Khó khăn và thách thức
Ngày 8/10, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước tổ chức hội thảo chuyên đề nhằm trao đổi về kết quả thực hiện các mô hình hợp tác xã thí điểm chuyển đổi số toàn diện, nhất là số hóa các sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm OCOP; tình hình chuyển đổi số của các doanh nghiệp, định hướng với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trang trại.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước cho biết, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu và là động lực chính thúc đẩy sự phát triển của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Đảng và Nhà nước ta đã xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Tại Bình Phước, tỉnh đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số của tỉnh chiếm 20% GRDP, tỉ trọng kinh tế số của mỗi ngành chiếm 7 - 10% trong tổng GRDP của tỉnh.
Để hiện thực hóa các chỉ tiêu nêu trên, tỉnh Bình Phước đang đẩy mạnh tăng tốc chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, thương mại điện tử cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, chủ trang trại trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, chủ trang trại trên địa bàn tỉnh Bình Phước vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế.
Cụ thể, công tác tổ chức tuyên truyền, tập huấn về nhận thức tầm quan trọng, vai trò của chuyển đổi số còn chưa thường xuyên, hiệu quả. Việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, ứng dụng số thuộc các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số chưa hoàn thành.
Việc triển khai các giải pháp công nghệ mới đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, chủ trang trại đòi hỏi một khoản đầu tư ban đầu tương đối lớn, không phải đơn vị nào cũng có sẵn nguồn nhân lực để thực hiện, trong khi nguồn ngân sách hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế.
Lấy uy tín, an toàn làm tiêu chí hàng đầu trong chuyển đổi số
Tham gia Hội thảo lần này, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đề xuất các giải pháp nhằm giúp chuyển đổi số toàn diện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đa số ý kiến đều nhấn mạnh lấy uy tín, an toàn làm tiêu chí hàng đầu.
Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bình Phước Võ Anh Kiệt cho biết, đơn vị tiếp tục triển khai các phần mềm quản lý sản xuất, tài chính và nhân sự nhằm tối ưu hóa quy trình hoạt động; khuyến khích các hợp tác xã áp dụng công nghệ IoT và công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp.
Đơn vị sẽ phổ biến và vận động các hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia hoạt động thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm, tạo kênh bán hàng trực tuyến; hợp tác với các nền tảng thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng độ nhận diện thương hiệu với khách hàng.
Đồng thời, hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia "Chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi" do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam xây dựng và đưa vào hoạt động.
Ông Phạm Ngọc Sơn, Giám đốc Công nghệ và Chuyển đổi số, Công ty CP Công nghệ Cao và Dịch vụ Phần mềm FaceNet cho biết, đưa chuyển đổi số vào hoạt động của nhà máy sản xuất là cần thiết và quan trọng. Trong kỷ nguyên số, dữ liệu đã trở thành tài sản vô giá của mọi tổ chức.
Việc quản lý, phân tích và tận dụng hiệu quả dữ liệu là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp đưa ra quyết định chính xác, tối ưu hóa quy trình làm việc, nâng cao năng suất.
Theo ông Sơn, để tìm ra giải pháp cũng như ứng dụng chuyển đổi số một cách hiệu quả, doanh nghiệp cần xác định mục tiêu chiến lược chuyển đổi số của mình.
Với định hướng này, doanh nghiệp cần tối ưu hóa và tự động hóa quy trình, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, tăng hiệu quả để giảm chi phí.
Đồng thời, doanh nghiệp cần phải nâng cao mức hài lòng của nhân viên và tìm ra phương thức mới để tăng doanh thu, nâng cao trải nghiệm khách hàng. Doanh nghiệp cần xác định đúng tệp khách hàng và thắt chặt quan hệ với khách hàng, đảm bảo uy tín của doanh nghiệp với khách hàng.
Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước cho rằng, hội thảo năm nay được tổ chức với mục đích thảo luận, bàn sâu hơn về kết quả thực hiện các mô hình hợp tác xã thí điểm chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn tỉnh; kết quả thực hiện số hóa các sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm OCOP; đề xuất với UBND tỉnh về các chính sách hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh…
Đồng thời, các cơ quan chuyên môn của Bộ Thông tin và Truyền thông, các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chuyển đổi số sẽ tư vấn, giới thiệu về các mô hình, giải pháp chuyển đổi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, chủ trang trại trên địa bàn tỉnh.