Trong suốt đời lính, ông Tư Bốn đã tham gia không biết bao nhiêu trận đánh. Và trên con đường làm Cách mạng, bản thân ông cũng không ít lần phải đổ máu trước họng súng, bục pháo của quân thù. Điều đặc biệt là, một trong những lần bị thương ấy đã se duyên cho ông đến với một người con gái tần tảo, hiền lành, tốt bụng.
Cuộc tình gian nan
Chạy hơn một trăm cây số, chúng tôi tìm đến nhà ông Tư Bốn. Điều đầu tiên làm chúng tôi quá đỗi ngạc nhiên, đó là hình ảnh người vợ tần tảo sớm hôm của ông. Sau bao nhiêu năm lặn lội, vất vả nhưng bà Phan Thị Chín chưa một lần để đôi tay của mình rời khỏi đám lúa bao la xanh tốt, đàn heo và gần hai công vườn toàn cây với cá. Một tay bà nuôi các con ăn học. Thế nhưng, chưa một lần bà trách móc người chồng chỉ biết công việc của mình.
Bà Chín kể: "Lúc đó, giặc tấn công vào xã Long Tiên vì chúng biết chắc căn cứ của Tỉnh ủy Mỹ Tho đang đóng ở đó. Tình hình chiến sự khiến cho đơn vị của ông Tư Bốn phải chống càn triền miên. Về phía những người dân như chúng tôi, nếu có chiến sĩ hi sinh thì bà con lo chôn cất, còn nếu các anh bị thương thì gửi vô nhà dân chữa trị. Và chỉ những trường hợp rất nặng mới được chuyển về quân y tỉnh ở huyện Châu Thành để cấp cứu".
"Sống trong hoàn cảnh có thể bị thương hoặc bỏ mạng bất cứ lúc nào ấy, bà con chúng tôi ai cũng biết chút ít kiến thức y tế để tự chữa trị những trường hợp chiến sĩ bị thương không nặng lắm", bà Chín bộc bạch. Để phục vụ Cách mạng, phục vụ các chiến sĩ giải phóng, gia đình bà Chín kiên quyết không đi tản cư. Trong khi càn quét, quân địch luôn kiểm tra và để ý mọi người trong từng bước đi, từng hành động. Chúng sẽ bắt giam và tra khảo nếu phát hiện người dân mua thuốc kháng sinh hoặc bông băng với số lượng nhiều. Vì vậy, để mang được những viên thuốc, cuộn băng về xã Thanh Bình là cả một quá trình "thiên biến vạn hóa" của bà Chín. Công việc của cô y tá nghiệp dư là sợi dây kết nối cuộc gặp gỡ định mệnh giữa bà và ông Tư Bốn.
Tướng Nguyễn Việt Thành và công việc thường ngày
Nhớ lại cái duyên gặp gỡ với ông Tư, bà nói: "Giữa năm 1971, sau một trận chống càn kéo dài, Đại đội Vệ binh bảo vệ Tỉnh ủy Mỹ Tho chuyển đến gia đình tôi một anh lính trẻ bị thương vào chân tên là Tư Bốn. Anh ấy bị đạn bắn xuyên bắp chân, vết đạn vào rất nhỏ, nhưng khi ra nó phá thành một lỗ rất lớn. Ngay khi tiếp nhận, tôi đã chùi rửa, tiêm kháng sinh, băng bó lại. Mỗi lần chùi rửa, tôi phải dùng gạc tẩm cồn kéo xuyên qua bắp chân, nhiều thương binh khác trong trường hợp tương tự đã kêu la rất dữ vì đau đớn. Thế nhưng, Tư Bốn luôn cắn răn chịu đựng, không một tiếng rên la".
Vì tò mò về sự dũng cảm của người lính trẻ ấy, bà Chín đã tìm hiểu qua nhiều người thì biết Tư Bốn là người chiến sĩ thuộc loại gan lỳ nhất đơn vị, trước đó đã có 4 lần bị thương nên chuyện thương tật xảy ra đối với anh đã là chuyện nhỏ. "Ngày đó, biết ông rất thích ăn đường nên ngày nào tôi cũng mua cả kí về cho ông ăn rồi khiêng ông vào chòi, nơi tôi may đồ cho bộ đội, vừa may vừa nói chuyện tào lao và có tình cảm với nhau hồi nào không hay", bà Chín kể. Sau khi bình phục, chàng thương binh trẻ đã ngỏ ý với cô Chín. Thế nhưng, trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, gia đình bà sợ con gái mình phải ở giá nếu có chuyện chẳng may với người chồng Cách mạng nên cha của bà phản đối.
Dù rất gan lỳ trong kháng chiến nhưng ông Tư lại là người nhát gái nên phải nhờ các anh em lãnh đạo, đồng đội nói dùm. Cuối cùng, sự kiên trì của Tư Bốn cũng đã quy phục được sự khó tính của cha vợ. Cuối năm 1971, sau 1 trận chống càn thắng lợi, anh cán bộ Tư Bốn và cô y tá nghiệp dư Phan Thị Chín đã được gia đình và đơn vị thống nhất cho tổ chức đám cưới, tuyên bố vào đúng ngày Tết năm 1972.
Cả cuộc đời hi sinh cho gia đình
Trò chuyện với PV, bà Chín chia sẻ: "Về với nhau được bữa trước, bữa sau ông tức tốc chạy ra chiến trường để chống lại sự càn quét của quân địch. Dẫn tôi đi theo được một lần rồi sau đó ông để tôi một mình với việc tiếp tế cho quân Cách mạng. Ông đi suốt như vậy, chợp lúc yên mới chạy về thăm gia đình".
Dù vất vả thân gái dặm trường, bà Chín vẫn một tay nuôi quân, một tay lo cho gia đình mà không một lời trách móc. Khi cuộc chiến đấu gần đến hồi kết thúc, ông Tư vẫn biền biệt mà không có một tin tức. "Lúc ấy tôi nghĩ chắc ông chết rồi, hòa bình lập lại sau 8 tháng, tôi vẫn không có một tin tức nào về ông. Mỗi khi nghe tin có người trở về, tôi cảm thấy mình nhói con tim. Đi đến đâu, tôi cũng hỏi xem có ai biết tin tức gì không thì mọi người đều lắc đầu", bà Chín nhớ lại.
Đầu năm 1974, bà sinh con đầu lòng mà không một người thân ở bên cạnh. "Vì sợ địch theo dõi, chị gái đưa tôi đến trạm xá rồi bỏ đó chạy về. Sau khi sinh được 2 - 3 ngày nhờ mấy anh em bộ đội khiêng hai mẹ con về giữa lúc 12h trưa nắng như đốt để tránh sự chú ý của địch. Nhìn đứa con da đỏ lửng, nám đen vì nắng mà tôi không khỏi xót thương", bà Chín nói.
Cuộc sống của mẹ con bà cứ lặng lẽ trôi đi cho đến một ngày bất ngờ, ông Tư Bốn trở về bằng da bằng thịt. Cuộc đoàn tụ khiến cho người vợ bao lâu sống trong sự vò võ mong chờ không khỏi nghẹn ngào, đau đớn. "Hôm đó, tôi đang đi làm ruộng thì thấy thằng cháu ra gọi: "Cô ơi! Dượng Chín về nè". Tôi bàng hoàng, chết lặng đi, bỏ cuốc chạy về nhà và không dám tin vào mắt mình là ông đã trở về nguyên vẹn tuy có gầy và xanh xao hơn. Ông nói, sau khi hòa bình, ông phải đi học ở khu ủy Miền Đông và không được liên lạc với bất kì ai, kể cả gia đình, vợ con".
Thăm gia đình được một hôm, ông Tư lại khoác ba lô lên đường. Một mình bà Chín lại âm thầm cáng đáng mọi việc trong gia đình kể cả việc xây dựng kinh tế cho đến khi ông trở về và công tác tại công an Mỹ Tho. Những tưởng sự trở về ấy sẽ giúp bà vơi đi những gánh nặng, lo toan, thế nhưng ông vẫn miệt mài với công việc, ngày đêm lo chiến đấu với tội phạm.
Bà Chín chia sẻ: "Suốt thời gian làm chuyên án Năm Cam, ổng luôn bị áp lực công việc đè nặng nên thường về quạu với tôi. Những lúc như thế, tôi chỉ biết im lặng để ổng trút bỏ xong rồi thôi. Tôi là vợ của một ông tướng lừng lẫy nhưng chưa một lần tôi được cầm đồng lương của ổng mà xài và cũng chẳng biết lương của ổng là bao nhiêu. Nhiều lúc cũng buồn, nhưng có lẽ đó là duyên nợ, mình vất vả cả đời chỉ mong sao lo cho cuộc sống của các con đến nơi đến chốn".
Bản thân bà Chín bị đe dọa không biết bao nhiêu lần khi ông Tư thực hiện chuyên án do Năm Cam cầm đầu. Bà Chín tiết lộ: "Năm đó, tự dưng có một thanh niên xách giỏ đến nhà tôi lúc chập tối và nói với tôi là con của anh Tư. Tôi bảo nếu tìm lên cơ quan chứ ổng làm gì có ở đây. Không một chút ấp úng, nó trả lời: "Ba con sắp về thăm nhà, con ở đây chờ gặp ba". Cảm thấy có sự bất thường, tôi lén ra sau nhà điện thoại cho mấy chú công an xã. Sau đó, mấy chú lục túi xách của nó thì thấy có dao bấm, dao găm và búa. Hú hồn". Không bao lâu sau, lại có một người ăn xin vào nhà bà xin được ở nhờ.
Không ít lần, bà Chín phải sống trong dư luận rằng chồng mình có vợ bé và con riêng. Thế nhưng, là vợ của một người Cộng sản bao nhiêu năm, bà hiểu và tin tưởng chồng mình hơn ai hết. Vì thế, bà chưa một lần nghi ngờ chồng. Chậm rãi, bà Chín nói: "Chúng tôi đến với nhau cực khổ, nguy hiểm, khó khăn trong thời ác chiến của bom đạn nên những vất vả sau này trong hòa bình cũng không ăn nhằm gì".
Thơ Trịnh