Công trình mới và cũ đều cần đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão
Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin, hiện tỉnh Gia Lai có 352 công trình hồ chứa thủy lợi. Nhiều công trình tồn tại hàng chục năm, xuống cấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Điển hình như, hồ chứa nước Tân Sơn tại xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh) được đưa vào sử dụng từ năm 2010.
Hiện, hồ chứa nước Tân Sơn đang đối mặt với tình trạng sạt lở phần mái thượng lưu đập, đe dọa an toàn công trình.
Thông tin với PV vào ngày 23/10, ông Phạm Văn Bình, Trạm trưởng Trạm Quản lý Hồ chứa nước Tân Sơn cho biết: "Hiện tại, chúng tôi đang triển khai xử lý tạm thời bằng cách đóng cọc sắt V5, rào lưới B40 và sử dụng bao cát để bảo vệ đập. Tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp trước mắt, về lâu dài phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp’’.
Bên cạnh đó, dự án hồ thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông) là dự án thủy lợi lớn nhất Tây Nguyên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt với tổng mức đầu tư các giai đoạn lên tới hơn 3.000 tỷ đồng. Công trình thủy lợi Ia Mơr có khoảng 2.800ha diện tích mặt nước, dung tích chứa khoảng 180 triệu m3.
Sau khi dự án hoàn thành sẽ cung cấp nước tưới cho hơn 12.500ha của huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) và huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk); đồng thời cấp nước sinh hoạt cho 50.000 người dân khu vực quanh hồ.
Đây là một dự án thủy điện lớn, hệ thống kênh mương vùng tưới vẫn chưa hoàn thành, nên công tác đảm bảo an toàn là cực kỳ nghiêm ngặt.
Luôn phải túc trực 24/24
Trao đổi với PV về công tác quản lý công trình thủy lợi Ia Mơr, ông Vũ Văn Quy, cán bộ Ban thủy lợi Ia Mơr (Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 8) cho biết: "Công tác đảm bảo an toàn hồ đập tại đơn vị là hoạt động thường xuyên và liên tục, đặc biệt là vào mùa mưa bão, lũ lụt.
Chúng tôi thường xuyên trực 24/24 tại công trình để theo dõi mực nước hồ và kiểm tra phía hạ lưu đập, công trình tiêu nước. Khi xảy ra tình huống bất ngờ phát sinh hư hỏng tại các vị trí trên hồ chứa, chúng tôi sẽ báo ngay về Ban quản lý và triển khai các giải pháp xử lý theo phương án để đảm bảo an toàn, không để xảy ra nguy hiểm".
Ông Nguyễn Đăng Lưu, Đội trưởng Đội Quản lý khai thác các công trình thủy lợi huyện Ia Grai thông tin: "Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch riêng về phòng chống lụt bão theo 16 tiêu chí. Ngoài ra, hàng tuần hàng tháng căn cứ theo tình hình thời tiết, đội thường xuyên tổ chức trực 24/24 tại các công trình trọng điểm vào mùa mưa bão, thực hiện nghiêm phương châm "4 tại chỗ" và xây dựng phương án xử lý sự cố.
Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Gia Lai hiện đang quản lý 49 công trình, trong đó có 17 hồ chứa và 28 đập dâng. Mặc dù, công ty đã thực hiện kiểm tra thường xuyên và xây dựng phương án phòng chống thiên tai, nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp, việc sửa chữa và nâng cấp các công trình xuống cấp gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Lương, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Gia Lai chia sẻ: "Đối với các công trình có nguy cơ mất an toàn, chúng tôi thực hiện các biện pháp tạm thời để đảm bảo an toàn. Chúng tôi đã đề xuất các sở ngành tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn cho việc nâng cấp, sửa chữa".
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Gia Lai, tỉnh hiện quản lý 118 hồ thủy lợi.
Trong đó, một số công trình đã được xây dựng từ lâu, nên việc hư hỏng nhỏ là không thể tránh khỏi, nhưng không ảnh hưởng lớn đến an toàn trong mùa mưa lũ.
Hiện, chỉ có hồ chứa nước Chư Gu (huyện Krông Pa) bị thẩm lậu (cũ, bị thấm, rỉ nước - PV) lớn. Chi cục đã yêu cầu không tích nước trong năm 2024.