Sáng 6/3, trong buổi họp báo về vụ việc thầy Dương Trọng M. (chủ nhiệm lớp 5A, trường tiểu học Tiên Sơn) bị tố có hành vi dâm ô với nhiều nữ sinh, cơ quan công an cho rằng chưa đủ căn cứ để kết luận tội danh này.
Cơ quan điều tra cho rằng: "Ông M. chỉ véo tai, véo mũi, dí vai, sờ mông, sờ đùi, một số học sinh của lớp 5A, trường tiểu học Tiên Sơn. Ngoài ra, ông M. không có hành động nào khác".
Những hành động này, đặc biệt là với bé gái, có thể tác động tới trẻ như thế nào? BSCKI Lê Đào Nghĩa, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, cho hay những hành động đi quá xa như sờ mông, sờ đùi các bé gái rõ ràng là quấy rối, xâm hại tình dục.
Trẻ bị quấy rối sẽ có hai trường hợp xảy ra: Chưa ý thức được hành động đó là không đúng nên khá vô tư; hoặc các em đã đủ kiến thức, ý thức, trưởng thành để biết đó là hành động xâm phạm đối với mình.
Theo chuyên gia này, các em bị quấy rối, xâm phạm sẽ tạo thành một dấu ấn hằn sâu rất khó quên. Đặc biệt, những người có hành vi này lại là người rất thân như ông, bố, thầy giáo, bác sĩ,… Do đó, sự sợ hãi ám ảnh đối với các em sẽ càng tăng.
“Những đứa trẻ bị tổn thương chắc chắn ảnh hưởng tới sự phát triển tâm lý hiện tại và sau này. Đó là một chấn thương tâm lý tương đối nặng, có nguy cơ gây trầm cảm, lo âu, hoảng sợ. Về lâu dài, điều đó sẽ gây ảnh hưởng xấu tới khả năng giao tiếp, yêu đương và cuộc sống sau này của các em”, bác sĩ Nghĩa cảnh báo.
Theo TS tâm lý Vũ Thu Hương, bất kể người lớn nào cũng có thể nhận ra rằng sờ mông, sờ đùi, nói những câu dụ dỗ là hình thức kích dục người khác. Đây là hành vi kích dục trẻ em hoặc là để thỏa mãn khoái cảm lệch lạc của kẻ phạm tội.
Vì thế, việc cho rằng “sờ mông, đùi không phải dâm ô” thể hiện sự mâu thuẫn trong chính các khái niệm dâm ô và “vùng nhạy cảm”. Bởi vùng mông nằm trong khu vực mặc đồ lót, rõ ràng là thuộc bộ phận “nhạy cảm”.
"Với năng lực cảm nhận tốt hơn người lớn, khi bị người khác có hành động bất thường với mình như "sờ mông, sờ đùi", lập tức bọn trẻ sẽ nhận diện được. Chúng sẽ đột ngột cảm thấy bất an", bà Hương nhận định.
Lúc này, trẻ cũng có thể cảm nhận được rằng kẻ kia không tự chủ được vì đã uống rượu. Các em sẽ thấy hoảng hốt, lo lắng, đặc biệt là trẻ chưa có khi kinh nghiệm sống.
TS Hương cho rằng: "Các cháu sẽ không thể biết chuyện gì sẽ xảy đến trong tương lai. Chính vì vậy, trẻ sẽ cảm thấy sợ hãi hơn người lớn, những người có nhiều kinh nghiệm. Nếu điều này đến với trẻ từ người lạ, trẻ sẽ thấy chỉ việc chạy trốn là xong. Nhưng nếu điều này đến từ những người gần gũi, thân thiết với trẻ, các con sẽ cảm thấy hoảng hốt vô cùng".
Do đó, các chuyên gia khẳng định việc giáo dục giới tính cho trẻ cần được gia đình, nhà trường chú trọng. Các em cần được hướng dẫn để cấm không cho bất kể ai được động chạm vào khu vực kín trên cơ thể của mình. Nếu có vấn đề về sức khỏe cần thăm khám, trẻ em và cha mẹ phải đồng ý, bác sĩ mới được phép can thiệp khu vực nhạy cảm của bé.
Đặc biệt, TS Hương nhấn mạnh: "Theo tôi, mọi hành vi có biểu hiện kích dục hoặc có sự va chạm đến cơ thể trẻ em mà khiến trẻ cảm thấy hoảng sợ, khó chịu, đều phải được coi là hành vi dâm ô trẻ em. Ngay cả những lời nói kích dục, những lời dụ dỗ trẻ xem phim nóng cũng cần được coi là hành vi dâm ô. Như vậy, chúng ta mới tạm yên tâm là trẻ em sẽ được pháp luật bảo vệ khi gặp phải tình huống nguy hiểm".
Trang Dung (t/h)