Dân hoảng loạn vì thông tin vỡ đập
Tối ngày 3/9 tại khu vực hồ thủy điện Sông Tranh 2 đã xảy ra một trận động đất với cường độ mạnh khiến người dân sống các vùng lân cận thót tim vì nỗi ám ảnh sợ hãi đập hồ thủy điện có thể bị vỡ. Sự bán tín bán nghi về độ an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2 của người dân xuất phát từ hiện tượng rò rỉ nước bất thường tại đập thủy điện này trước đây.
Nhiều người dân thậm chí đã di chuyển khỏi nơi sinh sống vào sâu trong rừng với ý định "an cư lạc nghiệp". Điều này nếu không được các cơ quan chức năng vào cuộc rất có thể sẽ dẫn đến những nguy cơ khác khi người dân phá rừng đầu nguồn để sinh sống..
Theo thông tin chúng tôi nhận được từ Trung tâm dự báo Động Đất và Sóng Thần, trận động đất xảy ra vào 22h, ngày 3/9, tại vị trí có tọa độ 15, 217 độ vĩ bắc, 108, 250 độ kinh đông, độ sâu tâm chấn nằm vào khoảng 7 km, trong khu vực Bắc Trà My. Trận động đất đã gây rung động trên cấp 6 ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2.
Những công trình nghiên cứu khoa học trước đây của Viện Vật Lý Địa Cầu về địa chất của vùng này đã dự báo các trận động đất cực đại xảy ra ở khu vực này có thể lên đến 5,5 độ richter.
Thủy điện Sông Tranh 2
Trong hơn một năm tiến hành quan trắc tại khu vực này đã phát hiện được 52 trận động đất lớn nhỏ, thông thường xảy ra với cường độ thấp. Một số chuyên gia khẳng định, trong thời gian tới cũng sẽ có nhiều đợt dư chấn mới. Nếu không có sự cảnh báo từ trước thì đây là vấn đề hết sức quan ngại.
Trận động đất tại huyện Bắc Trà My đã thu hút được sự quan tâm của dư luận cả nước. Vấn đề đặt ra ở đây là khắc phục sự cố rò rỉ của đập thủy điện và có những biện pháp cụ thể để chế ngự lại với nguy cơ động đất có thể xảy ra vào thời gian tới. Cơ quan chức năng cũng cần có những thông báo cụ thể để trấn an tâm lý người dân đang hết sức lo lắng mấy ngày qua.
Đặc biệt người dân sống ở khu vực gần thủy điện đã có nhiều người di cư vì lo sợ đập sẽ vỡ. Anh Hoàng Trọng Hải, một người dân sống ở xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My vẫn không giấu nổi sự hoang mang: "Đêm hôm đó, tôi và gia đình đang ngủ thì thấy rung chuyển rất mạnh. Chúng tôi đều rất sợ vì sống ở đây đã lâu đời, cuộc sống tương đối ổn định. Nếu di chuyển đi nơi khác sẽ rất khó khăn, nhưng nếu ở lại thì chỉ sợ một đêm nào đó sẽ bị nước đập cuốn trôi".
Bà Nguyễn Thị Bảy, cũng là một người dân sống ở gần khu vực hồ thủy điện chia sẻ: "Hơn 70 năm sống ở đây, tôi đã chứng kiến nhiều lần dư chấn của động đất. Chúng tôi rất lo nếu động đất tiếp tục xảy ra và mạnh hơn lần này thì không biết đập thủy điện có đảm bảo được an toàn hay không. Nếu đập vỡ thì không chỉ gia đình tôi mà hàng nghìn con người ở đây đều có nguy cơ bị thiệt mạng.
Tôi gần đất xa trời rồi cũng chẳng sao, nhưng các con các cháu đang tuổi ăn tuổi học. Nếu sống mà cứ nơm nớp lo sợ cho tính mạng của mình không được đảm bảo thì bất an, khó sống lắm".
Không chỉ có anh Hải, bà Bảy mà hầu hết người dân huyện Bắc Trà My đều đang xôn xao với dư luận vỡ đập. Tuy chưa có căn cứ nhưng nếu hiện tượng động đất không được dự báo trước và người dân vẫn luôn mập mờ trước các luồng thông tin thì việc di cư sẽ vẫn tiếp diễn và gây hậu quả nghiêm trọng.
Bây giờ đến Bắc Trà My, một đứa trẻ lên ba cũng bi bô nói chuyện đập vỡ và ánh mắt hoang mang một cách kỳ lạ. Câu chuyện vỡ đập phong thanh len lỏi vào từng bữa cơm, giấc ngủ khiến cuộc sống của người dân một huyện yên bình bỗng trở nên xáo trộn.
Ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng
Nguy cơ vỡ đập, không nên cường điệu hóa
Tâm lý lo ngại của người dân Bắc Trà My trước nhiều dư chấn động đất cũng là một điều hết sức dễ hiểu. Vì đây không phải lần đầu tiên xảy ra động đất trên địa bàn huyện. Liên quan đến vấn đề này, PV Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục giám định chất lượng, Bộ Xây dựng.
Ông Chủng cho biết, hiện tượng rò rỉ nước tại đập thủy điện đã được khắc phục và sửa chữa xong. Đập thủy điện Sông Tranh đạt đúng yêu cầu của thiết kế ban đầu nên chất lượng đảm bảo?!
PGS.TS Nguyễn Duy Hạnh, nguyên giảng viên trường ĐH Thủy Lợi, người có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy chuyên ngành thủy điện và cố vấn kỹ thuật cho nhiều công trình thủy điện cho rằng: "Cần nhìn thẳng vào những thiếu sót và sai lầm để đưa ra phương hướng giải quyết thấu đáo, tránh làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân quanh khu vực hồ thủy điện".
Ông Hạnh còn cho biết: "Sự việc xảy ra vừa qua không hẳn chỉ là chuyện động đất mà cần lưu ý và nhìn thẳng vào chất lượng thi công công trình. Khi tính toán không chặt chẽ, không gắn việc xây dựng công trình với thực tế thì rất khó tránh khỏi những hậu quả đáng tiếc. Có hai sai sót mà theo ông cần phải khắc phục ngay. Đó là vấn đề về việc thi công và vấn đề về vật liệu.
"Không thể hoàn toàn đổ tại thiên nhiên mà cần trước hết là nhìn vào trách nhiệm của con người. Nếu chất lượng công trình được đảm bảo thì không thể có chuyện đập nứt, rò rỉ với chấn động 4,2 độ richter như vậy được" .
Ông Hạnh cho rằng phương pháp đầm lăn là một phương pháp mới. Tuy ở nước ta cũng đã có nhiều công trình thủy điện được xây dựng bằng phương pháp này nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta được phép chủ quan, tin tưởng hoàn toàn vào sự thành công và rút ngắn thời gian thi công.
Đáng lẽ ra khi xây dựng công trình này cần phải có những thí nghiệm cụ thể được giám sát chặt chẽ trước khi tiến hành thi công. Vì mỗi một giai đoạn cụ thể với những kiểu thời tiết cụ thể ở một công trình cụ thể, đầm lăn sẽ mang lại những hiệu quả công việc khác nhau.
Cũng theo ông Hạnh, không nên thổi phồng về nguy cơ vỡ đập, như vậy sẽ rất ảnh hưởng đến tâm lý của người dân. Ông Hạnh khẳng định: "Theo ý kiến của tôi, hồ chứa nước rộng, đập xây cao, việc vỡ đập thủy điện là điều không thể. Người dân không nên vì lo lắng mà thổi phồng thêm câu chuyện, sẽ rất phức tạp.
Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần lưu ý khắc phục ngay những lỗi về mặt kỹ thuật và có giải pháp cho vấn đề cảnh báo động đất để có các phương án phòng chống hợp lý, không để đến lúc động đất rồi mới khắc phục hậu quả thì rất nguy hiểm".
Trao đổi với PV Người đưa tin chiều ngày 5/9/2012, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: "Hiện nay, bộ đã cử đoàn chuyên gia vào tận nơi để khảo sát tình hình thực tế. Chúng tôi sẽ cân nhắc những phương án cụ thể ngay sau khi nhận được kết quả từ đoàn khảo sát. Mọi hậu quả sẽ được khắc phục một cách sớm nhất để người dân yên tâm trở lại cuộc sống bình thường".
“An toàn không có nghĩa chung ta được phép chủ quan” Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, PGĐ Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lý địa cầu: Trong trận động đất xảy ra ngày 3/ 9, thông số do máy gia tốc đặt gần khu vực thủy điện Sông Tranh 2 ghi được mức gia tốc nền là 88cm/s2, trong khi thiết kế cho đập thủy điện Sông Tranh 2 là 150/s2. Như vậy, có thể khẳng định hiện tại đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn. Tuy nhiên, PGS.TS Phương cũng nhấn mạnh: "An toàn không có nghĩa là chúng ta được phép chủ quan. Kể cả việc đập thủy điện được khắc phục thì vẫn cần có những giải pháp lâu dài nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại không đáng có". |
Trinh Phúc - Dương Thu