Dự án xanh còn dàn trải, phân mảnh
Sáng 10/9, tại Diễn đàn "Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh", ông Lê Hoàng Lân, Chuyên viên chính Vụ Tài chính, tiền tệ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam hiện đang đặt ra những mục tiêu rất cao, đó là đến năm 2050 giảm phát thải ròng carbon bằng 0; quy mô nền kinh tế xanh từ 6,7 tỷ USD năm 2020 lên đến 300 tỷ USD trong tổng GDP quốc gia vào năm 2050.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam cần nhiều bước đi đột phá, đặc biệt thu hút sự đồng hành của khu vực kinh tế tư nhân bởi xanh hóa nền kinh tế là sự chuyển đổi về tư duy và chính sách toàn diện, cần có lộ trình cụ thể và các nguồn lực được đảm bảo huy động đầy đủ.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần khối lượng vốn đầu tư khoảng 370 tỷ USD để đáp ứng với yêu cầu tăng trưởng xanh, trong đó vai trò đóng góp của khu vực doanh nghiệp tư nhân là hết sức quan trọng.
Trước xu hướng tiêu dùng xanh, để không bị loại ra trong chuỗi cung ứng toàn cầu, sản xuất xanh đang trở thành một trong những mô hình được nhiều doanh nghiệp Việt Nam hướng tới.
Tuy nhiên, ông Lân cũng nhận định, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi xanh. Các dự án xanh hiện tại còn dàn trải, phân mảnh, chủ yếu được tổ chức theo từng bộ, ngành, lĩnh vực, thiếu cơ chế hỗ trợ xuyên suốt cho các công nghệ xanh mới và đột phá.
Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp đầu tư gặp khó khăn trong quá trình cập nhật thông tin phân tích thị trường, khó đưa ra lựa chọn dự án và địa điểm phù hợp, hạn chế trong việc hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp khác để phối hợp triển khai các dự án trọng điểm.
Vì vậy, làm chậm quá trình chuyển giao công nghệ, đặc biệt đối với các công nghệ và các lĩnh vực ưu tiên, giảm động lực của doanh nghiệp và những cá nhân muốn tham gia vào các sáng kiến xanh, dẫn đến chậm trễ trong việc hình thành một hệ sinh thái kinh tế xanh toàn diện.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn khá khó khăn về vốn để có nguồn lực mở rộng sản xuất, từng bước trở thành doanh nghiệp xanh. Hằng năm, mỗi doanh nghiệp yêu cầu quy mô vốn đầu tư cho máy móc, công nghệ, nhưng nguồn vốn vay từ ngân hàng với lãi suất ưu đãi, hay từ quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo vẫn rất khiêm tốn với nhu cầu của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp chưa thực sự hiểu rõ về tiêu chí "xanh"
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Diệp Thị Kim Hoàn, Giám đốc phát triển bền vững Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C chia sẻ, thách thức đối với các đơn vị hiện nay là thiếu thông tin về các đơn vị cấp tín dụng xanh, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đồng thời, chi phí tài chính thực tế cao: lãi suất, phí bảo lãnh, phí xử lý hồ sơ; tiêu chí dự án xanh chưa cụ thể, rõ ràng, khác nhau giữa các đơn vị cấp tín dụng. Một số các quỹ tín dụng xanh thường không chấp nhận tài sản đảm bảo, doanh nghiệp cần có bảo lãnh ngân hàng.
Các dự án quy mô nhỏ (dưới 30 triệu USD) khó tiếp cận vốn vay nước ngoài, rủi ro về chênh lệch tỉ giá do ngân hàng quốc tế không có dịch vụ chênh lệch tỉ giá.
Bà Kim Hoàn cho rằng, cần phát triển khung pháp lý với các tiêu chí đánh giá dự án xanh rõ ràng, có các chính sách hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ như ưu đãi lãi suất, gia hạn thời gian trả nợ, bảo lãnh tín dụng cho các dự án xanh, thủ tục đơn giản.
Thêm vào đó, cần tạo quỹ đầu tư xanh để hỗ trợ tài chính cho các dự án của doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, hạ tầng dựa theo tự nhiên (nature-based infrastructure).
Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể liên kết với các tổ chức quốc tế, tham gia vào các dự án hợp tác hoặc nhận tận dụng các chương trình hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế như World Bank, IFC hoặc ADB.
Về phía quỹ đầu tư, trong quá trình vận hành, ông Quan Đức Hoàng, Thành viên HĐQT Công ty Quản lý quỹ Amber, Chủ tịch Quỹ đầu tư A+ nhận thấy một trong những thách thức chính là nhiều doanh nghiệp chưa thực sự hiểu rõ về tiêu chí "xanh" trong ngành nghề của mình. Để mang đến sự đa dạng trong lựa chọn cho cả quỹ đầu tư và doanh nghiệp, hiện nay đa phần các quỹ đầu tư đều có bộ tiêu chí riêng.
Tuy nhiên, để có thể kết nối và nhận được đầu tư từ các quỹ, các doanh nghiệp cần xác định rõ lộ trình phát triển cũng như nhu cầu của doanh nghiệp, tìm hiểu kỹ các quy định và tiêu chí của các quỹ trước khi hợp tác.
Ông Hoàng cho rằng, để nâng cao năng lực và khả năng tiếp cận nguồn vốn xanh, các chủ doanh nghiệp và giám đốc tài chính cần nắm rõ tiêu chí xanh của ngành mình trước khi tìm đến các quỹ tài chính xanh.