Thuở nhỏ, tôi đã không cầm được nước mắt khi nghe bà ngoại kể câu chuyện về Ngưu Lang, Chức Nữ.
Tuy nhiên, đó là nhận thức của tôi lúc nhỏ. Khi đã chủ động được sự tư duy và nghiên cứu của mình, tôi đã có một cái nhìn hoàn toàn khác về câu chuyện tình Ngưu Lang – Chức Nữ.
Chắc hẳn với lối mòn tư duy và tâm lí đám đông, chúng ta vẫn mặc nhiên câu chuyện ông Ngâu, bà Ngâu là một trong những điển tích tình yêu trong văn hóa Á Đông và đương nhiên, nó sẽ trở thành một câu chuyện tình, một tượng đài cho bất cứ cô gái/chàng trai nào tôn sùng tình ái.
Câu chuyện về Ngưu Lang, Chức Nữ có rất nhiều phiên bản, dị bản. Tôi sẽ không kể tường tận cốt truyện từng dị bản đó ra sao bởi ai cũng có thể tìm và đọc trên mạng. Tôi chỉ xin phép liệt kê và bình luận về những chi tiết “gai mắt” khiến cho chuyện tình đó không còn “mượt mà” (ít nhất là trong mắt của tôi.)
Theo phiên bản Việt Nam, sau khi đã chia cách đôi uyên ương Ngưu Lang và Chức Nữ, Ngọc Hoàng vì thương tình nên đã lệnh cho làm một cây cầu bắc qua sông Ngân để Ngưu Lang và Chức nữ được gặp nhau vào dịp tháng bảy âm lịch. Tuy nhiên, những người thợ xây cầu làm chậm trễ, đến hạn mà cầu vẫn chưa xong nên Ngọc Hoàng đã bắt tội các phường thợ mộc hóa kiếp làm quạ, lấy đầu để sắp lại làm cầu cho đôi uyên ương đi qua.
Không dừng lại ở đó, Ngưu Lang và Chức Nữ đi lên cầu, thấy một đám đen nhung nhúc ở dưới chân, lấy làm khiếp sợ nên đã lệnh cho đàn chim mỗi khi lên trời làm cầu phải nhổ sạch lông ở đầu mới được bay lên.
Chúng ta nên nhớ, trước khi là quạ thì những người thợ mộc xây cầu cùng từng là người. Và đương nhiên, họ cũng có gia đình, có hoài bão, có những điều ước hẹn với người thương. Vậy mà chỉ vì một cuộc gặp gỡ của một đôi tình nhân mà bao đôi nhân tình khác phải chịu cảnh chia lìa, khổ sở.
Dù biết chi tiết “bắt quạ nhổ hết lông ở đầu” cũng chỉ là sự lí giải khiên cưỡng cho một hiện tượng tự nhiên nhưng khi “áp” vào câu chuyện này, nó đã vô tình bóp méo đi cái đẹp của tình yêu và làm “hài kịch hóa” một câu chuyện tình đã trở thành điển tích.
Thử tưởng tượng nét mặt của Ngưu Lang và Chức Nữ khi gặp nhau, đôi mắt họ ánh lên những hạnh phúc, nụ cười pha lẫn với nước mắt nhưng khuôn miệng lại chúc xuống bởi sự ghê tởm. Hai người vừa lao đến nhau cùng sự thèm khát tình yêu, lại vừa phải nhón người vì những “thứ ghê tởm” dưới chân mình. Chỉ tưởng tượng thôi đã thấy mối tình đó... hài hơn bi.
Ở phiên bản Trung Quốc, ý nghĩa của cây cầu Ô Thước không “hài hước” như phiên bản Việt Nam nhưng xuất phát điểm của tình yêu lại khá... không nghiêm túc. Chàng chăn bò đã lấy trộm váy áo của các nàng tiên và vì nhìn thấy thân thể trần tục của Chức Nữ nên người đã kết hôn với nhau.
Có thể nhiều người sẽ so sánh câu chuyện này với mối tình của Tiên Dung và Chử Đồng Tử. Bởi hai câu chuyện đều có điểm tương đồng đó là nhân vật nam và nữ đến với nhau đều vì lí do khiên cưỡng (nhìn thấy thân thể trần tục của nhau). Đó là phương diện hình thức, còn về bản chất thì hai câu chuyện lại khác nhau hoàn toàn. Vì hiếu thảo, vì tình thế khó cưỡng nên nhân duyên đã xếp đặt Chử Đồng Tử đến với Tiên Dung. Còn với Ngưu Lang, có lẽ anh ta phải cảm ơn sự “hiếu động” của bản thân mình.
Đúng là quan niệm về tình yêu, về hôn nhân mỗi thời mỗi khác. Vả lại, câu chuyện về Ngưu Lang, Chức Nữ chỉ đơn thuần là một sự tích nhằm giải thích về những hiện tượng tự nhiên trong tháng bảy âm lịch.
Và có lẽ, với tư duy của thời đại mới, chúng ta cũng chỉ nên coi sự tích đó là sự tích lí giải về hiện tượng tự nhiên chứ đừng coi hình tượng Ngưu Lang và Chức Nữ là tượng đài của tình yêu bất diệt. Càng không nên coi cầu Ô Thước là biểu tượng của sự gặp gỡ. Bởi cây cầu đó, đúng ra phải là sự chà đạp lên hạnh phúc và ngoại hình của “kẻ khác”.
Tôi không mong có ai đợi tôi bên cầu Ô Thước, tôi chỉ mong không có bất cứ cây cầu Ô Thước nào...
Trịnh Nguyên
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả