Theo công bố của bộ Y tế, Trung Quốc đã ghi nhận gần 90 người chết vì dịch cúm gia cầm A/H7N9. Dù chủng cúm này chưa xâm nhập vào Việt Nam nhưng nguy cơ lây lan rất lớn. Nỗi lo gà từ “vùng dịch” có thể len lỏi vào các chợ đầu mối, chợ truyền thống đang khiến người dân bất an.
Không 1 con gà lậu nào “lọt” vào chợ gia cầm lớn nhất miền Bắc?!
PV báo Người Đưa Tin đã có mặt tại chợ gia cầm Hà Vĩ (huyện Thường Tín, TP.Hà Nội) để tìm hiểu về vấn đề kiểm dịch gia cầm, thủy cầm tại chợ đầu mối gia cầm lớn nhất miền Bắc này.
Ngay từ Quốc lộ 1A rẽ vào xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, chúng tôi đã bắt gặp rất nhiều xe máy, ô tô tải chở gia cầm, thủy cầm nườm nượp qua lại. Có lẽ, bất cứ người dân nào lưu thông trên con đường này đều không ít lần bị lông gà, lông vịt bay vào mặt vì các phương tiện chuyên chở không hề được che phủ.
Chúng tôi theo chân một chiếc xe tải chở thủy cầm đến cổng chợ Hà Vĩ. Ngay khi chiếc xe tải này vừa đến cổng chợ, hàng chục tiểu thương từ trong chợ ào ra đu bám lên thành xe. Một người nhảy từ trên xe xuống, đi vào chốt kiểm dịch rồi lên xe đi tiếp mà không hề đi vào chợ. Những người đang bám trên xe liền nhảy xuống. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng chưa đến 5 phút.
Trong chợ, tại các ki ốt, mọi hoạt động buôn bán diễn ra hoàn toàn bình thường sau ít phút tiểu thương nhao ra khi có xe hàng mới đến. Trao đổi với PV báo Người đưa tin, ông Lê Xuân Viết - Trưởng ban quản lý chợ Hà Vĩ cho biết: “Qua thông tin báo đài, chúng tôi được biết, tại Trung Quốc đã có 87 người chết về cúm A/H7N9. Loại cúm này lây từ gia cầm sang người. Dù ở Việt Nam chưa xuất hiện chủng cúm này nhưng nguy cơ lây lan dịch sang Việt Nam là rất cao.
Chi cục Thú y Hà Nội đã có chỉ đạo đến chúng tôi về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo. Chúng tôi đã tăng cường nhiều biện pháp để kiểm soát gia cầm, thủy cầm ra vào chợ. Hiện tại, chợ chúng tôi có 162 ki ốt, lượng gia cầm, thủy cầm được buôn bán qua chợ trung bình từ 40 – 50 tấn/ngày”.
Theo chia sẻ của ông Viết, mỗi ngày có 2 ca trực (ngày, đêm) của lực lượng công an, quản lý thị trường, thú y, ban quản lý chợ. Bốn cơ quan kiểm soát giấy tờ, nguồn gốc xuất xứ. "Bất cứ phương tiện nào ra vào chợ đều phải chạy qua một rãnh nước sát trùng, được phun thuốc khử trùng thành xe, lồng nhốt gia cầm, thủy cầm. Công tác dọn dẹp vệ sinh, khử trùng tại chợ được tăng cường lên 2 ca/ngày", ông Viết nhấn mạnh.
Trước nỗi lo của dư luận về việc gà từ “vùng dịch”, gà thải loại Trung Quốc “lọt” chợ đầu mối, ông Viết khẳng định: “Từ giữa năm 2012 đến nay không có một con gà lậu Trung Quốc nào lọt được vào chợ. Nguồn gà chủ yếu được giao dịch tại chợ là từ các tỉnh Bắc Giang, Nam Định, Vĩnh Phúc… thậm chí là từ các tỉnh miền Nam như Long An chở ra”.
Ông Viết cho biết thêm: “Cuối năm 2016, cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính 2 xe chở gia cầm không rõ nguồn gốc. Chủ xe chỉ xuất trình được giấy chứng nhận xuất xứ của xã nên không đủ điều kiện vào chợ. Trong khi đó, đối với trường hợp vận chuyển gia cầm khác tỉnh phải có giấy xác nhận của huyện”.
Trao đổi với PV, chị Hương- một tiểu thương tại chợ Hà Vĩ cho hay, nguồn hàng của chị nhập ở Bắc Giang. “Gà đã vào chợ là phải có giấy “thông hành”- kiểm dịch của cơ quan Thú y. Đang mùa dịch, nếu không có kiểm dịch thì làm sao bán được hàng”.
Gà “chợ cóc, chợ online”- ai quản?
Trái ngược với việc quản lý chặt chẽ, bài bản tại các chợ đầu mối thì việc buôn bán, giết mổ gia cầm tại các chợ nhỏ, chợ cóc lại không hề đơn giản. Tại các chợ Định Công, Mai Dịch (Hà Nội), ... nhiều hộ bán gà nhỏ lẻ vẫn công khai buôn bán, giết mổ gia cầm sống. Mỗi điểm bán thường có từ vài chục đến cả trăm con gà, vịt được nhốt trong lồng, đặt trên lề đường hoặc trong lòng chợ. Đáng kể là những lồng gà, vịt này được bày chung với các gian hàng bán thực phẩm khô, rau, củ, quả nên không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.
Tại một chợ cóc nằm ngay sát chợ Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội, theo ghi nhận của PV, có nhiều điểm kinh doanh gia cầm. Việc giết mổ ở đây được thực hiện tại chỗ với công nghệ xử lý lông gà, vịt rất nhanh. Người bán chỉ cần nhúng gà vào thau nước sôi rồi vớt ra cho vào lồng quay, chưa tới 1 phút con gà đã trụi lông. Trong quá trình làm gà, vịt, những thứ phế thải được gom ngay tại nơi giết mổ, còn nước thải người bán vô tư đổ ra lề đường, chảy lênh láng.
Khi PV hỏi một phụ nữ trung niên đang bán gia cầm tại chợ thì được biết, nguồn gà chị nhập từ Bắc Ninh và đảm bảo gà có nguồn gốc, xuất xứ. PV hỏi: “Gà ta bao nhiêu tiền kg chị?”.Người bán hàng thủng thẳng nói: “90.000 đồng/kg, em lấy mở hàng chị bớt cho”. PV tiếp lời: “Dạo này em nghe nói có dịch cúm gia cầm…”. Ngay lập tức chị này phản ứng: “Ở đâu có dịch chứ gà đây chị lấy ở quê chị ra. Em yên tâm. Ngày nào chị chẳng bán ở đây. Em nhìn gà thì biết”. (Vừa nói, chị này nhanh tay bắt ngay một chú gà sống, dốc ngược lên, vạch ức gà ra chào hàng).
Tuy nhiên, khi PV hỏi gà có được kiểm dịch thì chị này hắng giọng: “Gà quê, mua thì mua bày đặt kiểm dịch? Chưa sáng ra đã nhiều chuyện”. Nói rồi chị xua tay và lấy mẩu giấy “đốt vía”.
Trong khi dịch cúm gia cầm đang đe dọa người dân, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên sử dụng gia cầm rõ nguồn gốc. Thế nhưng, trên các trang facebook cá nhân, shop bán thực phẩm online vẫn rầm rộ quảng cáo bán gà đồi Bắc Giang, Phú Thọ, Ba Vì… nhưng không có giấy kiểm dịch.
Theo các shop này, tất cả đều là gà rõ nguồn gốc xuất xứ và cam kết gà được nuôi từ vườn nhà. Qua số điện thoại 0972216xxx, PV liên hệ với chị Hoa, chuyên bán thực phẩm sạch qua mạng. Chị này tiếp thị: “Gà nhà mình nuôi thả vườn, cung cấp gà đã làm sạch cho khác hàng đảm bảo chất lượng. Giá 160 nghìn đồng/kg”.
Cũng giống như các tiểu thương ở chợ, khi PV đề cập đến vấn đề kiểm dịch, chị này ậm ừ: “Gà vườn nhà mình nuôi thì lấy đâu ra giấy kiểm định?”. Tuy nhiên, chị này vỗ về: “Bạn cứ yên tâm, mình bán gà đảm bảo uy tín, khách hàng từ nhiều năm nay rồi, bạn cứ lên facebook nhìn phản hồi khách hàng là rõ”.
Qua khảo sát thực tế cho thấy, người bán chỉ cần “phục vụ” khách hàng còn chất lượng hàng bán ra sao là chuyện khác. Điều này cũng có nghĩa, chuyện giết mổ gia cầm sống tại chỗ theo kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” thật đáng quan ngại.
|
Thơm - Lan