Lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới đang công bố các kế hoạch lớn về khôi phục sử dụng năng lượng hạt nhân, một nguồn năng lượng gây tranh cãi và đã từng bị nhiều nước loại bỏ.
Nguyên nhân cho sự thay đổi này được cho là do chi phí cho khí đốt tự nhiên, than đá và dầu mỏ đang tăng vọt trong khi nguồn cung năng lượng tái tạo phụ thuộc vào thời tiết không đủ đáp ứng nhu cầu. Đồng thời, sự ủng hộ ngày càng tăng của công chúng và chính giới dành cho năng lượng hạt nhân cũng là một nguyên nhân, tác giả Michael Shellenberger cho biết trong bài xã luận đăng trên Eurasia Review.
Pháp dẫn đầu với khoản đầu tư 1 tỷ Euro
Trong khi cả châu Âu đang lao đao vì cuộc khủng hoảng năng lượng tàn khốc, Pháp lại rất ung dung.
Hôm 12/10, Pháp tuyên bố sẽ đầu tư 1 tỷ Euro (1,2 tỷ USD) vào điện hạt nhân vào cuối thập kỷ này, kiên định đứng về phía nguồn năng lượng gây tranh cãi khi quốc gia này tìm cách đưa châu Âu thoát khỏi khủng hoảng năng lượng.
Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay của châu Âu, do nguồn cung thiếu hụt, đã chứng kiến giá khí đốt tự nhiên và giá điện tăng cao đến mức các nhà sản xuất phải đóng cửa các nhà máy, trong khi 9 công ty điện lực của Anh phá sản.
Nhưng Pháp đứng ngoài phần còn lại của châu Âu nhờ sản xuất hơn 70% điện năng tại các nhà máy hạt nhân.
Điều đó đã bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp (và người tiêu dùng) của Pháp khỏi tác động của việc giá cả tăng vọt, như tình trạng đang diễn ra ở nhiều nơi.
“Mục tiêu hàng đầu là có các lò phản ứng hạt nhân quy mô nhỏ mang tính đổi mới sáng tạo ở Pháp vào năm 2030, cùng với việc quản lý chất thải tốt hơn”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố.
Trên thực tế, Pháp là nước G7 duy nhất đầu tư vào năng lượng hạt nhân nhiều hơn năng lượng tái tạo.
Khoản đầu tư mới nhất của Pháp sẽ hướng tới việc xây dựng các lò phản ứng mô-đun nhỏ.
Về cơ bản chúng là những lò phản ứng cỡ nhỏ có thể tạo ra 300 MW điện - đủ cung cấp cho 126.000 ngôi nhà. Điều quan trọng là các lò phản ứng này có thể được sản xuất từ trước và lắp ráp tại chỗ. Đây là những đặc điểm của một công nghệ có tiềm năng xuất khẩu cao, và là lý do tại sao các công ty lớn ở Trung Quốc, Nga, Mỹ, và Nhật Bản đang làm việc trên các nguyên mẫu.
Các nhà phân tích kỳ vọng rằng Tổng thống Macron sẽ sớm công bố khoản đầu tư lớn hơn nhiều để có 6 lò phản ứng hạt nhân thông thường hoạt động vào năm 2044, với chi phí khoảng 59 tỷ USD.
Sự ủng hộ của công chúng đối với năng lượng hạt nhân đã tăng 17 điểm phần trăm ở Pháp, bài xã luận của Shellenberger cho biết.
Sự ủng hộ dành cho năng lượng hạt nhân
Hôm 12/10, Pháp cũng cho biết họ đang cùng các nước EU khác, bao gồm Phần Lan, Ba Lan và Cộng hòa Séc, lập thành một liên minh ủng hộ năng lượng hạt nhân, một loại năng lượng không phát thải và được dán nhãn là năng lượng "xanh" theo luật thuế của EU.
Ở Phần Lan, hoạt động vận động hành lang ủng hộ hạt nhân ở quốc gia Bắc Âu này đánh dấu sự “quay đầu” của Đảng Xanh, một bộ phận của chính phủ hiện tại, theo Hãng thông tấn Nhà nước Finnish Broadcasting Company.
“Theo truyền thống, đảng này đã phản đối hạt nhân một cách quyết liệt, và thậm chí đã rút khỏi các chính phủ trước về vấn đề này”, Pekka Vänttinen tại Euractiv, mạng lưới truyền thông toàn châu Âu, nhận định. “Nhưng quan điểm của đảng này đã trở nên thực dụng hơn, và các thành viên Đảng Xanh giờ đây tuyên bố giữ thái độ trung lập với công nghệ khi nói đến chống biến đổi khí hậu”.
Trong khi đó, Chính phủ Anh đang đàm phán với Tập đoàn Điện Westinghouse của Mỹ về việc liệu có nên xây dựng một nhà máy hạt nhân mới ở Wales. Nhà máy đó được cho là có thể cung cấp năng lượng cho hơn 6 triệu ngôi nhà.
Việc Mỹ và châu Âu phụ thuộc nhiều vào các nguồn năng lượng tái tạo phụ thuộc vào thời tiết, như năng lượng mặt trời và điện gió, khiến nguồn cung điện dễ bị tác động hơn một khi thiếu hụt về khí đốt tự nhiên xảy ra.
Sự phụ thuộc này dẫn đến những đợt tăng giá đột biến không thể tránh khỏi và buộc nhiều quốc gia phải khôi phục sản xuất điện từ các nguồn nhiên liệu gây ô nhiễm nhất, bao gồm dầu diesel và than đá.
Trong trường hợp của Đức, quốc gia dự kiến sẽ loại bỏ hoàn toàn điện hạt nhân vào năm tới, than đá đã bắt đầu được sử dụng để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.
Đức phản đối mạnh mẽ điện hạt nhân vì chất thải nguy hại mà quá trình sản xuất này tạo ra.
Năng lượng hạt nhân trên chính trường
Ngày 11/10, tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã bảo vệ các chính sách ủng hộ hạt nhân của mình trước Quốc hội nước này.
Kishida lên nắm quyền trên nền tảng ủng hộ hạt nhân. Ông đã đánh bại một ứng viên tranh cử Thủ tướng – người từng là một Bộ trưởng phụ trách vắc-xin – với quan điểm chỉ trích năng lượng hạt nhân.
“Điều quan trọng là chúng ta phải khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân”, Kishida cho biết.
Ở Hàn Quốc, phần lớn công chúng ủng hộ việc khôi phục năng lượng hạt nhân. Do đó, điều này tạo thuận lợi cho các ứng cử viên Tổng thống ủng hộ hạt nhân.
“Trong bối cảnh chính sách loại bỏ hạt nhân của Chính phủ vấp phải sự phản đối không ngừng gia tăng, các ứng cử viên Tổng thống từ khối đối lập đã đưa ra các lời hứa về khôi phục năng lượng hạt nhân”, tờ The Korea Times đưa tin. “Điều này nêu bật thực tế rằng, đây là nguồn năng lượng thay thế rẻ nhất và sạch nhất cho nhiên liệu hóa thạch ở Hàn Quốc, vốn phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu xăng dầu trong nước”.
Lãnh đạo phe đối lập Choe Jae-hyeong đã từ chức Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc (BAI) và ra tranh cử Tổng thống sau khi ông phát hiện ra rằng, Chính phủ hiện tại đã thao túng bằng chứng cho thấy năng lượng hạt nhân kém hiệu quả hơn so với thực tế, để đóng cửa một nhà máy hạt nhân.
“Tranh cãi về việc đóng cửa nhà máy và vấn đề kiểm toán cuối cùng đã khiến Choe từ chức”, The Korea Times cho biết, “và tham gia chính trường để tranh cử Tổng thống”.
Minh Đức (Theo Eurasia Review, Nasdaq)