Được biết, chàng trai 25 tuổi này đã đoạt giải nhất cuộc thi Solo thể loại poppin’ trong cuộc thi Pop your soul 2008 do Cung văn hóa Lao động tổ chức, giải vô địch quốc gia Bước nhảy xì tin 2008 cùng các đồng đội trong nhóm Destiny Family của anh. Năm 2011, Meshia chiến thắng hạng mục poppin’ tại giải đấu quy mô lớn nhất Đông Nam Á Ring Masterz.
Nhiều người gọi Meshia là King of Poppin’ khu vực miền Nam, điều này quả không ngoa nếu ai có dịp theo dõi anh thi đấu. Ngắm nhìn thân hình lúc thì cứng nhắc như robot, lúc lại mềm dẻo như con rắn uốn éo theo điệu nhạc, người ta chỉ có thể ngẩn ngơ khâm phục bởi trong từng động tác đều hội tụ tài khéo léo, sự sáng tạo, tính logic, yếu tố bất ngờ không ngừng của người trình diễn.
Cậu bé mê Michael
Meshia tên thật là Ngô Trung Hiếu, chữ Meshia xuất phát từ đạo Thiên Chúa giáo của người Do Thái, chính là Chúa Jesus toàn năng hay còn gọi là Đấng Mê-si. Meshia mang ý nghĩa quyền năng và sự thanh sạch thanh tịnh trong tâm hồn.
Khi nhảy, một dancer phải vứt bỏ những vướng bận trong cuộc sống để chìm đắm trong âm nhạc và cháy hết đam mê của mình. Nickname Meshia lấy từ cảm hứng khi anh xem một bài phỏng vấn nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc.
Thành Lộc cho rằng sân khấu là một thánh đường, trước khi bước vào thánh đường thì phải thanh tẩy đầu óc và loại bỏ hết bụi trần, cũng như trước khi vào nhà thì phải tháo giày dép ra.
Meshia tên thật là Ngô Trung Hiếu
Giống như nhiều dancer khác, Meshia bắt đầu mê nhảy khi xem ông hoàng nhạc Pop Michael Jackson trình diễn. Sau này thông qua người anh ruột, anh gia nhập vũ đoàn Hoàng Thông, rồi chuyển sang nhóm nhảy Thế Nguyễn, là tiền thân của Destiny Family nơi anh đang hoạt động hiện nay.
Thời gian đầu, khi còn chưa định hướng rõ ràng và vẫn chưa tiếp cận được với Hiphop thực thụ, Meshia đi theo con đường múa hiện đại và nhảy phụ họa cho các ca sĩ.
Những động tác đơn giản nhàm chán, lặp đi lặp lại khiến anh cảm thấy mình bị biến chất. May mắn thay, Destiny Family ra đời với tiêu chí hoạt động underground đã giúp anh theo đúng con đường Hiphop đường phố.
Nghiệp nhảy underground không ưu ái giới truyền thông mà chỉ các dancer chuyên nghiệp biết với nhau, nhưng nhờ sự khổ công âm thầm và kinh nghiệm thi đấu qua các giải Urban Jam nội bộ, Meshia hiện đang là ứng viên đáng gờm cho các cuộc thi Centaur Dance Showdown 10/2012, giải Adidas Malaysia 11/2012 và quan trọng nhất là Juste Debout Singapore tháng 1/2013, giải đấu nổi tiếng số 1 thế giới.
Có đam mê là có tất cả
Bố của Meshia là giám đốc một công ty xây dựng, anh được kỳ vọng sẽ nối nghiệp cha, nên khi thấy con trai mê nhảy bố mẹ anh rất khó chịu. Trong thân tâm anh cũng luôn bị giằng xé giữa niềm đam mê và thực tế cuộc sống, Meshia cũng không nghĩ mình có thể theo được nghiệp nhảy đến giờ.
Đến khi tốt nghiệp THPT anh vẫn chưa biết mình sẽ làm gì. Vào thời điểm đó anh hết sức bơ vơ, khi bạn bè đồng trang lứa đều đã bước đi trên con đường tương lai thì Meshia vẫn dậm chân tại chỗ.
Cách đây 3 năm khi đã ở độ tuổi 22, anh mới quyết định thi vào chuyên ngành Thiết Kế Đồ Họa Quảng Cáo & Thương Mại của một trường đại học quốc tế.
Kế hoạch của Meshia là sau khi tốt nghiệp, có thể đứng ra tổ chức các sự kiện, kết hợp đưa tiết mục biểu diễn Hiphop vào phần giải trí của chương trình. Làm được điều này, anh vừa thỏa mãn niềm đam mê, vừa đảm bảo những nhu cầu về kinh tế.
Thấy được sự vất vả cũng như niềm vui khi Meshia gặt hái giải thưởng, gia đình anh mới dần ủng hộ và không can thiệp vào đam mê của anh nữa.
Cũng nhờ có Hiphop mà Meshia đã vượt qua được nhiều bế tắc trong cuộc sống, giúp anh lấy lại sự cân bằng và tự do trong tâm hồn. “Luyện tập nhiều cũng trở thành một thói quen, đứng không cũng trở thành một thói quen”, người quen đứng không thì dù nhạc có hay đến đâu cũng không thể ứng tác được.
Tâm đắc với câu nói này, Meshia đã không ngừng trau dồi kỹ năng, giúp cho tâm trí và cơ thể anh cực nhạy mỗi khi nghe tiếng nhạc. Nhiều người nghĩ Meshia có vấn đề khi bắt gặp anh “vung tay vung chân” trên đường phố hay trong quán cà phê, nhưng anh chỉ cười trừ.
Anh tự nhận mình là một dancer thích nhảy hơn người khác, dù có gặt hái được một số danh hiệu, Meshia vẫn chưa thấy mình xứng đáng. Đối với anh không có dancer nào là giỏi nhất, núi cao còn có núi cao hơn, những hậu bối của anh trong tương lai họ sẽ giỏi hơn.
Chọn hiphop làm nghề
Nguồn thu nhập chính hiện nay của Meshia đến từ công việc giảng dạy ở Cung văn hóa Lao động, dạy riêng cho các ca sĩ, theo yêu cầu của các công ty, tổ chức… Thời gian đầu Meshia gặp khó khăn vì chưa nắm bắt được tâm lý học viên, anh cảm thấy căng thẳng vì không biết dạy thế nào cho họ hiểu.
Tự tìm tòi học hỏi trên mạng, Meshia sắp xếp lại giáo trình của mình dựa theo khả năng tiếp thu của học viên thay vì theo khuôn khổ. Tháng nào học viên học nhanh, anh sẽ đẩy những giáo trình khó hơn để họ cảm thấy thích thú, ngược lại sẽ hướng dẫn giáo trình dễ cho họ kịp tiếp thu.
Với yêu cầu cao, chỉ khi nào trò nhảy thuần thục thì anh mới chuyển sang bài mới, nhiều khi học viên không tiến bộ, anh cũng cảm thấy lo lắng vì thầy thì không nản, chỉ sợ trò nản mà bỏ học.
Mặc dù quan điểm của Meshia là không cản con đường của các học viên, nhưng đôi khi anh cũng khuyên học trò nên tập trung vào việc học thay vì nhảy, vì đó là nền tảng lâu đời để tạo dựng sự nghiệp sau này.
Theo anh, nghiệp nhảy quá đặc thù, không có nhiều sự lựa chọn, nhảy ở nước ta thực tế rất khó để kiếm sống. Mặc dù dancer nữ cũng có nhiều cơ hội công việc, vì nữ giới có thế mạnh về hình thể. Họ không cần giỏi mà chỉ cần có hình thể đẹp thì sẽ chiến thắng trong các buổi casting quảng cáo.
Một số nhảy vã mồ hôi nhưng hình thể không bằng thì cũng ít được chú ý, hoặc may mắn được chọn nhưng sẽ ở vị trí không nhận được nhiều ánh đèn camera.
Giới trẻ Việt Nam gần đây mới được tự do tiếp xúc với bộ môn nhảy, họ có thể thấy thích nhưng cũng chỉ là tức thời, theo được con đường chuyên nghiệp hay không còn phụ thuộc vào quyết tâm của từng người.
Trước đây tình cờ đọc một bài báo cho rằng tuổi thọ của một dancer ở Việt Nam là dưới 25 tuổi, Meshia cảm thấy hụt hẫng và vô lý khi niềm đam mê của mình lại bị giới hạn bởi tuổi tác. Trong khi trên thế giới không thiếu những huyền thoại 50 tuổi vẫn theo nghiệp dancer và nhận được vô số sự ngưỡng mộ.
Như nhóm nhảy huyền thoại Electric Boogaloo ở Mỹ, đa số các thành viên đều ở tuổi 50 nhưng vẫn không ngừng biểu diễn. Trong khi thực tế ở ta, một số dancer khi “cán mức” 27-30 tuổi thường nhường lại sân khấu cho đàn em, chuyển sang đào tạo và xây dựng môi trường sinh hoạt cho thế hệ tiềm năng.
Meshia đi song song hai hướng, tham gia các giải đấu cho thỏa niềm đam mê và phát hiện, thúc đẩy những dancer có khí chất. Anh không quan trọng họ có nhảy giỏi hay không, mà anh đo mức độ đam mê của họ. Chỉ cần có đam mê thì nhất định sẽ gặp thời và gặt hái được thành quả.
Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi
Phong độ là điều mà các dancer như Meshia lo ngại nhất khi tham gia các giải đấu. Nguyên nhân có thể do thể trạng sức khỏe tinh thần, cũng có thể do luyện tập quá sức. Trong cuộc đời của dancer có những ngưỡng, phát triển đến ngưỡng đó thì sẽ khựng lại, phong độ bị thoái trào khiến họ thua cuộc.
Đó là lúc dancer nên dừng lại, suy nghĩ và luyện tập để tiến đến một ngưỡng khác. Vì vậy một dancer có lúc tỏa sáng, có lúc chìm và lại tỏa sáng.
Nhưng tính đến nay Meshia luôn giữ được phong độ ổn định. Nếu phải chuẩn bị cho các giải đấu anh thường tập 5-6 giờ/ngày để kịp tiến độ, còn bình thường là khoảng 1-1.5 giờ/ngày. Anh tiếp thu khá nhanh, hầu như không có động tác nào mà anh không tập được, thường chỉ trong một ngày hoặc một tuần là thuần thục.
Meshia thích tập cá nhân vì loại hình này dễ chịu hơn và không phải theo một quy định nào. Tập theo nhóm thì khó khăn lớn nhất là bất đồng ý kiến, người này muốn động tác này, người kia lại không thích và muốn có thêm một số động tác khác.
Vì vậy trước khi thành lập phải thống nhất với nhau ai là người dựng động tác, các thành viên có thể đóng góp ý kiến nhưng người quyết định vẫn là trưởng nhóm. Meshia cho biết:
“Hiphop là sân chơi thể hiện tinh thần đồng đội rất cao, trong đó đội yếu vẫn có thể chiến thắng đội mạnh, vì trên sàn đấu mọi thứ đều công bằng và mỗi bên đều có một cơ hội để chiến thắng.
Một đội mạnh có thể đấu thua vì khinh địch hoặc nội bộ không đoàn kết. Trong một đội mạnh thì mỗi người đều giỏi và đều là một vị vua, họ sẽ không muốn tuân theo ai, vì thế khó khăn nhất của một đội mạnh là sự thiếu đoàn kết.”
Các giải đấu tuy khắc nghiệt, nhưng nhìn chung dancer không quan trọng việc thắng thua, lại càng không có chuyện “chơi xấu”, họ chỉ cần được nhảy và được thể hiện bản thân. Dĩ nhiên cũng có người cảm thấy bực tức, ghen tị, và họ đấu khẩu nhau trên mạng.
Nhưng Meshia quan niệm cái hay của một dancer là giải quyết xung đột bằng cách đấu trực tiếp với nhau, khi đã phân định thắng thua tâm phục khẩu phục thì xung đột không còn nữa, tất cả đều trở thành bạn.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất trên sàn đấu của anh là tại giải The War 2012, vòng thi để chọn ra 15 người xuất sắc cho chuyến đi Malaysia, anh đã lần lượt hạ gục 7 đối thủ ở thể loại thi Seven To Smoke chỉ trong vòng 20 phút.
Đó là lần đầu tiên anh thắng một lượt 7 đối thủ mà không thua bàn nào, đến khi đấu xong đối thủ thứ 7 và giám khảo công bố người chiến thắng thì cũng là lúc Meshia gục ngay trên sàn đấu vì kiệt sức.
Bên cạnh những cú lắc người mạnh mẽ trên sân khấu, Meshia còn có một thú vui rất thanh nhã là câu cá. Đối với anh, niềm vui khi giật lên một con cá cũng sướng như khi giành được giải thưởng.
Nghề câu cá là nghề chờ thời, phải có tính kiên nhẫn và phương pháp dụ cá ăn mồi. Cũng giống như nhảy, Meshia tin rằng cả hai đều có điểm chung là “có công mài sắt, có ngày nên kim”.
Linh Pak
* Bài đăng trên ấn phẩm chuyên đề của báo ĐSPL