Đây là kết quả của những chính sách, chiến lược đúng đắn và kịp thời của nhà nước cùng với sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp ngành dịch vụ logistics Việt Nam. Bên cạnh những thành quả đạt được trong những năm qua, ngành Logistics Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng cao. Chính vì vậy, việc đánh giá thực trạng và việc đề ra các chiến lược phát triển bền vững nguồn nhân lực ngành logistics Việt Nam đang là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Nhằm tăng cường trao đổi chuyên môn giữa các chuyên gia, giảng viên của các cơ quan, tổ chức, viện nghiên cứu, doanh nghiệp về logistics và đóng góp ý tưởng, giải pháp cho việc đào tạo nguồn nhân lực của ngành Logistics trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, ngày 10/11/2020, trường đại học Ngoại thương đã tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia năm 2020 với chủ đề “Đào tạo nguồn nhân lực ngành Logistics định hướng nghề nghiệp quốc tế” tại Cơ sở II, đây cũng là một trong những sự kiện đặc biệt nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập trường đại học Ngoại thương.
Thay mặt ban lãnh đạo Nhà trường, PGS, TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng trường đại học Ngoại thương đã phát biểu khai mạc và gửi lời cảm ơn đại biểu và khách mời đã đến tham dự Hội thảo Khoa học Quốc gia “Đào tạo nguồn nhân lực ngành Logistics định hướng nghề nghiệp quốc tế” nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Trường.
Thầy chia sẻ rằng trong xu thế hiện nay, logistics đã phát triển nhanh chóng và mang lại nhiều thành công cho nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, đặt ra yêu cầu phải có một đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên nghiệp và thích nghi tốt với sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nguồn nhân lực logistics còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành. Vì vậy, bài toán nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành Logistics định hướng nghề nghiệp quốc tế trong bối cảng 4.0 đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Nắm bắt được xu thế phát triển và yêu cầu của thị trường lao động về nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành logistics, từ năm 2018, trường đại học Ngoại thương đã triển khai đào tạo chuyên ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng theo định hướng nghề nghiệp quốc tế ở cả Trụ sở chính Hà Nội và Cơ sở II tại Tp.HCM. Đây là kết quả của quá trình hợp tác chặt chẽ giữa trường đại học Ngoại thương và Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) từ việc phát triển chương trình đào tạo đến hoạt động phối hợp đào tạo và kiểm tra, đánh giá.
Chương trình Logistics và quản lý chuỗi cung ứng theo định hướng nghề nghiệp quốc tế trang bị cho sinh viên kiến thức chuyên môn sâu và thực tiễn kinh doanh về logistics & quản lý chuỗi cung ứng, đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ở các vị trì đòi hỏi chuyên môn sâu trong lĩnh vực quản lý vận tải, kho bãi, cung ứng, xuất nhập khẩu tại doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia hoặc chuyên gia tư vấn quản lý chuỗi cung ứng.
Nhà trường mong rằng Hội thảo sẽ là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp cùng trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm trong hoạt động quản trị và đào tạo nhân sự logistics cũng như bàn luận về các giải pháp để mở rộng quy mô đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo và chất lượng nhân sự ngành logistics theo các chuẩn mực quốc tế. Từ đó, góp phần hát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược, tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng trong khu vực.
Trong suốt thời gian chuẩn bị diễn ra Hội thảo, trường đại học ngoại thương cũng nhận được sự phối hợp chặt chẽ, quý báu của các đơn vị phối hợp tổ chức. Thay mặt các đơn vị phối hợp tổ chức, Ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc chi nhánh VCCI tại TP.HCM đã có bài phát biểu chào mừng và chia sẻ tại Hội thảo.
Tiếp sau đó, PGS, TS Hồ Thị Thu Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam - đại diện nhóm tác giả đã trình bày tham luận “Định hướng đào tạo nguồn nhân lực ngành Logistics theo chuẩn quốc tế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” và Bà Bùi Thị Ninh - Trưởng phòng Văn phòng giới sử dụng lao động, Chi nhánh VCCI-HCM, Trưởng ban thư ký Hội đồng kỹ năng nghề ngành Logistics đã có bài tham luận “Chia sẻ mô hình gắn kết doanh nghiệp trong hoạt động phát triển nguồn nhân lực ngành Logistics - Hội đồng kỹ năng ngành”.
Các tham luận cho thấy việc đề ra các chiến lược phát triển bền vững nguồn nhân lực ngành logistics Việt Nam đang là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, đổi mới trong hoạt động đào tạo theo xu hướng doanh nghiệp dẫn dắt hướng đến thị trường lao động là xu thế tất yếu để nâng cao chất lượng và thoả mãn yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.
Sau phần trình bày tham luận, PGS TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng trường đại học Ngoại thương cùng Ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch VCCI, Giám đốc VCCI-HCM đã cùng điều hành buổi tọa đàm “Đào tạo nguồn nhân lực ngành Logistics định hướng nghề nghiệp quốc tế”. Buổi tọa đàm đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình và những chia sẻ, trao đổi hữu ích của quý chuyên gia, doanh nghiệp là tư liệu quý giá để Nhà trường phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp cụ thể hóa thành hành động trong thời gian tới để phát triển nguồn nhân lực logistics Việt Nam.
Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đào tạo nguồn nhân lực ngành Logistics định hướng nghề nghiệp quốc tế” do Trường Đại học Ngoại thương chủ trì, VLI phối hợp tổ chức đã kết thúc thành công, tốt đẹp, đánh dấu một bước phát triển mới cho việc hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực Logistics chất lượng cao của Nhà trường trong chặng đường sắp tới.