Nở rộ cải tạo mặt bằng, tận thu đất tại một xã miền núi
Tại các vùng núi cao, với tính chất địa hình đồi núi dốc, vì vậy việc người dân trong quá trình xây dựng nhà kiên cố rất cần mặt bằng bằng phẳng. Căn cứ nhu cầu thực tế đó, Nhà nước cho phép các hộ gia đình được phép cải tạo mặt bằng để xây dựng nhà cửa, các thủ tục này tương đối đơn giản và thường được các cấp chính quyền xã, huyện xem xét giải quyết trong thời gian ngắn.
Trong quá trình này, một số gia đình có nhu cầu hạ thấp độ cao khiến dôi dư lượng đất, đá thừa. Đối với lượng đất đá thừa này, hoặc người dân sẽ xin phép san gạt tại chỗ hoặc xin phép UBND tỉnh để được tận thu phục vụ nhu cầu thực tế căn cứ các điều kiện phù hợp của địa phương.
Đơn cử, qua khảo sát thực tế tại xã Cẩm Long, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa), chỉ trong thời gian ngắn khoảng trong vòng chưa tới 6 tháng, trên địa bàn xã này liên tiếp có ít nhất trên 10 điểm cải tạo, hạ thấp độ cao của các hộ gia đình. Đáng chú ý, điểm chung tại các điểm này là đều có các doanh nghiệp "núp bóng" phía sau lo việc thủ tục giấy tờ xin tận thu đất dôi dư từ các dự án này.
Cụ thể, từ nửa cuối năm 2022 tới này, UBND tỉnh Thanh Hóa liên tiếp chấp thuận cho 3 đơn vị là Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển thương mại Hoàng Đức (Công ty Hoàng Đức), Công ty TNHH thương mại và vận tải Việt Đông (Công ty Việt Đông) và Công ty Cổ phần Tư vấn và xây dựng Quốc Khánh được phép tận thu khối lượng đất thừa của ít nhất hơn 10 điểm hộ gia đình có nhu cầu cải tạo đất ở và đất trồng cây lâu năm trên địa bàn xã Cẩm Long.
Để đảm bảo việc tận thu được đúng "quy trình", UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu quá trình thực hiện tận thu, vận chuyển đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, không ảnh hưởng cuộc sống của người dân trong khu vực cũng như đảm bảo các quy định khác về tận thu như khối lượng, thời gian, vận chuyển...
Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế từ Người Đưa Tin, việc có quá nhiều các điểm tận thu trên địa bàn một xã miền núi với hệ thống cơ sở hạ tầng hạn chế, trong khi phải "cõng" các đoàn xe tải lớn đã khiến địa phương chịu áp lực lớn trong công tác quản lý, đảm bảo quy định pháp luật.
Đáng chú ý, như điểm tận thu của Công ty Việt Đông, điểm khai thác này chỉ cách trường tiểu học Cẩm Long khoảng vài trăm mét, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho các cháu nhỏ khi có nhiều xe tải lớn chở đất di chuyển ùn ùn qua đây. Đồng thời, vấn đề khói bụi, ô nhiễm môi trường cũng đã khiến người dân mệt mỏi, cuộc sống bị ảnh hưởng từ thực trạng trên.
Lạm dụng tận thu để khai thác khoáng sản "giá rẻ"
Thực tế, tại các điểm khai thác tại xã Cẩm Long, ngoài các vấn đề tiêu cực ảnh hưởng cuộc sống thường nhật của người dân, trong quá trình giám sát, các lực lượng chức năng đã nhanh chóng phát hiện vi phạm trong hoạt động khai thác tận thu tại xã này.
Cụ thể, ngày 17/9, Công ty Hoàng Đức được UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản chấp thuận cho tận thu hơn 28.500 mét khối đất thừa trong quá trình thi công hạ thấp độ cao, tạo mặt bằng của 2 hộ gia đình (ông Quán Văn Hoán, bà Bùi Thị Kính) tại thôn Vân Ngọc, xã Cẩm Long, huyện Cẩm Thủy. Thời gian thực hiện 4 tháng tính từ ngày ký quyết định. Số đất tận thu từ cải tạo sẽ được dùng để cung cấp san lấp cho dự án thi công công trình nhà máy xuất khẩu quốc tế CD tại xã Cẩm Tân, huyện Cẩm Thủy.
Đồng thời trong văn bản trên, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Công ty Hoàng Đức sau khi thực hiện hoàn thành 2 điểm tận thu trên, báo cáo gửi UBND huyện Cẩm Thủy nghiệm thu, xác nhận và gửi UBND tỉnh để xem xét giải quyết tận thu tiếp gần 16.000 mét khối đất dư thừa trong quá trình thi công hạ thấp độ cao, cải tạo mặt bằng hộ gia đình bà Phạm Thị Ưng, trú cùng thôn Vân Ngọc, xã Cẩm Long, huyện Cẩm Thủy.
Cũng trong văn bản trên, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu giao Sở TNMT, Sở GTVT, Sở Xây Dựng, Sở NN và PTNN, UBND huyện Cẩm Thủy và các đơn vị liên quan quản lý theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện của Công ty Hoàng Đức trong quá trình thực hiện thi công.
Mặc dù văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh rất rõ ràng, tuy nhiên, khi chưa được UBND tỉnh chấp thuận, Công ty Hoàng Đức đã ngang nhiên tiến hành khai thác tận thu đất tại hộ gia đình bà Phạm Thị Ưng. Đây là việc làm "bất chấp" yêu cầu được nêu rõ trong Văn bản số 13748/UBND-CN ở trên được ban hành ngày 17/9/2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa được ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký.
Bất chấp sự giám sát của nhiều sở, ban, ngành và địa phương như yêu cầu, ghi nhận thực tế tại khu đất hộ gia đình bà Ưng, số lượng đất đã được Công ty Hoàng Đức khai thác trái phép là khá lớn và đã được thực hiện trong nhiều ngày.
Tiếp đó, tại điểm khai thác tận thu khoáng sản của Công ty Việt Đông, điểm tận thu nằm rất gần trường học, việc thực hiện các biện pháp đảm bảo môi trường như phun nước không được thực hiện sát sao, trong khi đó số lượng xe tải lớn ra vào vận chuyển nhiều khiến phát sinh ảnh hưởng tiêu cực tới người dân quanh vùng.
Ngoài địa điểm trên, tại địa bàn huyện Cẩm Thủy, Công ty TNHH gốm Thành Vinh cũng đang thực hiện việc khai thác tận thu khoáng sản tại một điểm cải tạo mặt bằng, hạ thấp độ cao tại xã Cẩm Yên. Đất tận thu được cung cấp cho nhà máy gạch trên địa bàn.
"Ở đây trước giờ có ai lấy đất nhiều như thế này đâu chú. Đợt này người ta vào tìm các hộ có nhu cầu hạ độ cao làm nhà, và lo thủ tục xin phép. Cô nghe nói các hộ này còn được cho thêm tiền trong khi trước đây người dân phải thuê mất tiền để múc, san gạt", một người dân tại xã Cẩm Long thật thà cho biết.
Ngoài ra, liên quan tới việc hoạt động tận thu, theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, ngoài tận thu đất, trên địa bàn huyện Cẩm Thủy đang thực hiện dự án nạo vét lòng sông Mã qua địa phận xã Cẩm Ngọc và có tận thu khoáng sản trong quá trình này.
Theo đó, dự án trên đã được Công ty Cổ phần Thương mại Đức Lộc (địa chỉ tại số 532 đường Bà Triệu, Phường Trường Thi, TP.Thanh Hoá, Thanh Hoá) thực hiện từ năm 2021, tuy nhiên, với nhiều lý do, qua 3 lần gia hạn, hiện dự án này vẫn chưa thể hoàn thành và đang được tiếp tục thực hiện.
Ghi nhận thực tế, tại hiện trường dự án nạo vét trên vẫn còn tương đối "nham nhở", các góc nạo vét lỗ chỗ mỗi nơi một ít. Trong khi ngay bên bờ, các tàu đang bơm lọc cát lên bãi tập kết cát chất cao như "núi" được tận thu từ dự án này. Và mùa mưa lại sắp tới, nguy cơ dự án không thể hoàn thành vì nhiều lý do khách quan là rất hiện hữu.
Đáng chú ý, liên quan Công ty Cổ phần Thương mại Đức Lộc, trong tháng 6/2022, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện vi phạm trong việc hút cát tại mỏ cát số 41 (mỏ cát thị trấn Quý Lộc, đã được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép cho Công ty Cổ phần Thương mại Đức Lộc) và đã bắt giữ 5 thuyền cát khi đang thực hiện việc hút cát ngoài phạm vi mỏ cát số 41. Vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa điều tra, làm rõ.
Có thể thấy, các dự án cải tạo mặt bằng, nạo vét... với mục tiêu chính phục vụ nhu cầu xây dựng nhà ở, khơi dòng chảy... có kèm theo tận thu khai thác khoáng sản nên các thủ tục để khai thác khoáng sản kèm theo sẽ "nhẹ nhàng" hơn rất nhiều. Trong khi đó, việc nở rộ các điểm tận thu cho thấy nguy cơ biến tường từ hoạt động này để khai thác khoáng sản "giá rẻ". Đơn cử, chỉ tính trung bình như các trường hợp tận thu ở xã Cẩm Long, với việc khai thác tận thu tại hơn 10 điểm cải tạo, các doanh nghiệp được chấp thuận có thể khai thác tổng khối lượng đất khoảng 100.000 mét khối, khối lượng này tương đương gần 1/2 trữ lượng của 1 mỏ, như mỏ đất tại xã Tượng Sơn (huyện Nống Cống, thuộc tờ bản đồ số 11, trữ lượng khoảng 268.000m3).
Trao đổi với Người Đưa Tin, Luật sư Lê Văn Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Luật Khang Lợi cho biết, việc xin cấp phép khai thác mỏ đất là quá trình "gian nan", bao gồm các hồ sơ như: Đơn đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản; Bản đồ khu vực khai thác khoáng sản; Quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Dự án đầu tư khai thác khoáng sản kèm theo quyết định phê duyệt và bản sao giấy chứng nhận đầu tư; Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường; Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Trường hợp trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản thì phải có văn bản xác nhận trúng đấu giá; Văn bản xác nhận vốn chủ sở hữu theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 53 của Luật này. Đồng thời, sau khi khai thác còn các bước thủ tục xử lý cải tạo môi trường, hoàn trả mặt bằng...
Đối với hồ sơ cấp Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản cơ bản bao gồm: Đơn đề nghị cấp Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản; Bản đồ khu vực khai thác tận thu khoáng sản; Dự án đầu tư khai thác tận thu khoáng sản kèm theo quyết định phê duyệt; bản sao giấy chứng nhận đầu tư; Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường; Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Quy định cụ thể trong Nghị định 158/2016/NĐ-CP quy định cụ thể về hồ sơ cấp Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản.
"Như vậy, để được cấp phép khai thác khoáng sản theo hình thức các mỏ, nhà đầu tư phải thực hiện qua nhiều bước thủ tục. Đáng chú ý, tại địa bàn Thanh Hóa, để nâng cao hiệu quả thu ngân sách từ khai mỏ, các nhà đầu tư có nhu cầu phải trải qua quá trình đấu giá "khốc liệt". Như mới đây, tỉnh Thanh Hóa vừa đấu giá 10 mỏ khoáng sản, trong đó, có mỏ mức trúng đấu giá gấp nhiều lần mức khởi điểm giúp tăng thu cho Nhà nước số tiền lớn. Sau đó, để được chính thức khai mỏ nhà đầu tư phải hoàn thành nhiều thủ tục, giấy phép theo quy trình pháp luật chặt chẽ.
Trong khi đó, việc tận thu khoáng sản sẽ có ít bước thủ tục hơn, thời gian chấp thuận nhanh hơn, phương pháp khai thác đơn giản..., từ đó, dễ xuất hiện nguy cơ lạm dụng việc tận thu khoáng sản để khai thác manh mún, giảm chi phí. Đáng ngại hơn là các điểm tận thu này thường nằm trong các khu dân cư nên dễ phát sinh vấn đề về an sinh xã hội, ô nhiễm môi trường, phương án khai thác... có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của người dân xung quanh", Luật sư Thiện cho biết.
Việt Phương