Được biết đến như một người tiên phong trong việc sáng tạo búp bê nghệ thuật tại Việt Nam, họa sỹ Thu Hằng đã góp phần đưa mặt hàng đồ chơi còn mới mẻ này tiếp cận với thị trường đồ chơi khá phong phú trong nước. Đặc biệt, thứ đồ chơi đẳng cấp này có giá bán ngất ngưởng và được mọi người biết đến như một thú chơi chỉ dành cho "đại gia".
Thu Hằng đang giới thiệu xưởng sáng tác
Chi tiền "khủng" để... nặn chân dung
Xuất phát từ ý tưởng "nặn cháu gái mình" nên Hằng đã chọn đất nặn để làm. Sản phẩm ra đời nhìn rất giống cháu bé và khá sinh động nhưng một thời gian sau lại trở nên khô cứng. Vì thế, Hằng nảy ra ý tưởng tìm một chất liệu mềm mại hơn để khi tạo hình hoàn chỉnh để độ thật của nó phải chinh phục từ thị giác cho đến xúc giác. Không được hướng dẫn bài bản, Hằng đã mất gần một năm để tự mày mò tìm kiếm và học cách sử dụng chất liệu silicon bằng việc tìm đến những bạn bè làm điêu khắc để học cách đồ cũng như tạo hình cho tác phẩm.
Con búp bê đầu tiên Hằng làm theo đơn đặt hàng cách đây hai năm có giá 400 USD. Khách đặt hàng cho biết, con gái chị có thể ngồi hàng giờ để chơi với những chú cá vàng trong bể. Xuất phát từ ý tưởng lưu giữ hình ảnh bé yêu của mình một cách sống động và chân thực nhất bởi hình hài con người có thể thay đổi theo thời gian thì việc tạo hình một sản phẩm búp bê giống hệt người thật và gắn liền với một thói quen hay tập quán sinh hoạt quen thuộc nào đó sẽ thú vị hơn rất nhiều so với chụp ảnh.
Nhiều người còn gọi vui đó là loại "búp bê thượng lưu", bởi với mức giá xấp xỉ 10 triệu đồng/con thì ở Việt Nam không phải ai cũng có thể chơi được. Đây là loại sản phẩm không thể sản xuất hàng loạt mà mỗi một đơn đặt hàng chỉ có thể cho ra được một sản phẩm duy nhất hay còn gọi là độc bản. Các công đoạn hoàn toàn thủ công và không được máy móc công nghiệp hỗ trợ từ việc tạo khuôn, đổ phôi, cắt gọt đến trang trí phụ kiện đi kèm....
Để làm được một sản phẩm mang tính nghệ thuật và vừa ý khách hàng, cô chủ nhỏ này mất khoảng một tháng. Sau khi nắm được thần thái nhân vật, Hằng lên ý tưởng và duyệt ý tưởng với khách rồi mới đến công đoạn bắt tay vào thực hiện chân dung. Hằng tìm cách thể hiện sao cho có hồn nhất, những chi tiết bé xíu như những ngón chân đều phải đạt đến độ chân thực đến từng… centimet.
Chỉ tính riêng công đoạn sáng tạo cho các phụ kiện đi kèm, Hằng cũng phải kỳ công và tìm tòi, sáng tạo. Sau khóa đào tạo đặc biệt cho những người thợ thủ công, số người Hằng chọn được chỉ "đếm trên đầu ngón tay". Bởi, đây là công việc không chỉ đòi hỏi khéo tay cùng sự kiên nhẫn của người thợ mà ít nhiều phải có mà khả năng sáng tạo như người nghệ sỹ.
Cô chia sẻ: "Việc quyết định chất liệu để trồng tóc cho búp bê thì không chỉ đơn giản là dùng sợi len quen thuộc mà còn phải nghiên cứu tìm tòi nhằm đa dạng hóa nguyên liệu như sợi hóa học hay tước sợi vải. Chính sự thay đổi liên tục này đã làm tăng tính độc đáo cho sản phẩm". Hay như quá trình sáng tạo sản phẩm búp bê là hình ảnh em bé đang bắt cá, Hằng đã phải khá đau đầu để lên ý tưởng cho việc tạo hình nước trong bể sao cho giống thật nhất.
Ban đầu, cô dịnh dùng nến trắng để làm nhưng vẫn băn khoăn bởi thứ chất liệu rẻ tiền này vẫn chưa đạt tới độ hoàn hảo nên mạnh dạn chuyển sang dùng nhựa hoặc keo trong để tạo hình. "Sản phẩm hoàn thiện khiến tôi rất hài lòng" - Hằng thổ lộ.
Búp bê bằng sillicon dáng em bé
Chinh phục thế giới bằng... búp bê cổ tích
Xuất phát từ công việc trước đây là vẽ tranh minh họa cho truyện cổ tích Việt Nam, Hằng xuất hiện ý tưởng nặn búp bê bằng chất liệu composite dựa trên các nhân vật trong truyện cổ tích. Hằng đã phối hợp với một số công ty sản xuất đồ chơi để thực hiện. Tuy nhiên, loại búp bê này cũng có sự độc đáo, bởi nó không phải là một mẫu búp bê được sản xuất đơn lẻ mà theo bộ sản phẩm bao gồm từ 5 - 7 con, dựa theo nội dung một câu chuyện cổ tích quen thuộc.
Sáng tạo của cô chủ nhỏ này nằm từ ý tưởng thiết kế những chiếc hộp đựng búp bê bằng bìa các-tông nhưng không phải mở theo lối thông thường mà được phân thành từng ngăn hình tam giác hộp vừa đủ chỗ chứa một con búp bê. Mặt ngoài của khối hình tam giác là hình ảnh minh họa và đề từ của một câu chuyện lồng ghép trong đó. Hằng tập trung sáng tác dựa trên từng trang, từng phân cảnh những hành động, trạng thái và trang phục của nhân vật trong truyện cổ tích Việt Nam.
Khi sáng tác loại búp bê này, Hằng phải tạo trên một khối 3D, chất liệu lại khó đổ phôi. Màu sắc cũng không phải thứ màu trơn mà được tô bằng nhiều màu, buộc người làm phải thực hiện bằng tay với nhiều nét xước bút mang tính nghệ thuật rất phức tạp. Vì thế, có thể gọi đây là loại sản phẩm bán thủ công. Khi bắt tay vào thực hiện, Hằng phải xuống tận xưởng để kèm thợ từng li từng tí, bởi nếu chỉ có kỹ thuật mà không có năng khiếu nghệ thuật thì sản phẩm làm ra sẽ mất đi sự sinh động và độc đáo.
Hằng cho biết, ở Việt Nam, dòng búp bê dân tộc được bán rất nhiều. Tuy nhiên, hầu hết những con búp bê này đều thiếu cá tính, chỉ là một dạng ma-nơ-canh mặc trang phục dân tộc, thích hợp làm đồ lưu niệm chứ không phải đồ chơi. So với búp bê silicon thì giá của bộ sản phẩm này bình dân hơn, khoảng 1 triệu đồng/bộ. Do đó, nó không chỉ có sức hút trong nước mà Hằng muốn bạn bè trên thế giới biết rằng ở Việt Nam cũng có dòng búp bê riêng. Mặt khác, ý tưởng sáng tạo dựa trên truyện cổ tích của Việt Nam cũng xuất phát từ suy nghĩ giới thiệu với bạn bè năm châu về nền văn học dân gian đặc sắc của Việt Nam.
Chân dung em bé thực ngoài đời
Ngoài hai dòng búp bê nghệ thuật mang tính thị trường, Thu Hằng còn giữ lại cho riêng mình một dòng búp bê gỗ hay còn gọi là búp bê sáng tác. Tuy nhiên, trên thế giới, dòng búp bê này thường được sáng tạo dựa trên kích thước lớn. Còn Hằng lại đặc biệt yêu thích những vật dụng nhỏ xinh nên việc gia công sản phẩm này càng khiến Hằng thấy thú vị.
Hằng cho biết: "Khác với silicon và composite có thể làm phôi nặn đất rồi đổ khuôn tạo dáng hay đơn giản hơn là tạo hình từng bộ phận rồi ghép lại với nhau, bản thân gỗ là một khối 3D không chắp ghép được. Để thực hiện trên chất liệu này, mình phải lên ý tưởng phác thảo trên bề mặt của gỗ thông rồi dùng dao trổ và gọt từ trong gọt ra và dùng giấy ráp để đánh trơn những góc cạnh... Đôi khi, chỉ một đường dao trổ bị đi quá tay là một chi tiết sẽ bị rơi rụng và sản phẩm chỉ… bỏ đi!".
Tuệ linh