Ngày lễ Phật Đản 2018 là ngày nào?
Ngày Phật Đản là một trong ba ngày lễ lớn trong năm của đạo Phật bao gồm: Phật Đản, Vu Lan, Thành đạo. Lễ Phật Đản là một trong ba lễ cấu thành Lễ Tam hợp mà Liên Hiệp Quốc gọi là Vesak (lễ Phật Đản sinh, lễ Phật thành đạo và lễ Phật nhập Niết bàn).
Trước năm 1959, các nước Đông Á thường tổ chức ngày lễ Phật Đản vào ngày 8/4 âm lịch. Tại Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên ở Colombo, Tích Lan, 25/5 đến 8/6/1950, các phái đoàn đến từ 26 quốc gia là thành viên đã thống nhất ngày Phật Đản quốc tế là ngày rằm tháng Tư âm lịch.
Ngày 15/12/1999, theo đề nghị của 34 quốc gia, để tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của Đức Phật, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại phiên họp thứ 54, mục 174 của chương trình nghị sự đã chính thức công nhận Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên Hiệp Quốc,những hoạt động kỷ niệm sẽ được diễn ra hàng năm tại trụ sở và các trung tâm của Liên Hợp Quốc trên thế giới từ năm 2000 trở đi, được tổ chức vào ngày trăng tròn đầu tiên của tháng 5 dương lịch.
Vì thế, lễ Phật Đản năm nay diễn ra vào ngày 15/4 Âm lịch tức ngày 29/5 Dương lịch.
Nguồn gốc ngày lễ Phật Đản
Đối với Phật giáo theo truyền thống Nam Tông, Đại lễ Phật Đản còn được gọi là Đại lễ Tam hợp Đức Phật (hay Đại lễ Vesak). Đại lễ Tam hợp Đức Phật bắt nguồn từ tín ngưỡng Phật giáo Ấn Độ. Người Ấn Độ có tín ngưỡng Phật giáo xem tháng Vesak (tên gọi tháng thứ 4 của năm theo lịch Ấn Độ) là tháng linh thiêng, bởi vào ngày trăng tròn của tháng này đã diễn ra 3 sự kiện trùng lặp gắn với thân thế, sự nghiệp của Đức Phật (Phật đản sinh; Phật thành Đạo; Phật nhập Niết bàn). Đại lễ Phật Đản diễn ra vào ngày trăng tròn tháng Vesak tương ứng với tháng 5 dương lịch.
Đối với Phật giáo theo truyền thống Bắc Tông, trong đó có Việt Nam, Đại lễ Phật Đản là Đại lễ kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật. Vì vậy, tại Việt Nam ngày rằm tháng tư (15/4 Âm lịch), Phật giáo tổ chức Đại lễ Đức Phật đản sinh (hay còn gọi là Đại lễ Phật Đản).
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tên thật là Tất Đạt Đa, họ Cồ Đàm, là thái tử con vua nước Tịnh Phạn, một vương quốc ở miền bắc Ấn Độ. Thân mẫu của ngài là Ma Gia phu nhân, sinh ra ngài tại khu vườn Lam Tì Ni trên đường bà về thăm quê lúc dừng chân nghỉ ngơi ở khu vườn này. Khi ngài đản sinh, các thiên thần trên cao như Phạn Vương, Đế Thích đều giáng mưa hoa và nhạc sáo để chúc mừng.
Các Phật tử tin vào huyền thoại về ngài; theo đó ngài đã vì nỗi khổ của chúng sinh mà bỏ cả gia đình, bỏ cả cung vàng điện ngọc đầy quyền uy để khoác mảnh vải thô niệm cho người đã chết, đến với mọi chúng dân không một nghi thức cách biệt. Đối với họ, đức Phật là người thầy, là người gần gũi, là vị thánh cứu khổ cứu nạn, gần gũi trong tâm linh. Vì vậy, mặc dù người Việt Nam thường chỉ có thói quen kỷ niệm ngày mất của các vị tổ tiên, nhưng riêng đối với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, họ lại nhiệt thành kỷ niệm ngày sinh của ngài.
Ý nghĩa ngày lễ Phật Đản
Lễ Phật Đản được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức một cách trang trọng. Ngoài việc tổ chức buổi lễ chính vào đúng ngày Rằm tháng 4, Giáo hội các tỉnh thành còn tổ chức xe hoa diễu hành trên các đường phố, làm lễ phóng sinh, thả hoa đăng trên sông, tổ chức văn nghệ chào mừng Phật Đản, thuyết giảng Phật pháp, đèn lồng và cờ Phật giáo được treo khắp các chùa, làm lễ đài tổ chức… có hàng nghìn tăng, ni, phật tử tham dự.
Giáo hội Phật giáo các tỉnh thành và các chùa cơ sở phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại địa phương còn tổ chức các hoạt động từ thiện, xây nhà tình thương, thăm hỏi và tặng quà bà con nghèo. Tại một số nước châu Á, vào ngày Phật Đản, không ai bị đói vì nhà nào cũng để mâm cơm ở trước cửa và ai cũng được mời ăn.
Vào ngày Phật Đản, các Phật tử không sát sinh, giết gà, vịt... Ngày đó, tất cả mọi người đều ăn chay, người bán hàng ở chợ cũng chỉ bán đồ chay. Ngoài ra, nhiều người còn thả chim, thả cá tạo niềm vui và hiến dâng sự sống cho muôn loài... Tại các chùa, Phật tử thường dựng lên lễ đài lớn, trang trí các xe hoa. Tuy nhiên, tất cả những việc này đều được thực hiện sao cho không gây tốn kém nhiều, không phung phí, vốn là đạo lý nhà Phật.
Phong Linh (t/h)