Sự việc bé gái 6 tuổi ở phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, Tp.Hà Nội) tử vong và có dấu hiệu bị bạo hành tiếp tục là hồi chuông cảnh báo cũng như là bài học xương máu cho những bậc làm cha, làm mẹ.
Nguyên nhân do đâu dẫn tới câu chuyện đau lòng này, Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Thị Tố Quyên - Phó Trưởng khoa Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
PV: Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, trong tháng 4/2020 (thời gian giãn cách xã hội), tổng đài ứng phó bạo lực đã tiếp nhận gần 350 cuộc gọi của những người cần hỗ trợ, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2019. Có phải việc phải ở nhà nhiều vì Covid-19 khiến cho tình trạng bạo lực gia đình tăng lên?
PGS.TS Nguyễn Thị Tố Quyên: Có thể thấy đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn cuộc sống của nhiều gia đình. Mọi người phải ở trong một khuôn viên nhất định, nơi ở nhất định và gặp nhau nhiều hơn. Chưa nói, đại dịch kéo dài ảnh hưởng đến thu nhập, chất lượng cuộc sống khiến nhiều thứ bị bó hẹp, dẫn tới sự bức bối cho mọi người.
Đối với trẻ em, bình thường các con được đi học, ở trường giao lưu với thầy cô, bạn bè; bố mẹ chỉ gặp con vào cuối ngày, tiếp xúc với con một vài tiếng đồng hồ. Nhưng bây giờ bố mẹ và các con tiếp xúc 24/24, đôi khi cũng gây ra những cảm xúc xấu.
Như vậy nói đại dịch ảnh hưởng đến thói quen, nếp nghĩ, công việc, cộng thêm áp lực nên dễ dẫn tới những hành vi thiếu suy nghĩ là có căn cứ.
PV: Người xưa vẫn nói “hổ dữ không ăn thịt con”, thực tế có những cháu bé đã phải hứng chịu trận đòn roi “thừa sống thiếu chết”, thậm chí phải bỏ mạng từ bậc sinh thành. Bà cho biết nguyên nhân nào dẫn tới những sự việc đau lòng như vậy?
PGS.TS Nguyễn Thị Tố Quyên: Khi người lớn không kiềm chế được bản thân, nóng giận quá mức và không nghĩ đến hậu quả chính là nguyên nhân gây ra những sự việc đáng tiếc. Thực tế cho thấy, khi nóng giận, nhiều ông bố, bà mẹ cũng đánh con khắc nghiệt như đánh kẻ thù. Nhiều người vẫn có tâm lý “yêu cho roi, cho vọt” theo cách dạy từ ngày xưa đến giờ mà không lựa chọn cho mình những phương pháp dạy con sáng suốt hơn, khôn ngoan hơn, đồng thời đem lại hiệu quả cao hơn rất nhiều so với đòn roi.
Ở Việt Nam, nhiều người cứ mải mê kiếm tiền, kể cả cuối tuần cũng không dành nhiều thời gian cho gia đình, con cái; phó mặc con cho xã hội, cho nhà trường nên không đoán bắt được tâm sinh lý của con trẻ để có những ứng xử phù hợp. Chưa kể, nhiều người vì bực bội vấn đề gì đó, hay vợ chồng cãi chửi nhau thì lấy con cái ra làm “bia đỡ đạn”. Tôi thấy điều này hoàn toàn không nên bởi sẽ làm ảnh hưởng nặng nề tới tâm sinh lý của trẻ trong quá trình phát triển.
PV: Theo đánh giá của bà, cách dạy con ở một số nước phát triển so với cách dạy con cái ở Việt Nam có sự khác biệt như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Thị Tố Quyên: Ở nước ngoài, đứa trẻ có thể khóc, nghịch ngợm, bôi lem lên tất cả mọi thứ, nhưng bố mẹ vẫn kiềm chế. Thậm chí ở nơi công cộng như công viên, ngoài đường, đứa trẻ có thể khóc lóc, giãy giụa đòi một thứ gì đó nhưng ông bố, bà mẹ sẽ dỗ dành, phân tích cho con hiểu hoặc đơn giản là kiên trì đợi con hết khóc, khi đứa trẻ khóc chán sẽ tự đứng lên đi tiếp, họ không quan tâm người ngoài nhìn vào, đánh giá gì. Nhưng ở Việt Nam, nếu gặp trường hợp tương tự, có thể người lớn vì ngại bị người khác đánh giá con mình hư, con mình chưa giỏi nên sẽ xấu hổ và trút giận lên con bằng roi vọt, đe nẹt… Như vậy, quan niệm, tâm lý, cách dạy dỗ cũng ảnh hưởng tới hành vi của người lớn trong quá trình dạy con.
Ở một số nước, cha mẹ có hành vi bạo lực, lời lẽ nhục mạ con cái có thể bị xử phạt, thậm chí bị đi tù, hoặc mất quyền nuôi con, mất quyền giám hộ… Còn ở Việt Nam, hệ thống pháp luật chưa đến mức căng thẳng như một số nước, dễ dẫn tới việc bố mẹ thường áp đặt con trẻ, cho mình quyền được dạy con bằng roi vọt, đe nẹt, áp đặt… Cách dạy con này sẽ không bao giờ đem lại hiệu quả, thậm chí còn làm xấu tình hình, dễ hình thành những suy nghĩ tiêu cực cho trẻ.
PV: Theo bà thành thị hay nông thôn sẽ xuất hiện tình trạng bạo lực nhiều hơn?
PGS.TS Nguyễn Thị Tố Quyên: Theo tôi nghĩ ở đâu cũng có thể bị ảnh hưởng nếu như bố mẹ không biết cách kiềm chế, không có phương pháp, không tìm được cách để cùng chơi, cùng học với con thì đều dễ dẫn đến những bất đồng.
Ở thành phố mà nhiều người cùng sống trong khuôn viên chật hẹp; vào, ra chạm mặt nhau; mọi sinh hoạt đảo lộn thì cũng bị ảnh hưởng tới cách dạy con. Còn ở nông thôn có khi không gian rộng rãi, mỗi người một việc thì cũng chưa chắc dẫn tới vấn nạn bạo hành.
Thực tế cho thấy có nhiều ông bố, bà mẹ gần như không dành thời gian chơi với con. Sau 7- 8 tiếng con học ở trường về, cả nhà vội vàng cũng nhau ăn cơm rồi con vào bàn học; bố mẹ xem ti vi hoặc làm việc riêng; đến giờ thì nhắc con đi ngủ; dẫn tới sự chia sẻ, tương tác giữa bố mẹ và các con không nhiều. Từ đó, người lớn không thể hiểu được trẻ cần gì, muốn gì, cộng với việc trẻ không đạt được kỳ vọng như bố mẹ mong đợi nên dễ nảy sinh hành vi bạo lực.
PV: Nói như vậy, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận vấn nạn bạo hành đã để lại hậu quả rất lớn cho con trẻ. Phải chăng, chính các bậc phụ huynh đã không nhận ra mình cũng là một phần nguyên nhân của nạn bạo hành, thưa bà?
PGS.TS Nguyễn Thị Tố Quyên: Bản tính của trẻ con là hiếu động, tò mò. Việc ở trong nhà cả ngày không tránh khỏi những lúc trẻ nô đùa, nghịch ngợm, phá phách. Nói bực thì ai cũng bực nhưng mỗi gia đình nên có những cách ứng xử khác nhau sao cho phù hợp, khôn ngoan. Điều quan trọng, khi đó bố mẹ phải kiềm chế được, cân bằng được, nếu không thì người thiệt thòi, bị ảnh hưởng nhất ở đây chính là con trẻ.
Nhiều bố mẹ khi bực bội là đánh con mà không nghĩ đến hậu quả. Trường hợp chẳng may đánh vào chỗ phạm trên cơ thể con dẫn tử vong, khi đó không chỉ đau xót vì mất con mà bố, mẹ sẽ trở thành kẻ giết người và bi xử lý theo quy định của pháp luật.
Chưa nói, đối với những ông bố, bà mẹ quá nghiêm khắc trong việc dạy con, thường sử dụng bạo lực, đe nẹt khiến con trẻ có xu hướng thu mình lại, không chia sẻ, tâm sự với bố mẹ. Từ đó dẫn tới việc bố mẹ không thể nắm bắt được hết các vấn đề của con để cùng giải quyết và có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường.
PV: Tôi có xem một chương trình truyền hình có tên "Thầy cô chúng ta đã thay đổi", có học sinh cá biệt đã tốt hơn rất nhiều khi giáo viên là chủ thể của sự thay đổi trong phương pháp dạy. Trong bối cảnh này, tôi đang nghĩ đến sự thay đổi của phụ huynh!
PGS.TS Nguyễn Thị Tố Quyên: Tôi nghĩ cuộc sống là sự thích ứng. Cha mẹ, không thể mãi bảo thủ với cách dạy con bằng roi vọt.
Tôi lấy ví dụ thế này, Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của chúng ta rất nhiều, giảm thu nhập, rồi việc ở trong nhà nhiều ngày dẫn tới bức bối. Nhưng Covid-19 cũng giúp chúng ta sắp xếp lại tư duy rằng, có những lúc, con người phải đối mặt với khó khăn và phải luôn tìm cách thích ứng với nó.
Ngày xưa đi ra đường, chúng ta không đeo khẩu trang là một chuyện hết sức bình thường. Còn bây giờ Covid-19 bắt chúng ta vào một cuộc sống mới và mỗi người phải học cách đối diện, học cách xử lý khủng hoảng. Tôi gọi Covid-19 là một khủng hoảng.
Khi gặp một vấn đề nào đó, có thể điều chúng ta nhìn thấy đầu tiên là khó khăn, nhưng sau đó, chúng ta cũng nên tìm hiểu, nhìn nhận xem bên cạnh khó khăn sẽ thu được lợi ích gì. Khi các ông bố, bà mẹ có suy nghĩ là vì Covid-19 mà có nhiều thời gian bên con, bên người thân để hiểu nhau hơn thì mọi người sẽ có những hành xử tích cực hơn, cùng chia sẻ, cùng trải nghiệm những điều tuyệt vời trong cuộc sống mà bấy lâu nay chúng ta lãng quên, hoặc chưa có cơ hội thực hiện. Do vậy, điều đầu tiên chúng ta phải thích ứng với khủng hoảng; tôi cho rằng đấy cũng là một dạng khủng hoảng.
Khi nhìn nhận được vấn đề như vậy, chúng ta sẽ tìm được phương pháp giải quyết khủng hoảng, lập kế hoạch làm thế nào để xử lý tốt nhất. Con ở nhà, con học online thì bố mẹ phải lập kế hoạch: Con học online như thế nào để hiệu quả, con ở nhà thì cùng làm với con những gì, lên cho con những hoạt động nào đó để con không còn thời gian quậy phá… Tôi hy vọng, chúng ta hãy là những người cha, người mẹ thông minh, biết cách thích ứng, biết cách dạy con; đặc biệt, trong cuộc sống nếu gặp vấn đề khó khăn, bực bội thì phải biết cách kiềm chế.
Con người ai cũng thích khen, thích nịnh, thích nhẹ nhàng, đặc biệt là trẻ nhỏ. Bố mẹ hãy dạy con cái bằng phương pháp kích thích, luôn khen ngợi, động viên, khuyến khích và tránh so sánh con với người khác, có như vậy mới đạt được những hiệu quả tích cực trong việc dạy con.
PV: Cảm ơn những chia sẻ của bà!