Nghệ là một loại gia vị thơm ngon được sử dụng trong nhiều loại cà ri, súp và các món thịt. Loại thực phẩm này được sử dụng hàng ngàn năm ở những nơi như Ấn Độ, Tây Phi, Jamaica và là một trong những nguyên liệu chính trong nhiều phương pháp y học Trung Quốc nhằm giúp giảm viêm, bổ máu, …
Trong khi các nền văn hóa khác nhau đã và đang tìm cách tận dụng những lợi ích sức khỏe của nghệ thì tại châu Âu, nghệ chỉ mới được đưa vào nghiên cứu tương đối gần đây.
Mặc dù Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã công nhận nghệ và các chất bổ sung từ nghệ "nói chung là an toàn" song một báo cáo gần đây tuyên bố rằng loại gia vị này có thể có khả năng gây hại cho sức khỏe của gan, nếu sử dụng không đúng cách.
Kết quả nghiên cứu này được xuất bản bởi Tạp chí Y học Mỹ vào tháng 10/2022. Theo đó, các nhà khoa học đã đánh giá mối tương quan giữa việc tiêu thụ nghệ và khả năng gây tổn thương gan ở những người có đăng ký vào Mạng lưới chấn thương gan do thuốc của Mỹ (DILIN).
Theo nghiên cứu, các nhà khoa học đã tìm thấy 16 trường hợp tổn thương gan do nghệ trong số những người tham gia chương trình DILIN từ năm 2011–2022. Mức độ của những chấn thương được báo cáo là từ trung bình đến nghiêm trọng, dẫn đến 5 trường hợp nhập viện, 1 trường hợp tử vong do tổn thương gan cấp tính.
Phân tích hóa học sâu hơn đã xác nhận rằng 3 trong số những bệnh nhân này tiêu thụ nghệ kết hợp với hạt tiêu đen, thành phần mà nhiều chuyên gia khuyên dùng với nghệ vì giúp cơ thể tiêu hóa nó hiệu quả hơn.
Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên kết nối tổn thương gan với việc tiêu thụ nghệ. Trước đó, cơ quan y tế Pháp đã cảnh báo tinh bột nghệ có thể gây độc cho gan, đặc biệt là khi được dùng dưới dạng thực phẩm bổ sung.
"Các thiết bị cảnh giác khác nhau đều đã xác định các tác dụng phụ liên quan đến việc tiêu thụ quá nhiều nghệ hoặc curcumin", Cơ quan An toàn Thực phẩm Quốc gia Pháp (ANSES) tóm tắt trong một báo cáo.
Dựa trên các dữ liệu của cả Pháp và quốc tế, cơ quan này đưa ra kết luận: "Các triệu chứng thường xuyên được báo cáo là khó chịu, suy nhược, các triệu chứng tiêu hóa và rối loạn chức năng gan".
Nghiên cứu cho thấy, dùng với liều lượng cao, nghệ - thông qua phân tử hoạt động chính của nó, curcumin - có thể gây độc, đặc biệt là đối với gan. "Các nghiên cứu cho thấy rằng liều lượng cao của nghệ hoặc curcumin gây độc cho gan ở động vật," ANSES nhấn mạnh.
ANSES không chỉ dựa trên những nghiên cứu này mà còn dựa trên những quan sát thực tế. Trong thời gian hơn 10 năm (từ năm 2009 đến năm 2021), ở Pháp có khoảng 10 trường hợp mắc bệnh viêm gan được chỉ ra có nguyên nhân là do tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chức năng chiết xuất từ nghệ.
Các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng liều lượng được coi là độc hại là rất cao nhưng chủ yếu có trong các sản phẩm thực phẩm chức năng có chiết xuất từ nghệ và nhiều sản phẩm trong số này được thiết kế theo cách mà chất curcumin được cơ thể đồng hóa theo cách lớn hơn nhiều. ANSES nhấn mạnh rằng khả năng đồng hóa này "lớn hơn gấp 4 đến 185 lần so với curcumin có trong củ nghệ tươi". Do đó, cơ quan này khuyến cáo mọi người cần hết sức thận trọng khi tiêu thụ các sản phẩm từ nghệ đã qua xử lý.
Những báo cáo trên không gây ra sự báo động nào ngay lập tức vì tổn thương gan trực tiếp do tiêu thụ nghệ dường như vẫn là một điều hiếm khi xảy ra.
Thực tế, nhiều nghiên cứu đã chứng minh nghệ có rất nhiều lợi ích về sức khỏe bao gồm cải thiện tâm trạng, trí nhớ, tăng cường hệ miễn dịch... thậm chí nếu được điều chế đúng cách nó có thể làm tăng hiệu quả của thuốc điều trị ung thư. Song nhiều nhà khoa học cũng lưu ý là đừng bổ sung quá đà, một số trường hợp để đạt được hiệu quả nghệ cần được điều chế đúng cách chứ không phải bổ sung theo đường ăn.
Vì vậy, nếu bạn hoặc người quen của bạn thường xuyên nấu ăn với nghệ hoặc uống bổ sung nghệ thường xuyên, bạn hoặc nên khuyên người đó hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi thêm một thìa nghệ vào món cà ri yêu thích.
Minh Hoa (t/h)