Hôm qua, Tòa án nhân dân huyện Trần Văn Thời, Cà Mau mở phiên tòa xét xử vụ hai nạn nhân làm thuê trên tàu bị chủ tàu và một số người khác tra tấn như thời trung cổ.
Đọc tin trước đó, và xem cáo trạng của Viện kiểm sát mà rùng mình. Đã từng vào thăm các nhà tù ở Côn Đảo, Phú Quốc, nghe nhiều về hình phạt man rợ là nhổ răng tù nhân. Bản thân cũng đã từng phải... nhổ răng, dẫu có thuốc tê và do bác sĩ chuyên khoa thực hiện, nhưng vẫn phải tới mấy ngày mới hết đau, nên hình dung cảnh những nạn nhân bị bọn man rợ kia dùng kìm nhổ răng sống mà không khỏi ghê rợ, và hình dung nỗi đau mà họ đã phải chịu đựng trong những ngày lênh đên trên biển, sống đọa đày như ở địa ngục.
Và sau nữa mới biết, té ra có hẳn những đường dây tuyển lao động trên tàu cá như kiểu buôn nô lệ như thế.
Nhiều thanh niên ở Tây Nguyên, những người cả đời chưa thấy biển, cũng từng bị lừa đi lao động trên tàu cá như vậy.
Tôi vài lần đi biển, ra đại dương, như ra Trường Sa, ra Côn Đảo... và tất nhiên là say, dẫu toàn tàu lớn, tàu hiện đại. Và không chỉ mình say, có khi thủy thủ cũng say.
Thế nên những thanh niên Tây Nguyên bị lừa đi làm trên các tàu cá tận Cà Mau, Kiên Giang... không những bị say sóng mà còn không biết làm việc là tất nhiên. Và họ bị đánh, bị bỏ đói, rồi cuối cùng là... trốn về. Có người ôm phao nhảy xuống biển rồi được cứu, có người lợi dụng lúc tàu vào bờ bán cá, tiếp dầu thì trốn. Không có tiền mua vé xe, phải đi xin để về. Bốn thanh niên người Jrai ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai gồm Siu Thel, Đinh Nổ, Siu Phe, Rmăh Phan từng là những nạn nhân như thế. May mắn họ chưa bị đánh đau như những “đồng nghiệp” trong vụ mà tòa án huyện Trần Văn Thời đang xử, nhưng có bị đánh, bị bỏ đói, bị dọa dẫm, ép làm việc ngày mười mấy tiếng đồng hồ như nô lệ dù say sóng tới mức phải tự trói mình vào tàu để khỏi rơi xuống biển.
Vấn đề là, tự bao giờ mà con người ác với nhau như thế?
Tự bao giờ mà sinh ra những người đi lừa nhau như thế, tuyển người vô tội vạ, bán lại cho chủ tàu, lấy tiền rồi bỏ mặc họ.
Trong vụ tòa án huyện Trần Văn Thời đang xử, thì một trong hai nạn nhân cũng... lừa nhau. Là sau khi vụ việc bị phát giác, chủ tàu đã đền cho hai người, một người 150 triệu đồng và người kia 100 triệu đồng. Người được đền 100 triệu vì thương tích ít hơn, đã cầm luôn 150 triệu của người thương tích nặng hơn và đi luôn, chưa tìm được.
Trong khi vụ hành hạ dã man này đang được điều tra và đưa ra xét xử thì tại Kiên Giang cũng vừa có vụ tương tự. Vụ này lực lượng chức năng đã giải cứu được 5 nạn nhân, và đang tiến hành điều tra vụ việc. Đáng chú ý trong số các nạn nhân vụ này có một thanh niên 21 tuổi (Hà Nội).
Theo thông tin trên một tờ báo thì “Sau khi sức khỏe các ngư dân đã ổn định, cơ quan chức năng cũng đã triệu tập và làm việc với những người có liên quan. Trong đó, đáng chú ý là D.M. (ngụ tỉnh Kiên Giang, người cầm cây đánh đập khiến nhóm ngư dân phải quỳ gối xin tha trong clip) và ông L. (ngụ tỉnh Kiên Giang, chủ chiếc tàu cá nói trên)”. Cũng đã cả tháng rồi, từ hôm xảy ra sự việc, chưa thấy có thông tin gì mới về việc xử lý thủ phạm gây ra vụ việc.
Một thông tin kinh hoàng hơn cũng mới diễn ra là, do làm việc chậm (điều tất nhiên đối với những ngư phủ không chuyên nghiệp, thậm chí chưa bao giờ thấy biển như đã dẫn), một ngư phủ bị ném xuống biển và dìm đến chết. “Ngày 17/8, kết thúc phiên xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh Cà Mau tuyên phạt các bị cáo Trần Hoài Phong (SN 1993; ngụ tỉnh Kiên Giang) 16 năm tù; Ngô Bảo Huynh (SN 1995; ngụ huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) 15 năm tù; Nguyễn Thanh Thảo (SN 1981; ngụ tỉnh Cà Mau) 13 năm tù và Phạm Văn Đằng (SN 2005; ngụ tỉnh Bến Tre) 9 năm tù về tội "Giết người".
Không thể kể lại ở đây hành vi tội ác của những kẻ mất hết tính người này, nhưng rõ ràng với những sự việc đã xảy ra có nhiều vấn đề, nhiều câu hỏi cần giải đáp.
Ấy là việc tuyển nhân công. Ấy là việc quan hệ đối xử với nhau giữa nhóm người trên con tàu chật chội giữa biển khơi bao la ấy. Đã có trường hợp cả chủ tàu cũng bị tấn công. Giữa biển khơi, họ làm việc ăn ở sinh hoạt, quan hệ với nhau như thế nào, ai kiểm soát. Con người như những cái máy làm việc, nghỉ ngơi thế nào, giải trí ra sao...
Xưa nay về cơ bản, những người đi biển trên một con tàu đa phần là trong một nhà, trong một làng, họ có những mối quan hệ nhất định để ứng xử với nhau. Giờ mở ra, tuyển người khắp nước, đúng nghĩa kinh tế thị trường, chủ tớ, thông qua các công ty môi giới. Mà các công ty này, nhiều khi rất trời ơi đất hỡi. Họ về các vùng hẻo lánh, rủ rê nạn nhân với những lời hứa toàn màu hồng, rồi “bán” lại, có khi tới hai ba mối mới tới người sử dụng lao động. Lấy được tiền môi giới bằng cách "bán người", là họ hết trách nhiệm.
Mà những việc như thế này, không chỉ trong giới ngư phủ, nó có cả ở nhóm thiếu nữ bị lừa vào các quán karaoke, quán mát xa, thậm chí là mại dâm, cả nhóm nhân công thời vụ đi hái hồ tiêu, làm cỏ cà phê trên Tây Nguyên vân vân...
Lại nhớ câu thơ Tố Hữu một thời “Người yêu người sống để yêu nhau”, và ước...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.