Nguồn cung cấp than gặp khó, EVN kêu gọi tiết kiệm điện

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 4, 30/03/2022 16:06

Toàn hệ thống điện quốc gia thiếu hụt tới hơn 3.000 MW nhiệt điện than do thiếu than cho sản xuất điện, khiến nguy cơ thiếu điện từ tháng 4/2022 trở nên hiện hữu.

Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến ngày 30/3/2022, tình hình cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện của EVN vẫn đang tiếp tục có nhiều khó khăn và thiếu hụt rất lớn so với hợp đồng cung cấp than đã ký.

Theo đó, trong quý I/2022, tổng khối lượng than đã được cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện của EVN là 4,49 triệu tấn trên tổng số 5,85 triệu tấn theo hợp đồng đã ký (tương ứng tỷ lệ 76,76%). Như vậy, lượng than được cung cấp đã thiếu hụt 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng.

Do lượng than cung cấp thiếu và tồn kho ở mức thấp nên đến cuối tháng 3/2022, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát.

Cụ thể, các nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1, Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 hiện nay chỉ đủ than vận hành 1 tổ máy ở mức 60 – 70% công suất; nhà máy nhiệt điện Hải Phòng chỉ đủ than vận hành cho một trong 4 tổ máy. Do đó, toàn hệ thống điện quốc gia thiếu hụt tới hơn 3.000 MW nhiệt điện than do thiếu than cho sản xuất điện.

Để khắc phục những khó khăn do tình trạng thiếu than cho sản xuất điện, vừa qua các đơn vị vận hành nguồn và lưới điện của EVN đã có nhiều biện pháp đồng bộ để duy trì vận hành an toàn, ổn định cho hệ thống điện quốc gia.

“Mặc dù các đơn vị cung cấp than là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc đã có nhiều nỗ lực trong việc khắc phục khó khăn để khai thác than từ các mỏ trong nước và nhập khẩu than để pha trộn, nhưng thông tin từ 2 công ty này thì tình hình cung cấp than còn tiếp tục có nhiều khó khăn trong thời gian tới. Như vậy, nguy cơ thiếu than dẫn đến thiếu điện từ tháng 4 trở đi là rất hiện hữu”, EVN thông tin.

Tiêu dùng & Dư luận - Nguồn cung cấp than gặp khó, EVN kêu gọi tiết kiệm điện

EVN kêu gọi người dân và các khách hàng sử dụng điện thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện trước tình hình thiếu than cho các nhà máy nhiệt điện (Ảnh: Phạm Tùng).

Phía EVN cho biết, trong thời gian tới đây, nhất là vào thời điểm nắng nóng cao điểm của mùa khô năm 2022, công tác sản xuất điện từ nhiên liệu than đóng một vai trò hết sức quan trọng cho đảm bảo cung cấp điện, đặc biệt là các tháng 4, 5, 6, 7 tại khu vực miền Bắc.

Để chủ động ứng phó với nguy cơ ảnh hưởng đến cung cấp điện từ phía người sử dụng điện, EVN kêu gọi người dân và các khách hàng sử dụng điện thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện như tắt các thiết bị điện không cần thiết, tránh sử dụng nhiều thiết bị điện vào các giờ cao điểm, sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ,... góp phần giảm bớt những khó khăn về nguồn điện.

Trước đó, ngày 22/3, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có báo cáo gửi Bộ Công Thương về việc cung ứng than cho điện, ngay sau khi Bộ Công Thương có văn bản chỉ đạo “trong bất luận trường hợp nào, các đơn vị cũng không được để thiếu than cho sản xuất điện”.

Theo báo cáo của TKV, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp cộng với căng thẳng địa chính trị thế giới gia tăng, ngay từ đầu năm 2022, việc triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tập đoàn gặp rất nhiều khó khăn đặc thù, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có việc cung cấp than cho sản xuất điện.

Tiêu dùng & Dư luận - Nguồn cung cấp than gặp khó, EVN kêu gọi tiết kiệm điện (Hình 2).

Bộ Công Thương đã có chỉ đạo TKV về việc phải cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện để đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất điện (Ảnh: EVN).

Theo kế hoạch năm 2022, sản lượng than TKV phải cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện là 35 triệu tấn, gồm 20,92 triệu tấn than tiêu chuẩn Việt Nam và 14,08 triệu tấn than pha trộn giữa trong nước và than nhập khẩu.

"Kể cả tăng sản lượng than nguyên khai mà không có than nhập khẩu, hoặc than nhập khẩu về chậm, hoặc chất lượng không đảm bảo như kế hoạch thì khó có khả năng cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện", TKV nhận định.

Phía Tập đoàn cho biết, việc đảm bảo sản lượng than cấp cho các nhà máy nhiệt điện theo khối lượng kế hoạch năm 2022 phụ thuộc rất nhiều vào khối lượng, chất lượng than nhập khẩu theo kế hoạch. Tuy nhiên, dự kiến 3 tháng đầu năm, TKV mới chỉ nhận được 325.000 tấn.

Việc không nhập khẩu được than theo đúng tiến độ, TKV cho hay, ngoài nguyên nhân khách quan của thị trường thế giới, còn do đến ngày 2/3/2022, EVN mới chấp thuận cơ chế giá than pha trộn TKV kê khai theo Luật giá, dẫn tới TKV phải đẩy lùi và bỏ lỡ nhiều cơ hội nhập khẩu đủ than về pha trộn theo kế hoạch.

“Hiện nay, sau khi EVN chấp thuận cơ chế giá thì việc tìm được nguồn nhập khẩu than là vô cùng khó khăn và không nhập được các loại than có chất lượng phù hợp để pha trộn, kèm theo giá than thế giới tăng đột biến”, TKV giải thích.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.