Dự án phải gia hạn do thiết kế ban đầu không phù hợp hiện trạng
Dự án kè sông Nậm Mộ, thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An được HĐND tỉnh ra quyết định đồng ý chủ trương đầu tư vào tháng 8/2022, với tổng nguồn vốn 100 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương. Dự kiến sẽ triển khai năm 2022 và hoàn tất một năm sau đó.
Ban đầu, dự án được giao cho UBND huyện Kỳ Sơn làm chủ đầu tư. Công trình hướng đến mục tiêu bảo đảm an toàn tài sản và tính mạng cho khoảng 400 hộ dân tại thị trấn Mường Xén, cũng như bảo vệ một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu như Quốc lộ 7A, hệ thống trường học…
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt là hậu quả của trận lũ quét xảy ra vào đầu tháng 10/2022 đã gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản; làm thay đổi lưu vực lòng sông Nậm Mộ. Vậy nên phương án thiết kế khả thi do UBND huyện Kỳ Sơn trình thẩm định trước đó không còn phù hợp với hiện trạng hai bên bờ sông.
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi thì tuyến kè bờ sông Nậm Mộ có tổng chiều dài 2.420m. Do điều kiện địa hình, thời tiết của huyện Kỳ Sơn khá bất thuận (độ dốc cao, thường xuyên xảy ra thiên tai, mưa bão…), vì thế đòi hỏi phải xây dựng giải pháp kỹ thuật sát với thực tiễn.
Điều này buộc các cấp, các ngành phải tiến hành khảo sát, đánh giá lại hiện trạng và tính chất phức tạp của dòng chảy, mức độ nguy hiểm của lũ ống, lũ quét trong bối cảnh biến đổi khí hậu để đưa ra phương án thiết kế mới.
Với tính chất quan trọng, bức thiết của công trình dự án này, trên cơ sở kiến nghị, đề xuất của tỉnh Nghệ An, Trung ương đã đồng ý cho gia hạn, kéo dài nguồn vốn thực hiện dự án này đến hết tháng 12/2024.
Dự án chuyển đổi chủ đầu tư cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An.
Theo kế hoạch, phần kè phía thượng lưu cầu Mường Xén sẽ bố trí kết cấu mái nghiêng bằng tấm lát bê tông cốt thép, nối liền từ kè hiện trạng vào đúng mố cầu.
Phần kè hạ lưu có kết cấu dạng tường đứng kết hợp mái nghiêng. Bề mặt đỉnh kè nối tiếp bờ được gia cố bằng đá cuội, đá hộc. Lưng kè được đắp đất, đầm chặt. Chân tường gia cố bằng rọ đá chắc chắn nhằm chống sạt lở, xói mòn.
Bên cạnh đó, trên tuyến xây dựng 7 cống thoát nước qua thân kè. Cống được kết cấu bằng bê tông cốt thép mác 250, nối tiếp với rãnh tụ thủy và cống thoát nước hiện trạng. Cũng theo kế hoạch này, dự án vào cuối năm 2024 sẽ hoàn thành.
Nguy cơ dự án tiếp tục chậm do mưa lũ
Tuy nhiên, qua khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An về việc triển khai thi công dự án vào trung tuần tháng 8/2024 vừa qua, đồng thời theo báo cáo từ Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An, khối lượng thi công tính đến ngày 17/9/2024 đang còn hạn chế, mới chỉ đạt 25%, tương đương 22,58 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An cho biết thêm, thời gian còn lại chỉ có 3 tháng theo gia hạn và việc triển khai thi công đang tiếp tục gặp khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng của thời tiết mấy ngày qua mưa lũ cùng với việc xả lũ của thủy điện ở thượng nguồn.
Theo ông Hưng, vào ngày 5/3/2024, UBND tỉnh có Quyết định số 480/QĐ.UBND về việc điều chuyển chủ đầu tư dự án kè Sông Nậm Mộ từ UBND huyện Kỳ Sơn sang Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An.
Sau khi được sở giao nhiệm vụ quản lý và thực hiện dự án, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chủ động đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đặc biệt là trong công tác đấu thầu xây lắp.
Dự án kè sông Nậm Mộ đoạn qua khối 4, khối 5, thị trấn Mường Xén được chia thành 4 gói thầu xây lắp, với tổng giá trị xây lắp là 87,17 tỷ đồng. Trong đó, gói thầu khởi công sớm nhất từ 8/5/2024 và gói thầu khởi công muộn nhất từ 7/6/2024.
Ngay sau khi khởi công, Ban quản lý dự án đã yêu cầu các đơn vị thi công tập trung nhân lực, vật tư, máy móc đẩy nhanh tiến độ thi công ngay từ sau khi khởi công, đảm bảo hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn được giao.
Tuy nhiên, do thời gian thi công trong mùa mưa và lũ ở miền núi (từ tháng 7 đến cuối tháng 9); vùng thượng nguồn mưa nhiều cùng với xả lũ của các nhà máy thủy điện làm mực nước trên sông dâng cao, có nhiều thời điểm vượt cao trình đỉnh đê quây, khiến nhà thầu không thể triển khai thi công.
"Trong thời gian mưa lũ, nhà thầu phải tập trung thi công và hoàn thiện tại các vị trí xung yếu, không thể thi công dàn trải để đảm bảo an toàn khi lũ về. Thậm chí, do có nhiều vị trí dễ sạt lở khi mưa lớn và thuỷ điện xả lũ, nên từ giữa tháng 8/2024 đến nay, nhà thầu thuộc gói thầu 05A chủ yếu gia cố các điểm sạt lở", đại diện ban quản lý cho biết.
Giám đốc Ban quản lý dự án còn cho biết thêm, ngoài yếu tố thời tiết, hầu hết tuyến kè thi công sát phạm vi nhà dân, trong đó, một số công trình, hố móng phải đào sâu mở rộng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro sạt lở.
Vậy nên quá trình thi công phải triển khai thêm các phương án xử lý, đảm bảo an toàn, như gia cố bờ sông bị xói lở, di dời trạm điện cung cấp cho VNPT, Bưu điện…
Với tính chất cấp bách của dự án và quy định nghiêm ngặt về sử dụng nguồn vốn đầu tư công, đồng thời nhận thức được những khó khăn trong quá trình thực hiện dự án, Ban quản lý dự án đang tiếp tục chỉ đạo các nhà thầu lập kế hoạch thi công cụ thể, chi tiết đối với từng hạng mục công trình;
Ngoài ra, bố trí phương án cung ứng vật tư đầy đủ đảm bảo không bị gián đoạn về vấn đề cung ứng vật tư trong quá trình thi công; Đồng thời, tăng cường thêm máy móc thiết bị, bổ sung thêm các mũi thi công để dồn toàn lực tăng cường làm ca, kíp triển khai thi công ngay sau khi mùa mưa lũ kết thúc vào cuối tháng 10 nhằm đảm bảo tiến độ thi công dự án.
Tuy nhiên, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An cũng thông tin thêm, trong trường hợp bất khả kháng do các nguyên nhân khách quan làm chậm tiến độ của dự án, tiếp tục kiến nghị các cấp xem xét gia hạn thêm thời gian thực hiện của dự án để hoàn thành mục tiêu dự án đề ra.