màu tâm huyết, nhiệt huyết, hồn khí của riêng nó. Điều đó tạo nên một bức tranh âm nhạc sống động. Nhạc trong CROR sử dụng đồng thời cả ba loại nhạc cụ: Nhạc cụ tự chế; thanh nhạc cụ người và nhạc cụ thiên nhiên.
Nhạc sĩ Lê Văn Tuấn chia sẻ: Ông đã từng đặt chân đến nhiều nơi trên dải đất hình chữ S và nhiều nơi trên khắp thế giới. Ông xâm nhập, len lỏi, tiếp cận với nhiều người dân lao động và thấu hiểu được cuộc sống đầy khổ ải, bất công của họ. Nhạc CROR là sự bao gồm tất cả những gì thuộc về tầng lớp ấy, một tầng lớp nhỏ bé, sống cuộc đời chật vật trên thế gian. Không ít lần, ông đã phải quay mặt đi lau vội dòng lệ tuôn trào trước cảnh đói khổ, tiêu điều của một làng quê nào đó.
Sau mỗi chuyến đi, trở về nhà, ngồi một mình trong căn phòng ngổn ngang của mình, ông lại trăn trở, thao thức suốt đêm. Sau hàng nghìn ngày "thai nghén", đến tận năm 2005, ông mới bắt đầu đi vào sáng tác những ca khúc đầu tiên cho dòng nhạc độc đáo này. Để viết ra được những trường ca bất hủ cho CROR đã là một thử thách nhưng để sáng tạo ra từng âm thanh, nốt nhạc, Lê Văn Tuấn đã phải vận dụng trí tưởng tưởng của mình đến mức tối đa. Có thể nói, không ai hiểu tường tận như con người trong nhạc của Lê Văn Tuấn.
Con người trong âm nhạc của ông hiện lên rất chân thật, không có sự tô hồng hay cách điệu. Ông quan niệm, số phận của người, của vật và linh hồn của họ trong tác phẩm âm nhạc CROR mới là cốt lõi. Hiểu được, thấy được, nghe được, thấm được linh hồn của họ muốn nói lên điều gì, đang nói lên chuyện gì... mới có thể hóa thân vào tác phẩm để mà diễn y như thật, để mà thưởng thức tác phẩm một cách trọn vẹn. Bởi thế mà, CROR sinh ra không chỉ đơn thuần là để khởi xướng một học thuật về âm nhạc mà CROR sinh ra là để dấn thân vào sự nghiệp của một loại âm nhạc vĩ đại, diễn tả cuộc sống của nhân gian, đi vào trái tim người để thấu hiểu hoàn cảnh có lúc khổ đau đến tột cùng của họ; có lúc tưởng chừng như cuộc đời nghiệt ngã đã quay đi. Không chỉ để cảm thông, không chỉ để chia sẻ, mà là để tiếp sức, để ôm ấp họ trong sức mạnh tiềm ẩn, để nâng niu họ trong ân tình lớn lao, sắt son chung thủy của một nền âm nhạc đầy nhân văn.
Nhạc sĩ Lê Văn Tuấn (phải) nhận chứng nhận của tổ chức Kỷ lục châu Á.
Phương pháp diễn xướng độc đáo
Nếu chịu lắng nghe, chịu nghiên cứu thì sẽ nhận thấy lý tưởng sống của dòng nhạc CROR mà nhạc sĩ Lê Văn Tuấn đã thổi hồn vào là để hướng con người đến cái đẹp tuyệt đối của cuộc sống. Những từ ngữ, những tên gọi đều rất tượng hình nhưng sâu xa và tiềm ẩn lại rất mộc mạc, dung dị mang đậm chất đời thường.
Ví như tác phẩm "Ngôi nhà mái lá"á, tác giả đã mô phỏng một ngôi nhà lá mong manh trước một cơn bão lũ dữ dội của thiên nhiên và một sự cảm thông sâu sắc, một tình yêu lớn lao được dành cho em gái nhỏ ngây thơ trong ngôi nhà mái lá đơn sơ ấy. Ngoài ra, tác phẩm còn vẽ lên hình ảnh một làng quê xa xôi, tĩnh lặng trong đồng nội với ngôi nhà xiêu vẹo đổ nát. Giai điệu chủ thay đổi bất thường tựa như lũ cuốn bất chợt và bão nổi trong đêm. Người nghe không thể lường trước được, không thể biết bản nhạc sẽ đi về đâu trong một không gian đa chiều, đa màu sắc. Các nhạc cụ đan vào nhau, do nhịp phách và âm lượng biến đổi liên tục. Nó tượng trưng cho hiểm họa tự nhiên và cũng là cuộc sống đời thường trăm nỗi gian truân của nhân loại.
Nhạc sĩ Lê Văn Tuấn từng chia sẻ với rất nhiều người rằng, mỗi khi nghe xong tác phẩm do chính mình sáng tác, nước mắt ông lại tuôn rơi. Lúc nào cũng thế, dường như với CROR, cảm xúc của ông là vô tận.
Ngoài những thân phận, những nỗi vất vả gian lao của nhân loại thì nhạc CROR của Lê Văn Tuấn còn thổi hồn cho tình yêu, một thứ tình cảm êm dịu, thanh cao và thánh thiện. Trong tác phẩm "Mùa xuân đến muộn", ông đã xây dựng tình cảm thắm thiết, niềm hy vọng trông mong của một người dành cho một người về tương lai hạnh phúc. Sự bùng cháy khát khao của một mùa xuân đến muộn không ồn ào ầm ĩ, không rực rỡ, chói chang nhưng sự khéo léo của tác phẩm đã lột tả được cái hoành tráng, cái trang trọng của mùa xuân đến muộn ấy và khẳng định: "Mùa xuân dù muộn nhưng sẽ đến /Hoa mùa xuân dù muộn nhưng sẽ nở /Người đi xa, đi mãi... /Chim én vẫn bay về...".
Nhạc sĩ Lê Văn Tuấn đã thổ lộ, mỗi khi cất lên, nhạc CROR làm cảm xúc trong con người cháy bỏng hơn. Một kẻ ác đang giơ búa, cầm dao lên cũng sẽ phải ngưng lại mà hướng thiện. Con người đang sống ở dưới đáy xã hội sẽ mỉm cười vì CROR nói đúng quá, tác phẩm nào cũng thấy hình ảnh của họ trong đó.
Nhạc sĩ Lê Văn Tuấn sinh năm 1952 tại Đức Thọ - Hà Tĩnh. Ngoài sáng tác nhạc, ông còn được USNECOS công nhận là nhà khoa học thế giới với nhiều công trình nghiên cứu thiết thực với con người. Ngày 27/10/2012, ông được tổ chức Kỷ lục châu Á trao xác lập kỷ lục Người sáng tạo ra âm nhạc CROR và thực hiện thành công quyển âm nhạc CROR độc đáo và sáng tạo được ấn loát với kích thước lớn nhất. CROR là sự kết hợp nhuần nhuyễn, xuyên suốt nhiều thể loại nhạc ở khắp thế giới từ cổ chí kim, từ quá khứ đến hiện tại. Đặc biệt hơn, CROR đã đưa vào đầy đủ màu sắc của tất cả các thể loại nhạc cụ dân tộc truyền thống của Việt Nam. |
Hoa Nguyên