Tổng thống đắc cử Donald Trump đã luôn bày tỏ sự ngưỡng mộ Tổng thống Nga Vladimir Putin. Điều này càng trở nên rõ ràng hơn trong tuyên bố sẽ hàn gắn quan hệ rạn nứt giữa Mỹ và Nga gần đây.
Tuy nhiên trong thời điểm hiện tại, với việc mang danh nghĩa khác nhau trong cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, cả hai đang có rào cản lớn cho việc trở thành đồng minh.
Tháng 9/2014, chính quyền Obama đã quy tụ một liên minh quân sự nỗ lực cho mục tiêu kép ở Syria: đánh bại IS đang tràn ngập trên khắp lãnh thổ và tiến tới lật đổ chính phủ hợp pháp của Tổng thống Bashar al-Assad.
Phương Tây không triển khai lực lượng của mình quá nhiều tại đây, thay vào đó sức mạnh của liên minh được tập trung vào việc cung cấp đào tạo, hỗ trợ về hậu cần và yểm trợ cho các lực lượng chiến đấu "ôn hòa" vừa chống IS vừa chống Assad, mà nổi bật trong đó là Quân đội Syria Tự do (FSA).
Về phía Damacus, quân đội chính phủ được hỗ trợ bởi vệ binh Cách mạng Iran và kể từ 2015, Nga đã chính thức sử dụng nguồn lực quân sự mạnh mẽ của mình để hậu thuẫn cho chính quyền Tổng thống Assad trong giải quyết cuộc xung đột đẫm máu ở quốc gia này.
Với việc Mỹ nhập nhằng giữa cái gọi là "nhóm đối lập ôn hòa" với "phe khủng bố", các cuộc không kích của Nga nhắm vào các mục tiêu này tiếp tục là cái cớ để Washington lên tiếng chỉ trích, bất chấp phía Moscow đã luôn yêu cầu Mỹ nhanh chóng có sự tách bạch rõ ràng.
Vì vậy, với việc Nga hậu thuẫn cho quân chính phủ trong khi liên minh do Mỹ dẫn đầu hỗ trợ cho lực lượng đối lập, có thể nói Nga và Mỹ có sự đối địch rõ ràng ở Syria. Nhưng đến hiện tại Donald Trump là người muốn dừng lại tất cả điều này.
Quan điểm xuyên suốt của Mỹ luôn nói rằng để chấm dứt cuộc chiến phức tạp và đa diện ở Syria, ông Assad cần phải rời khỏi chiếc ghế quyền lực và một cuộc bầu cử dân chủ cần diễn ra. Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử Mỹ lại có một lập trường khác.
Thực tế ai cũng biết được rằng lực lượng Hồi giáo cực đoan dòng Sunni có mặt trong hàng ngũ của FSA, và trong một cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal hôm 11/11, ông Trump đã bày tỏ hoài nghi về cái gọi là "tính dân chủ" của nhóm này.
"Chúng tôi đang hậu thuẫn cho quân nổi dậy ở Syria", ông nói, "và chúng tôi chẳng biết họ là những người như thế nào". Đồng thời ông cho biết mình "không thích (Assad) ở nhiều điều", nhưng lại cho rằng "củng cố chính phủ hiện tại" là cách tốt nhất để ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan đang phát triển mạnh mẽ trong sự hỗn loạn của cuộc xung đột.
Donald Trump lập luận từ thời điểm này Nga đã hoàn toàn là đồng minh của Syria, nếu Mỹ tiếp tục tấn công Assad "chúng ta sẽ phải kết thúc bằng một cuộc chiến với Nga".
Ông cũng thừa nhận chính sách kém hiệu quả của Tổng thống Obama tại Trung Đông đã để lại một khoảng trống quyền lực mà ông Putin nhanh chóng lấp đầy.
Theo bình luận viên Neville Teller từ Jerusalem Post, ông Trump ngưỡng mộ sự táo bạo trong ngoại giao và quân sự của Tổng thống Putin, và dường như sẵn sàng cho phép nhà lãnh đạo Nga tiếp tục tận hưởng những thành quả trong cuộc phiêu lưu của mình.
Sự hiện diện ở Syria là một phần nỗ lực cân bằng lại sức ép từ các biện pháp trừng phạt và ngoại giao lạnh từ phương Tây sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Bằng cách gây ảnh hưởng và tạo dựng quyền lực ở Trung Đông, ông Putin đã đạt được một vị thế mà ở đó phương Tây chỉ biết đứng nhìn lợi ích của mình trôi khỏi tầm tay.
Syria là một bước đi chiến lược "một mũi tên trúng nhiều đích" của ông Putin, khi việc duy trì chính phủ Assad nắm quyền chính là bảo vệ lợi ích quân sự và thương mại lâu đời của Nga ở Syria.
Quan trọng nhất trong số này là các cơ sở hải quân tại Tartus, con đường duy nhất của Nga tới Địa Trung Hải - sắp trở thành một căn cứ Hải quân nước ngoài chính thức của Nga.
Ngoài ra, ông Putin cũng đang bảo vệ trung tâm chiến lược cho các hoạt động quân sự của Nga tại Syria - căn cứ không quân Hmeymim gần Latakia.
Tuy nhiên, có một sự đối lập đang ngăn cản trục Trump-Putin" được hình thành.
Nga coi Iran là một đồng minh thân cận trong nỗ lực hậu thuẫn cho chính phủ Assad. Ngược lại Donald Trump là nhân vật phê bình Iran kịch liệt, đặc biệt là thỏa thuận hạt nhân gần đây giữa Washington và Tehran (ông từng mô tả là "thỏa thuận ngu ngốc nhất mọi thời đại").
Không chỉ vậy, nội các chính quyền mới của Trump với những gương mặt như Jeff Sessions - Bộ trưởng Tư pháp từng là người bỏ phiếu chống lại thỏa thuận hạt nhân nói trên tại Thượng viện. Trong khi nghị sĩ Mike Pompeo, người được chọn là giám đốc CIA lại chính là nhân vật điều tra cuộc đàm phán bí mật giữa chính quyền Obama với Tehran.
Trong ngắn hạn, hợp tác Putin với Donald Trump là rất khó khăn khi Tổng thống Nga luôn dành tình cảm đặc biệt tới lãnh đạo tối cao của Iran - Ayatollah Khamenei - người mà đồng minh của Washington là Ả Rập Xê Út và các nước vùng Vịnh coi là "kẻ thù tồi tệ nhất".
Tuy nhiên đây chỉ là sự máy móc quá mức của người Mỹ, khi ngược lại ông Putin thể hiện chính sách của mình luôn rạch ròi.
Mặc dù cung cấp cho Iran khí tài quân sự trị giá hàng tỷ đô la, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc Moscow ngả theo Tehran trong mâu thuẫn với Israel. Ngược lại, ông Putin dường như có ý định mở rộng ảnh hưởng của Nga hơn nữa ở quốc gia Do Thái này.
Đặc biệt khi Nga vừa được ký kết với Israel cho phép mua độc quyền ba triệu tấn khí tự nhiên hóa lỏng mỗi năm từ mỏ khí ngoài khơi Tamar của Israel.
Hơn nữa ông Putin đã gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không dưới năm lần trong năm qua. Ông thể hiện sự ủng hộ với Israel không thua kém những gì ông Trump tuyên bố.
Nếu giải quyết được hết các mâu thuẫn nói trên và một thỏa thuận Mỹ-Nga đạt được trong cuộc xung đột Syria; một nỗ lực thúc đẩy hòa bình Israel-Palestine, cũng như giải quyết các vấn đề nổi cộm hiện tại của Trung Đông - viễn cảnh kết hợp Trump-Putin có thể mang lại hiệu quả cho an ninh toàn cầu nhiều hơn các chính sách của chính quyền Obama trong hai nhiệm kỳ qua, Neville Teller kết luận.
Quốc Vinh