Hiện nay lũ các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Ninh Thuận và Gia Lai đang xuống. Tình trạng ngập lụt sâu, trên diện rộng nghiêm trọng vẫn tiếp diễn tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai; các tỉnh Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Khánh Hòa giảm dần.
Gió mùa đông bắc kết hợp nhiễu động gió đông trên cao đang yếu dần, mưa từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa giảm nhanh. Tuy nhiên từ ngày 18 đến 20.12, mưa vừa, mưa to có khả năng tăng trở lại ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Ninh Thuận, riêng Bình Định đến Khánh Hòa mưa rất to, có khả năng gây đợt lũ mới tiếp tục đợt lũ vừa qua.
Trong ngày 17.12, vùng biển ngoài khơi Trung bộ, khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa) tiếp tục duy trì gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh, sóng biển cao 2-3m.
Nếu Bắc Trung bộ chỉ có hồ thủy lợi Tả Trạch xả qua tràn 750m3/s thì Nam Trung bộ có 8 hồ vừa và lớn đang vận hành xả.
Nhiều địa phương ở miền Trung ngập lụt trên diện rộng
Ngập lụt xảy ra trên diện rộng, tại Thừa Thiên - Huế, hệ thống QL49B từ Km 47 + 400 đến Km 48 xã Hương Phong, TX.Hương Trà ngập sâu 0,5m, Các tuyến đường khu vực Bắc, Nam sông, các tuyến đường trên địa bàn huyện Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà vẫn còn ngập cục bộ, chia cắt giao thông.
Quảng Nam ngập 15.231 nhà ở các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Đại Lộc, Hội An, Nông Sơn, Đông Giang.
Quảng Ngãi ngập lụt 54 phường, xã trên 6 địa phương Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, TP.Quảng Ngãi.
Bình Định ngập 87 phường, xã của 11 huyện thị: TP.Quy Nhơn, Tuy Phước, TX.An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn, An Lão, Vân Canh, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh.
Tại Phú Yên, lũ trên các triền sông lên nhanh đã gây ngập lụt, cô lập cục bộ một số khu dân cư trên địa bàn các huyện Tây Hòa, Đông Hòa, Đồng Xuân, Tuy An và thị xã Sông Cầu ngập trở lại, đã có 20 xã, 45 thôn đã bị ngập lũ, chia cắt với 3.605 nhà bị ngập.
Tại Gia Lai, một số ngầm tràn bị ngập sâu, giao thông bị chia cắt, một số khu dân cư thuộc huyện Kbang, huyện Kông Chro (14/5 xã bị cô lập) và thị xã An Khê bị ngập, chia cắt.
Sơ tán, di dời hơn 11.700 hộ dân
Các tỉnh thành đã tổ chức sơ tán, di dời 11.726 hộ (Thừa Thiên Huế: 20 hộ, Quảng Nam: 51 hộ; Quảng Ngãi: 2.174 hộ; Bình Định: 4.593 hộ; Phú Yên: 2.206 hộ/7.571 người; Gia Lai: 52 hộ).
Theo báo cáo nhanh của các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Gia Lai, đã có 9 người chết, 6 người mất tích và 10 người bị thương.
Mưa lũ còn làm sập 75 nhà, hư hỏng 49 nhà, ngập 116.829 nhà, ngập úng 8.799 ha lúa, 3.033 ha mạ, 6.093 ha hoa màu, thiệt hại 50 cây lâu năm, chết 848 gia súc, 49.937 con gia cầm. Ngoài ra, gần 6km đường giao thông QL, 70km kênh mương, 3,8 km kè, 19 đê, đập sạt lở, hư hại.
Trước tình hình mưa lũ kéo dài thiệt hại liên tiếp, Thừa Thiên - Huế đề xuất Trung ương hỗ trợ 170 tỉ đồng khắc phục hạ tầng thiết yếu, 1.000 tấn gạo...
Tỉnh Quảng Nam đề nghị hỗ trợ 8 tỉ đồng mua giống cây trồng cấp cho địa phương phục vụ sản xuất, 20 tỉ đồng khắc phục hư hỏng công trình thủy lợi...
Quảng Ngãi đề xuất hỗ trợ khẩn cấp 7 tỉ đồng để mua khoảng 250 tấn giống lúa, 20 tấn giống rau các loại hỗ trợ nhân dân sản xuất vụ Đông Xuân, 1.500 tấn gạo để kịp thời cứu trợ nhân dân vùng lũ…
Bình Định xin hỗ trợ 500 tỉ đồng, trong đó 180 tỉ đồng khôi phục hạ tầng giao thông, 180 tỉ đồng sửa chữa công trình thủy lợi, hỗ trợ dân sinh 100 tỉ đồng, 40 tỉ đồng lúa giống phục vụ sản xuất và 5 tấn lương khô cho nhân dân vùng ngập.
Tỉnh Phú Yên đề nghị cấp 1.100 tấn gạo cứu đói 11.200 hộ với 33.600 nhân khẩu… Tỉnh Khánh Hòa xin hỗ trợ khẩn cấp 250 tấn gạo; 750 tấn giống lúa...
Tàu hải quân cứu tàu cá trong thời tiết xấu Sáng 17.12, Hệ thống Đài Thông tin duyên hải (TTDH) Việt Nam cho hay tàu hải quân đang trên đường ứng cứu tàu cá cùng 5 ngư dân gặp nạn trong thời tiết xấu.
|
Theo Thanh niên