Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp theo hướng chất lượng
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1212/QĐ-TTg ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kế hoạch này nêu rõ các chương trình, dự án triển khai thực hiện quy hoạch; kế hoạch sử dụng đất; nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực để thực hiện quy hoạch.
Cụ thể, về các dự án đầu tư công, tỉnh Đắk Lắk tập trung triển khai các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, có tính kết nối liên vùng.
Đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, hạ tầng giao thông nông thôn; hạ tầng phát triển công nghiệp; hạ tầng thông tin và truyền thông; hạ tầng lưới điện; hạ tầng cấp nước, thủy lợi; hạ tầng số; hạ tầng kỹ thuật tại các trung tâm đô thị,... để thu hút các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả.
Tỉnh dành nguồn lực để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Tập trung bố trí vốn đối ứng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án sử dụng vốn ODA.
Bên cạnh đó, quan tâm thực hiện các dự án hạ tầng phát triển du lịch; trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh; đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao quan trọng; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất y tế, giáo dục và đào tạo; đầu tư cơ sở bảo trợ xã hội, an sinh xã hội; đầu tư hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ phòng cháy chữa cháy, quốc phòng, an ninh.
Đối với các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, tỉnh tăng cường huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế, xã hội của tỉnh nhằm phát huy tối đa hiệu quả các công trình hạ tầng đầu tư công.
Tỉnh Đắk Lắk thu hút đầu tư phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, thân thiện với môi trường; tăng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện hữu và đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới.
Ngoài ra, tỉnh cũng ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như: công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và sản xuất năng lượng tái tạo quy mô lớn; hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Đồng thời, phát triển dịch vụ - đô thị, dịch vụ tài chính - ngân hàng, bưu chính viễn thông, logistics có trọng tâm, trọng điểm; thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có năng lực, kinh nghiệm để đầu tư vào các khu du lịch dựa trên các thế mạnh về du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái gắn với lịch sử, văn hóa, tâm linh.
Tỉnh Đắk Lắk chú trọng đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp; thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái, du lịch trải nghiệm...
Nỗ lực tháo gỡ các rào cản về cơ chế, chính sách
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Võ Ngọc Tuyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong thời gian tới, để hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra thì việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư là rất quan trọng.
Do đó, Đắk Lắk sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tham mưu tháo gỡ các rào cản về cơ chế, chính sách và hoàn thiện các quy định của pháp luật, tăng cường phân cấp, phân quyền nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành.
Tỉnh triển khai có hiệu quả nhiệm vụ được giao tại Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột.
Đồng thời, làm tốt công tác quy hoạch, làm cơ sở xác định kế hoạch đầu tư phát triển cho từng thời kỳ và cho từng năm nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Tỉnh Đắk Lắk triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo phù hợp với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng Tây Nguyên để phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh đặc thù của tỉnh.
Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, xác định mũi nhọn thu hút đầu tư, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư để xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư hàng năm và cho từng thời kỳ; xây dựng và công bố các danh mục dự án thu hút đầu tư để làm cơ sở các nhà đầu tư quan tâm đề xuất thực hiện dự án; thực hiện có hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư.
Tỉnh cũng tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu kết nối giao thông giữa tỉnh Đắk Lắk, các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh Duyên hải miền Trung, miền Đông Nam bộ và quốc tế. Trong đó, chú trọng đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án trọng điểm để thúc đẩy liên kết vùng.
Ông Võ Ngọc Tuyên cũng cho biết, tỉnh sẽ nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động xúc tiến đầu tư, chuẩn hóa trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phụ trách công tác xúc tiến đầu tư. Chủ động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Đồng thời, chú trọng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án nhằm khuyến khích doanh nghiệp tái đầu tư và mở rộng sản xuất.
Ngoài ra, tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ cùng những điều kiện hỗ trợ tốt nhất của tỉnh. Đồng thời, phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu áp dụng các chính sách đặc thù đối với những dự án có quy mô lớn...
Tỉnh Đắk Lắk được xác định có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên cũng như quốc phòng an ninh quốc gia. Nằm trong tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam, Đắk Lắk được xác định là "một cực phát triển của khu vực này". Tài nguyên đất là một trong những lợi thế lớn của tỉnh, với hơn 660.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có đất bazan chiếm hơn 40%, phù hợp với trồng các loại cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu, sầu riêng, cây ăn trái, rau củ quả, dược liệu.
Hiện tại, Đắk Lắk có 1 khu công nghiệp và 9 cụm công nghiệp đang hoạt động. Bên cạnh đó, có 1 khu công nghiệp và 9 cụm công nghiệp đang chuẩn bị đầu tư, đảm bảo cho nhu cầu sử dụng đất của các nhà đầu tư.
Tỉnh còn có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo. Cụ thể, phát triển điện gió đạt quy mô công suất khoảng 10.000MW; điện mặt trời đạt quy mô công suất khoảng 16.000MWp...
Đắk Lắk cũng nổi bật với tiềm năng du lịch đa dạng cả về tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn.
Khánh Ngọc