Người vợ gần nửa thế kỷ viết nhật ký chờ chồng

Người vợ gần nửa thế kỷ viết nhật ký chờ chồng

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Bà Tính coi cuốn nhật ký là nơi trung chuyển để được tâm sự với chồng và gần nửa thế kỷ bà đã viết nhật ký và coi đó là cầu nối với người chồng đã đi xa.

Chiến tranh nổ ra, họ lấy nhau vội vàng như thể không còn cơ hội nào nữa. Họ hạnh phúc, vui vẻ nhưng chỉ vọn vẹn được đúng 80 ngày. Rồi trong cuộc chiến tranh ác liệt, anh đã ra đi không bao giờ trở lại. Suốt 40 năm qua, từ một cô gái trẻ xinh xắn đã thành bà cụ ngoài 70 nhưng hàng ngày bà vẫn viết nhật ký. Bà hăng say viết như thể người chồng đang tồn tại.

Pháp luật - Người vợ gần nửa thế kỷ viết nhật ký chờ chồng

Bà Tính bên di ảnh của chồng

Anh lính trẻ và cô chủ tịch xã

Chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ của bà Hà Thị Tính (SN 1937), trú tại phường Trường Thi (TP.Vinh, Nghệ An). Không phải ngẫu nhiên mà chúng tôi ghé thăm, bởi nơi đó là tổ ấm của người đàn bà 40 năm qua viết nhật ký chờ chồng. Người nhà cho biết, bà Tính suốt ngày chìm đắm trong thế giới của những tiếng mõ và những lời răn dạy của Phật. Đó là cách bà tìm được sự yên bình sau những biến cố lớn của cuộc đời.

Bên chén trà xanh, chúng tôi hỏi bà về câu chuyện cảm động năm nào. Bà Tính lặng thinh không trả lời. Sau một hồi, bà cười nhạt. Nụ cười ép buộc như thể bà phải chấp nhận thực tại dù nó vô cùng đau xót. Dần dần, những ký ức về câu chuyện tình yêu của cô chủ tịch xã và anh lính trốn nhà đi bộ đội cứ thế hiện lên qua lời kể chầm chậm, dìu dịu. Lúc ấy, khuôn mặt bà bỗng trở nên đầy tự hào. Bởi theo bà Tính, đây chính là khoảng thời gian đẹp và nên thơ nhất trong cuộc đời mình.

Lôi ra rất nhiều những kỷ vật, ôm nó vào lòng rồi bà chầm chậm kể lại câu chuyện năm nào. Ngày ấy, chiến tranh ác liệt lắm. Tuy ở cùng một xã nhưng cô gái xinh đẹp Hà Thị Tính không hề biết chàng trai Trần Văn Minh (SN 1930) là ai. Rồi một ngày, chị Tính nghe người làng xôn xao câu chuyện anh Minh nhà bên kia sông khai tăng tuổi để đi lính. Thời điểm đó, anh Minh mới 16 tuổi, đang là học sinh lớp 10 trường huyện. Hận quân thù, anh trốn bố mẹ, chạy ra xã, khai gian thêm tuổi xung phong nhập ngũ. Để bố mẹ không ngăn cấm, anh nói dối bố mẹ là lên huyện ở trọ học thêm.

Ngày lên đường nhập ngũ, cậu bé nhỏ con Trần Văn Minh cũng hãnh diện đứng trong hàng quân đi bảo về tổ quốc. Anh hiên ngang bước đi trước lời chúc tụng thành công của người dân trong xã. Khi đoàn quân ra khỏi Xuân An (Hà Tĩnh) hơn mười cây số thì mẹ anh mới biết chuyện. Buồn vì phải xa con, nhưng vì dân tộc, bà không cản. Người mẹ già nhờ đứa con cả đèo xe đạp chạy theo, chúc con trai lên đường mạnh khỏe. Trần Văn Minh bước vào đời quân ngũ như thế. Nhẹ nhàng, nhưng rất đáng khâm phục.

Năm 1957, khi mới 20 tuổi, cô Hà Thị Tính đã được tín nhiệm bầu giữ chức chủ tịch Ủy ban hành chính xã Xuân An. Thời điểm đó, Tính là nữ chủ tịch xã trẻ nhất Hà Tĩnh. Họ gặp nhau cũng hết sức tình cờ. Trong một lần anh Minh lên xã xin một số giấy tờ hành chính bị cô nữ chủ tịch xinh đẹp hút hồn. Sau đó, anh Minh nhờ người tìm hiểu “lý lịch” chị Tính. Không biết chàng trai này đã tác động thể nào mà chỉ mấy ngày sau, chị Tính nhận được tin như “sét đánh” bên tai từ mẹ: “Chuẩn bị lấy chồng con nhé. Mẹ đã nhận cau trầu người ta”. Tìm hiểu ra mới biết, anh Minh đã nhờ bí thư Đảng ủy xã mang trầu cau đến gặp mẹ cô chủ tịch xã. Bà Tính bảo: “Đã là “ý kiến” của Đảng ủy thì chị làm sao mà có thể khước từ được”. Đến tháng 10/1957, cô chủ tịch xã chính thức làm đám cưới với anh lính trẻ.

Pháp luật - Người vợ gần nửa thế kỷ viết nhật ký chờ chồng (Hình 2).

Người phụ nữ 40 năm viết nhật kỳ chờ chồng

80 ngày vợ chồng

Bà Tính cho biết, ở chiến trường, ông Minh được tín nhiệm giữ chức chính ủy Lữ đoàn 316. Việc nước khiến ông đi biền biệt. Cả đời vợ chồng, họ chỉ sống vỏn vẹn 80 ngày với nhau. Đó là 80 ngày ngọt ngào và hạnh phúc như lời tâm sự của bà Tính. Họ phải xa cách vì chiến tranh, nhưng tình yêu vẫn bùng cháy. Tình cảm của họ vẫn được duy trì từ những lá thư ông viết vội giữa chiến trường. Đó là động lực để bà có thêm động lực để vượt lên khó khăn của cuộc sống và nuôi ba đứa con thơ khôn lớn. Năm 1967, trong bức thư cuối cùng, ông nhắn vợ rằng, cuộc chiến tranh ngày càng khốc liệt. Ông Minh được cử tham gia nhiệm vụ bí mật ở mặt trận Lào - Thái. Tuy nhiên, ai biết được, đó cũng là chuyến đi cuối cùng của người lính này.

Mùa thu của năm 1967, khi đang đi làm đồng, bà Tính nhận được tin dữ. Chồng bà đã hy sinh. Cầm tờ giấy báo tử trên tay, bà khóc, đau như đứt từng khúc ruột. Lúc đó, đứa con gái đầu của hai người mới được bảy tuổi, đứa con út tật nguyền mới lên hai. Đang chím trong đau khổ, nhưng phút chốc bà tự trấn an: “Anh ấy đi nhiệm vụ đặc biệt, chỉ có tổ chức biết thôi vậy thì tại sao lại có giấy báo tử được. Chắc đây là kế hoạch của tổ chức để thực hiện một nhiệm vụ khác quan trọng hơn”. Dù niềm tin là như vậy, nhưng đêm đêm bà vẫn khóc. Những trang nhật ký đã úa màu và nhòe nhoẹt. Bởi mỗi dòng chữ đều thấm đẫm nước mắt của người vợ.

“Trời mùa đông miền Trung buồn da diết làm em rối hết cả ruột gan. Anh đi rồi, căn nhà trở nên rộng quá. Lúc đi ngủ, con bảo giường ngoài dành chỗ cho bố… Biết bao giờ đánh thắng giặc Mỹ, đến bao giờ anh mới trở về với mẹ con em”, bà cầm cuốn nhật ký đọc lại cho chúng tôi nghe. Năm 1984, bà tình cờ gặp người đồng đội cũ của chồng. Qua câu chuyện của người đàn ông ấy, bà mới tin rằng, chồng mình đã hi sinh. Thế rồi, bà suy nghĩ và bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm hài cốt chồng. Gửi con cho người thân, bà một mình mang ba lô lên đường, lần theo địa chỉ của những đồng đội. Nữ chủ tịch xã lặn lội dọc dòng sông Mê Kông để mò la tin tức. Rồi nhiều năm trời như thế, bà cũng tìm được ông và đưa về đất mẹ.

Mất chồng, những nỗi đau bà chỉ biết tâm sự với cuốn nhật ký. Bà vẫn muốn dùng nó như là nơi trung gian để hằng ngày được nói chuyện với chồng. “Viết cho anh ấy tôi như trút bỏ được những buồn phiền, khổ đau trong cuộc sống. Cứ lúc nào tưởng chừng mình sắp gục ngã, lúc nào tôi thấy mình yếu đuối lại trút vào đó. Tôi cứ nghĩ anh Minh đang lắng nghe, san sẻ khổ đau với tôi”, bà chia sẻ.

Và, không chỉ có thế, nhật ký còn là nơi bà giận hờn, trách móc như là cách chia sẻ gánh nặng với người chồng. Bà viết: “Cuộc đời anh tuy thương vợ, thương con nhưng vợ con chỉ có một phần bé nhỏ trong trái tim anh. Anh đã từng nói với em: Trong chiến đấu, trước mắt anh là nhân dân và kẻ thù. Như vậy, cuộc đời anh, anh trọn vẹn với nhân dân, còn em và con anh bỏ lại. Anh ra đi trong im lặng. Để lại cho cuộc đời bốn mẹ con em đầy đắng cay và đau khổ. Năm 1965, Sơn ốm em phải đưa con đi Bệnh viện B Hà Nội. Tổ chức cho em nghỉ việc không lương để chạy chữa cho con… Thế là mẹ con em sống giữa Hà Nội bằng không khí, không tiền! Không gạo! Không quần áo!”.

Bà cứ sống với nỗi đau kép cho đến năm 2011, anh Sơn ra đi mãi mãi sau gần 40 năm chống chọi với bệnh tật. Cuối cuộc đời, bà tìm niềm vui trong cõi niết bàn và hưởng phúc từ sự hiếu thảo của hai cô con gái và sáu đứa cháu của mình.

Bi hài đêm tâm hôn của cô nữ chủ tịch xã

Ngày ấy, người dân trong làng cũng chứng kiến một chuyện bi hài về đôi vợ chồng trẻ. Đêm tân hôn, vì quá bỡ ngỡ, cô dâu cứ đứng ngoài sân, không chịu vào nhà. “Tôi không dám vào ngủ nhà người lạ. Mà anh ấy cũng ở lì trong nhà, nhất quyết không chịu ra xem vợ thế nào. Tôi đứng ngoài sân đến khi trời mờ sáng lên đường xuống huyện họp. Ba ngày sau trở về thì anh Minh đã lên đường trở về đơn vị. Tôi hối hận lắm vì anh đi mà còn vương vấn đủ thứ. Chính cái sự e ngại đó, mà phải đến gần một năm sau, anh về phép, chúng tôi mới là vợ chồng chính thức”, bà Tính tâm sự.

Tròn 40 năm, đã viết bao nhiêu cuốn nhật ký, bà cũng không còn nhớ nữa. Ngoài nỗi đau mất chồng, bà còn có những nỗi khổ riêng. Đứa con trai độc nhất của bà ngày ngày phải chịu đau đớn bởi di chứng chất độc da cam từ bố. Những lúc bất lực trước bệnh tật của con, bà lại tìm sự an ủi trong những trang nhật ký viết cho chồng. “Mỗi lần cho con ăn em lại khóc. Em còn sống, em thay anh chăm sóc Sơn. Nhưng em chết đi, ai chăm sóc con?... Đã hơn 40 năm rồi nhưng có những đêm em không thể nào chợp mắt được”, bà Tính viết.

Kim Thoa


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.