Những câu như “Không phục vụ người Nhật Bản, người Philippines, người VN và chó” không phải là sự sáng tạo của người Trung Quốc, mà đã có từ hơn 100 năm trước. Đó là tấm biển với dòng chữ “Người Hoa và chó không được vào” treo trước cổng một công viên tại Thượng Hải, nơi mà vào lúc đó đã trở thành thuộc địa của nhiều nước phương Tây.
Đó là một lịch sử nhục nhã đối với người Trung Quốc. Và tấm biển đó cũng được các thế hệ nhà giáo Trung Quốc dùng để dạy học trò. Nhưng bây giờ tấm biển đã sỉ nhục mình lại được một số người Trung Quốc dùng để sỉ nhục người khác.
> Đọc thêm: Nhà hàng Bắc Kinh kỳ thị người Nhật, Philippines và Việt
Thật ra, những hành động như vậy ở Trung Quốc không phải mới. Nếu bạn biết sơ tiếng Hoa và đến Bắc Kinh hoặc một số thành phố lớn của Trung Quốc, thì ở ngoài đường bạn sẽ phát hiện nhiều biểu ngữ mang tính sỉ nhục như cái biển được treo ở nhà hàng đó. Những tấm tem với câu như “Đảo Điếu Ngư là của Trung Quốc, người Nhật cút đi”, hay “Giết hết người Nhật” được không ít người sở hữu xe hơi yêu thích và dán lên kính xe của mình. Một ví dụ gần đây nhất là dịp tết vừa qua, một trong những mẫu hàng pháo hoa bán chạy nhất ở Bắc Kinh có tên là “Vụ nổ lớn ở Tokyo”!
Vì việc tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, mấy năm gần đây ở Trung Quốc đã nhiều lần xảy ra biểu tình chống Nhật. Vào tháng 8-2012, tại nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc, “biểu tình yêu nước” đã biến thành cuộc tấn công bạo lực nhằm vào những cửa hàng Nhật Bản và những người sử dụng sản phẩm Nhật, nhất là những xe hơi hiệu Nhật. Mặc dù chủ của các cửa hàng hay nhà hàng Nhật và những người sở hữu xe hơi Nhật đều là người Trung Quốc.
Tôi không muốn phán xét “yêu nước” là đúng hay sai, hay là cái đảo mà tôi còn không biết nằm ở đâu, thuộc về nước nào, nhưng kiểu “yêu nước” như vậy đã gây phản cảm cho đa số người Trung Quốc. Ở đây tôi dùng từ “đa số” vì thật ra ở Trung Quốc, những người cực đoan như người đã treo biển trước nhà hàng mình luôn luôn là thiểu số.
Tất cả những người tôi gặp ở Bắc Kinh đều bày tỏ sự phản cảm đối với kiểu biểu tình chống Nhật như thế. Khi tôi ngồi trong xe hơi của em họ tôi và thấy một chiếc xe khác dán biểu ngữ chống Nhật, em họ tôi chỉ nói một câu “bị khùng”. Chàng thanh niên bán hàng tại cửa hàng Apple biết tôi sống ở VN, bèn hỏi ở VN người ta có chống Trung Quốc như người Trung Quốc chống Nhật Bản không, và bắt đầu chê những người tham gia biểu tình chống Nhật là người “vô não”. Tôi chỉ trả lời “người VN văn minh hơn nhiều”.
Dù những người cực đoan ở Trung Quốc chỉ là thiểu số, nhưng người cực đoan thường là người thích thể hiện và “lớn tiếng”, còn người ôn hòa thường im lặng, cho nên những người cực đoan dễ được người bên ngoài nhìn thấy hơn là người ôn hòa. Vậy là họ đã tạo nên ngộ nhận người Trung Quốc đều như vậy.
Nhưng tôi có thể chắc chắn rằng đa số người Trung Quốc không quan tâm mấy đến mấy cái đảo đang có tranh chấp với Nhật Bản, với Philippines hay với VN cuối cùng là của nước nào, vì hầu hết người Trung Quốc cả đời cũng sẽ không đặt chân tới mấy hòn đảo đó. Và còn nhiều việc trong cuộc sống đáng để quan tâm hơn như nhà ở, việc làm, con cái...
Thật ra tấm biển này chẳng gây ra tổn hại cho người Nhật, người Philippines hay người VN, người bị thiệt hại chính là người Trung Quốc, hay nói chính xác hơn là những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Bây giờ cả thế giới đều biết họ là những người như thế nào.
Theo Tuổi trẻ