Nhiều trẻ em mong mỏi chờ đợi được ghép gan
Ngày 10/7, tại buổi chia sẻ thông tin các chuỗi ghép gan tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 Tp.HCM, đại diện thông tin từ bệnh viện, Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: "Hiện số trẻ em đang chờ ghép gan tại Bệnh viện Nhi đồng 2 là khoảng 20 trẻ, trong khi nguồn cho tạng có giới hạn. Nếu như nguồn cho tạng không được đáp ứng, thời gian trôi đi, có những trẻ suy gan sẽ tử vong"
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hồng Vân Khánh, Phó khoa gan mật tụy - ghép gan, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết bệnh viện đã bắt đầu ghép gan từ năm 2005. Từ năm 2020, tổng số bệnh nhi được thực hiện ghép gan là 12 ca. Tuy nhiên, có một thời gian bệnh viện bị gián đoạn việc ghép gan nói riêng và ghép tạng nói chung do nhiều nguyên nhân liên quan như: nhân lực y tế, cơ sở vật chất, nguồn tạng hiến tặng, và công tác phẫu thuật các bệnh khác bị ảnh hưởng. Trong giai đoạn gián đoạn này, trung bình một năm chỉ thực hiện được một ca ghép gan.
Từ sau đại dịch COVID-19, chỉ trong vòng hai năm 2022-2024, đã có 24 ca ghép gan được thực hiện, nâng tổng số ca ghép tạng lên 36. Hiện nay, tại Bệnh viện Nhi đồng 2, có khoảng 200 bệnh nhi đang chờ được ghép gan, con số này rất lớn so với số lượng ca ghép gan được thực hiện suốt những năm qua. Vì vậy, việc có một trung tâm đầy đủ điều kiện ghép tạng đã mở ra cơ hội sống cho các bệnh nhi.
"Nhu cầu ghép gan luôn cao, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức. Mục tiêu đến ngày 30/4/2025 bệnh viện sẽ hoàn thành 50 ca ghép gan cho bệnh nhi suy gan", Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hồng Vân Khánh cho hay.
Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Thanh Trí, Trưởng Khoa ghép Gan mật tụy, Bệnh viện Nhi đồng 2 Tp.HCM cho biết, đối với bệnh nhi bị suy thận và có chỉ định ghép thận nhưng chưa có nguồn thận ghép vẫn có thể duy trì bằng cách chạy thận nhân tạo. Tuy nhiên, đối với bệnh nhi ghép gan, nếu không được ghép sớm và kịp trong giai đoạn vàng, bệnh nhi có thể không chờ được và tử vong. So với các nước trên thế giới, tỉ lệ bệnh nhi tử vong do chưa được ghép gan tại Việt Nam lớn hơn nhiều.
Một trường hợp ghép gan hiếm gặp
Cũng trong buổi chia sẻ, các y bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 thông tin về một trường hợp ghép gan hiếm gặp.
Bệnh nhi được chẩn đoán mắc hội chứng hiếm gặp Budd – Chiari hiếm gặp khi một triệu dân mới xảy ra 1-2 trường hợp. Bệnh nhi 3 tuổi sống tại Bình Thuận, năm 2021, nhập viện trong tình trạng xuất huyết tiêu hóa liên tục, bụng báng, suy dinh dưỡng nặng. Các kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh cho thấy trẻ bị tắc hoàn toàn tĩnh mạch chủ dưới, xơ gan, nhu mô gan thoái hóa, xuất huyết.
Bệnh tình bệnh nhi diễn tiến rất nặng, nhiều đợt xuất huyết tiêu hóa, phải truyền một lượng máu lớn, gần như thay toàn bộ máu. Bệnh nhi suy dinh dưỡng nặng, xơ gan, suy gan.
Sau khi chẩn đoán mắc hội chứng hiếm gặp, bệnh nhi phải điều trị nội khoa 2 năm. Đến năm 2024, trẻ tương thích với gan của mẹ là chị H.T.T.T. (22 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận) và được chỉ định ghép gan, ca phẫu thuật thực hiện thành công vào ngày 1/7. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, các bác sĩ ghép gan cho trẻ bị hội chứng Budd – Chiari, còn trước đó ghép chủ yếu cho trẻ teo đường mật bẩm sinh.
Ngày 10/7, bệnh nhi đã tỉnh táo, tự ăn uống, các chỉ số dần ổn định, tiếp tục theo dõi trong phòng cách ly chăm sóc sau mổ. Người mẹ còn đau nhẹ vết mổ, song đã có thể trở lại các sinh hoạt đời thường, túc trực ở viện chăm con.
Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, tháng 4/2024, Bộ Y tế thẩm định và công nhận Bệnh viện Nhi đồng 2 là cơ sở y tế đủ điều kiện để thực hiện kỹ thuật lấy, ghép thận, gan từ người hiến sống và từ người hiến chết não. Hiện nay, bệnh viện tự tin về hệ thống phòng mổ đạt chuẩn quốc tế, bác sĩ liên tục được đào tạo ở nước ngoài, làm chủ hầu hết các công đoạn ghép tạng.
Bên cạnh đó, công tác ghép tạng còn có sự hỗ trợ của các Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược Tp.HCM và các chuyên gia quốc tế. Hiện tại, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã triển khai ghép gan, ghép thận, ghép tế bào gốc. Trong thời gian tới, trung tâm ghép tạng hình thành, bệnh viện sẽ hướng đến ghép tim.