Những người hùng trong cuộc chiến bảo vệ môi trường
Từ thời xa xưa, con người đã biết đến sức mạnh của nắng và gió. Ngay từ thời cổ đại, nhà bác học Hy Lạp lỗi lạc Acsimet đã sử dụng các tấm gương để phản chiếu ánh nắng mặt trời, tập trung lại một điểm trên tàu kẻ địch khiến chúng bốc cháy. Các cánh buồm trên tàu thuyền, các cối xay gió tồn tại đến tận ngày nay là minh chứng cho thấy từ rất lâu, con người đã biết lợi dụng sức gió.
Ngày nay, khi nguồn nhiên liệu hóa thạch đang ngày càng trở nên khan hiếm và đắt đỏ, cùng với việc môi trường bị ô nhiễm nặng nề khiến nhân loại một lần nữa phải cầu cứu thiên nhiên. Sức nóng từ ánh nắng mặt trời và sức thổi của gió được tận dụng để phát điện. Điện từ năng lượng mặt trời (điện mặt trời) và năng lượng gió (phong điện) ra đời.
Do trong quá trình hoạt động, chúng không hề tiêu tốn một hòn than đá, một giọt dầu mỏ nào nên điện mặt trời và phong điện được ca ngợi như là cứu cánh của loài người trong cuộc chiến chống ô nhiễm môi trường. Nắng và gió đã trở thành tiền bạc. Ngành công nghiệp điện mặt trời và phong điện thế giới có giá trị hàng trăm tỷ USD mỗi năm, tạo việc làm cho hàng trăm triệu người tại khắp các quốc gia.
Những tấm pin năng lượng mặt trời chiếm rất nhiều diện tích đất canh tác
Theo báo Mỹ Christian Science Monitor, năm 2011, điện mặt trời và phong điện cung cấp tới 1,3% nhu cầu điện cho toàn thế giới. Mặc dù con số này còn rất khiêm tốn, nhưng so với năm 2010, tỷ trọng này đã tăng tới 15,5%. Các quốc gia đang tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo nhằm giảm sự phụ thuộc vào năng lượng truyền thống cũng như nguồn cung từ bên ngoài. Năm nước đứng đầu thế giới về sử dụng năng lượng tái tạo là: Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Trung Quốc và Brazil. Trong đó, chủ yếu vẫn là điện mặt trời và phong điện.
Tại Mỹ, tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo chiếm 24,7% tổng số năng lượng tái tạo trên toàn cầu. Đứng sau Mỹ về sản lượng là Đức, với 11,7%. Quyết định loại bỏ năng lượng hạt nhân từ nay đến năm 2022, tập trung vào khai thác điện mặt trời và phong điện khiến hơn 6% nhu cầu năng lượng của Đức được cung cấp bởi những tấm pin điện mặt trời trên mái nhà của các hộ dân.
Người dân Đức phải trả trung bình 25 cent euro/KWh từ điện lưới, nhưng họ chỉ phải trả trung bình 10 cent euro/KWh nếu sử dụng điện mặt trời trên mái nhà. Dự báo đến năm 2025, các con số tương ứng sẽ là 40 và 7-8 cent euro.
Châu Âu chiếm hơn 60% số tấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt mới trong năm 2011, với tổng công suất 18,5GW. Hiện tại, điện mặt trời đang cung cấp cho châu lục nổi tiếng về ý thức bảo vệ môi trường này tới 52GW, đáp ứng 2% nhu cầu của toàn khối và tương đương với nhu cầu của cả nước Áo. Tây Ban Nha là nước dẫn đầu EU khi chiếm tới 7,8% năng lượng tái tạo của thế giới.
Là nước tiêu thụ nhiều năng lượng nhất, nhập khẩu dầu cũng nhiều nhất, nhưng Trung Quốc cũng đồng thời đứng đầu thế giới về đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, trong đó một nửa vào điện mặt trời. Điều này đã giúp Trung Quốc chiếm 7,6% năng lượng tái tạo toàn cầu.
Hàng loạt các quốc gia khác cũng thúc đẩy mạnh quá trình sản xuất điện từ nguồn năng lượng trời cho này. Bộ trưởng Năng lượng mới và tái tạo Ấn Độ, ông Farooq Abdullah cho biết, tỷ trọng của năng lượng tái tạo nước này đang chiếm khoảng 12,5% tổng công suất điện cả nước. Tại Italia, có tới 448.266 nhà máy điện mặt trời đang hoạt động, với tổng công suất là 16GW. Ngoài ra, còn 2.961 dự án đang chờ xét duyệt để được hỗ trợ từ chính sách trợ giá, với tổng công suất 672MW.
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) thì công bố nước này có tổng cộng 885MW điện mặt trời được lắp đặt tại đất nước từ tháng 4-9/2012, cùng thời điểm với chính sách trợ giá được ban hành. Các chuyên gia mong đợi một sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp điện mặt trời vì những ưu điểm vượt trội của nó trong tương lai. Dự đoán doanh số của pin mặt trời sẽ tăng gấp 10 lần tới năm 2025.
Phong điện cũng hoành tráng không kém, gió thổi làm quay các cánh quạt khiến tua bin quay, từ đó điện được sản sinh ra. Những cánh đồng tua bin gió mọc lên khắp nơi, tại tất cả các nền kinh tế từ phát triển đến đang phát triển, kém phát triển. Tính đến hết năm 2011, tổng công suất phong điện của cả thế giới đạt tới 238.351 MW. Trong đó, châu Âu tiếp tục dẫn đầu với 96.616 MW, chiếm hơn 40%. Châu Á là 82.398 MW, chiếm 35%. Mỹ 46.919 MW, chiếm gần 20%, còn lại là hơn 40 quốc gia khác.
Những cánh rừng nhường chỗ cho tuabin gió, và nhiều chim hoang dã trở thành nạn nhân của những cánh quạt khổng lồ
Tấm huy chương nào cũng có mặt trái
Không thể phủ nhận rằng, năng lượng mặt trời là một nguồn năng lượng tái tạo với nhiều ưu điểm, nhưng cái gì cũng có giá của nó. Điện mặt trời cũng gây ô nhiễm môi trường, tất nhiên, với mức độ thấp hơn nhiệt điện truyền thống nhiều. Dù vậy, các nhà khoa học vẫn lên tiếng cảnh báo bởi những nguy cơ này ngày càng gia tăng theo trào lưu rầm rộ phát triển điện mặt trời. Hầu hết các rủi ro về an toàn môi trường gây ra bởi năng lượng mặt trời đến từ việc sản xuất các tấm pin mặt trời. Quá trình này vẫn phải tiếp tục sử dụng các nhiên liệu hóa thạch và các nguyên liệu, hóa chất độc hại khác.
Những tấm pin năng lượng mặt trời gốc silic cần nhiều các hóa chất như cadmium, arsenic và silicon tetrachloride. Đây đều là những chất rất độc hại, cho công nhân chế tạo cũng như thẩm thấu vào nguồn nước, khuếch tán vào không khí. Những bộ phận khác được chế tạo bằng nhựa tổng hợp từ dầu mỏ và sắt thép. Điều này khiến chúng cũng tiêu tốn tài nguyên thiên nhiên như thường.
Trong quá trình sử dụng, các chất độc hại này tiếp tục lan truyền dần vào môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Việc thu gom, tái chế các tấm pin năng lượng mặt trời cũng chưa được tiến hành nghiêm túc khiến nguy cơ gây nên thảm họa sinh thái của chúng là rất cao.
Phong điện bị chỉ trích dữ dội hơn nhiều. Những cánh quạt khổng lồ đã trực tiếp giết chết nhiều loài động vật, chủ yếu là chim chóc và dơi khiến các nhà bảo vệ động vật nổi giận. Tiếng ồn của các tua bin gió cùng rung động của chúng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cư dân xung quanh. Nhiều khu du lịch vắng khách, bất động sản xung nhà máy phong điện mất giá, còn nông dân gần đó thì than phiền về sức khỏe ngày một giảm sút. Ngay cả vật nuôi cũng bị ảnh hưởng bởi những tác động xấu này.
Chưa hết, giống như những tấm pin năng lượng mặt trời, những cột tháp tua bin gió cũng chiếm rất nhiều diện tích. Đất canh tác, rừng, đồng cỏ bị phá hủy, nhường chỗ cho các cánh đồng đầy những cánh quạt khổng lồ. Do yêu cầu kỹ thuật và an toàn, khoảng cách giữa các tháp tua bin gió phải gấp 5 lần đường kính cánh quạt. Do đó, tính trung bình, để tạo ra một MW phong điện, phải mất tới từ 5 đến 15 hecta đất.
Việc chế tạo, vận chuyển, lắp đặt các thiết bị của nhà máy phong điện cũng tiêu tốn tài nguyên không tái tạo khiến chúng vẫn gây ra những tác động tiêu cực với môi trường như những dây chuyền thiết bị công nghiệp khác.
Phong điện và điện mặt trời tại Việt Nam Ngày 18/4/2012, nhà máy phong điện 1 tại tỉnh Bình Thuận đã được khánh thành. Giai đoạn 1, nhà máy đã lắp đặt 20 tua bin, công suất 30MW. Dự kiến khi hoàn tất giai đoạn 2 và 3, đây sẽ là nhà máy phong điện lớn nhất Đông Nam Á với 80 tua bin gió, công suất 120MW, tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, diện tích chiếm đất 1.000 hecta. Trong tương lai, Bình Thuận sẽ là thủ phủ phong điện của cả nước bởi theo quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn 2010-2015, tầm nhìn đến năm 2020 thì tiềm năng điện gió của tỉnh Bình Thuận lên đến hơn 5.000MW. Trong khi đó, điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam lại phát triển khá nhỏ lẻ, dù là một nước nhiệt đới vốn nhiều nắng. Được đánh giá là nước có nhiều tiềm năng để sản xuất điện mặt trời, các tỉnh phía Nam có thể sản xuất điện mặt trời quanh năm, thế nhưng Việt Nam lại không đưa ra được sản phẩm thương mại. Dự án điện mặt trời tại nước ta chỉ dừng lại ở công suất vài đến vài chục kWp, chủ yếu cung cấp cục bộ cho một bộ phận nhỏ người sử dụng, nhờ sự tài trợ của các tổ chức nước ngoài. Có thể nói, tại Việt Nam chưa hình thành ngành công nghiệp điện mặt trời theo đúng nghĩa của nó. Hy vọng trong thời gian tới, cùng với các chính sách ưu đãi đầu tư và chấm dứt độc quyền phân phối điện của EVN, điện mặt trời cũng như các nguồn năng lượng tái tạo khác sẽ đóng góp tỷ trọng lớn hơn cho nguồn điện lưới quốc gia. |
Thanh Tùng