Bùng phát dịch tại nhiều hộ chăn nuôi lớn nhỏ
Theo thông tin từ các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và cung ứng vắc xin lở mồm long móng (LMLM) gia súc lớn ở nước ta, khoảng vài tuần trở lại đây các đơn đặt hàng vắc xin của các địa phương chăn nuôi gia súc tăng đột biến.
Ghi nhận của Dân Trí tại huyện Kim Bảng thuộc tỉnh Hà Nam, hầu như các xã nằm dọc con sông Nhuệ hiện nay như Nhật Tựu, Hoàng Tây, Nhật Tân… đều có hiện tượng lợn chết bất thường. Trong đó, tâm điểm là xã Hoàng Tây. Một số gia đình khẳng định rất nhiều trại lợn trong xã vừa qua đã mắc bệnh LMLM, điển hình như đàn lợn hơn 300 con của bà Vũ Thị Vân – người dân xóm Đông, hay đàn lợn 100 con của ông Nguyễn Văn Lễ - người dân thôn Yên Phượng.
Khi được hỏi về cách xử lý số lợn bệnh, bà Vân thừa nhận gia đình đã không báo chính quyền địa phương và ngành thú y mà tự xử lý. Bà Vân dùng thuốc kháng sinh cho người, trộn với xanh Methylen bôi vào chân, mõm lợn. Chưa ăn thua, bà Vân tiếp tục dùng chanh, khế, vắt lấy nước bôi vào các vết thương cho lợn, mỗi ngày lặp lại một lần. Với 60 con lợn chết, gia đình bà đem các con nhỏ đi chôn hoặc nấu cho chó ăn, loại to hơn bán giá rẻ cho thương lái.
Gia đình ông Lễ thì chôn lợn và ném xuống bể biogas để ủ thành phân bón, nhưng cũng không báo cáo với chính quyền. Sau đó có 1 đoàn cán bộ địa phương đến kiểm tra, nhưng cũng chỉ cấp cho gia đình 2 lọ thuốc sát trùng rồi về.
Công tác phòng chống còn nhiều lỗ hổng
Không phải vô cớ mà người nông dân lại giấu giếm chuyện bùng phát dịch bệnh. Ông Lễ chia sẻ với báo Nông Nghiệp Việt Nam, cho biết chăn nuôi hàng chục năm, gia đình ông chưa được hỗ trợ lấy 1 lọ vắc xin LMLM nào. Nhiều lần gặp cán bộ thú y xã, ông Lễ xin hỗ trợ vắc xin nhưng chưa bao giờ thành hiện thực. Gia đình ông và các hộ chăn nuôi ở Hoàng Tây cũng chưa bao giờ nghe nói về chính sách hỗ trợ người dân tiêu hủy lợn dịch.
Trả lời phỏng vấn về dịch bệnh LMLM tại địa phương mình, các cán bộ lãnh đạo xã Hoàng Tây khẳng định xã không có dịch, tỉnh hỗ trợ vắc xin đầy đủ.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, PGĐ Sở NN-PTNT Hà Nam cho biết, tỉnh luôn quan tâm tới công tác an toàn dịch bệnh trên vật nuôi, đặc biệt là lợn và bò sữa. Những năm qua, tỉnh luôn bố trí cấp cho các địa phương 3 loại vắc xin là bệnh LMLM, tả và dại. Riêng về con lợn, vắc xin được cấp phát tiêm đầy đủ cho đàn lợn nái và đực giống. Theo ông thông tin người dân không được cấp phát vắc xin là không chính xác. Nguyên nhân của các thông tin trái ngược này hiện vẫn đang chờ được các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ.
Số lượng ổ dịch LMLM trên thực tế chắc chắn là lớn hơn rất nhiều so với số liệu cập nhật của Cục Thú y trên website Cucthuy.gov.vn (thời điểm ngày 25/12, cả nước chỉ có 5 ổ dịch ở huyện Ba Vì, Hà Nội và 1 ổ dịch ở phường Vân Dương, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Lý do là vì khi xuất hiện thông tin có ổ dịch ở địa phương nào thì người dân ở vùng đó rất khó bán lợn, hoặc có bán được cũng bị thương lái ép giá. Cộng thêm các công đoạn khai báo rườm rà trong thủ tục hành chính, thường thường, các địa phương sẽ không công bố dịch nếu chỉ xuất hiện một số ổ nhỏ lẻ. Việc này gây nhiều khó khăn cho khâu dập dịch, tạo nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng.
Trôi nổi vắc xin LMLM giả trên thị trường
Trên thực tế, theo phản ánh của nhiều người dân, đã có không ít trường hợp sử dụng vắc xin lở mồm long móng để tiêm phòng cho đàn gia súc, nhưng vật nuôi vẫn bị nhiễm bệnh và chết. Ở bao bì các vắc xin này ghi rõ là do công ty Merial (Pháp) sản xuất. Được biết, các loại vắc xin lở mồm long móng có tên gọi Aftopor typ 0 và Aftopor 2 typ O,A (chai 50 ml, 25 liều); cung ứng bởi công ty Merial đang chiếm thị phần lớn nhất trong các dòng sản phẩm vắc xin lở mồm long móng nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo thông báo của Công ty CP Thuốc Thú y Trung ương NAVETCO (thuộc Bộ NN-PTNT) gửi Chi cục Chăn nuôi & Thú y các tỉnh, thành phố vào ngày 20/12/2018, gần đây, thông qua hệ thống giám sát sản phẩm của công ty và phản ánh của khách hàng, vắc xin lở mồm long móng Aftopor typ 0 và Aftopor 2 typ O,A (chai 50 ml, 25 liều) đã bị làm giả và có lưu hành trên thị trường ở một số tỉnh, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc. Đây là việc làm không được phép và gây ảnh hưởng xấu đến nhà sản xuất, nhà cung ứng, cơ quan quản lý chuyên ngành cũng như làm thiệt hại lớn cho người sản xuất vắc xin.
Theo cập nhật thống kê của Cục Thú y, đến ngày 23/12/2017, tại các kho của các công ty nhập khẩu vắc xin LMLM, số lượng vắc xin còn khoảng 8,7 triệu liều các loại; được nhập khẩu và phân phối bởi các công ty NAVETCO, VETVACO và AMAVET. Trong lúc dịch bệnh LMLM đang có nguy cơ bùng phát trên diện rộng ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi, bà con sử dụng hai loại vắc xin Aftopor typ 0 và Aftopor 2 typ O,A (chai 50 ml, 25 liều) cần hết sức thận trọng.
Bá Di (Tổng hợp)