Thịt hàu chứa nhiều khoáng tố, các vitamin và hợp chất hữu cơ như: Kẽm, protein, sắt, đồng, selenium, vitamin D, vitamin B1, B2, B3, B12, vitamin C, phốt pho, kali, các axít béo omega-3, các chất kháng ôxy hóa, cholesterol tốt, nước…
Theo y học cổ truyền, thịt hàu có vị ngọt hơi mặn, tính mát, không độc, có tác dụng tráng dương, bổ tinh, tư âm dưỡng huyết, ăn vào trị được chứng mất ngủ do nhiệt, người nóng khô khát, hoa mắt, chóng mặt.
Với phụ nữ rối loạn tiền mãn kinh và phụ nữ sau sinh thiếu sữa, thiếu máu ăn hàu tốt cho sức khỏe. Thịt hàu cũng giúp khắc phục các chứng di tinh, mộng tinh, hoạt tinh, yếu sinh lý, liệt dương, hiếm muộn ở nam giới.
Trên tờ Tri thức trẻ dẫn lời ý kiến từ cục Quản lý dược và thực phẩm với khuyến cáo, hàu đứng ở vị trí khá cao trong bảng xếp hạng những món ăn mang lại nhiều rủi ro nhất.
Do hàu sống ở bờ biển, ở các ghềnh đá ven bờ biển hay các cửa sông, sống bám vào giá thể như bám vào đá thành tảng, các rạn đá, móng cầu, ăn sinh vật phù du và các sinh vật trong bùn, cát, nước biển... Môi trường không sạch có thể ảnh hưởng tới chất lượng của hàu.
Trong hàu chứa rất nhiều mầm bệnh. Thứ nhất là vi khuẩn Norovirus, có thể gây ra viêm ruột, viêm dạ dày. Thứ hai là Vibrio, một loại vi khuẩn gây ra bệnh tả với những triệu chứng như sốt cao, sốc nhiễm trùng, phồng rộp da, thậm chí tử vong do nhiễm trùng máu.
Vì thế, theo các chuyên gia dinh dưỡng, hàu nên nấu chín thay vì ăn sống. Tờ Vnexpress dẫn ý kiến của Phó giáo sư Nguyễn Thị Lâm, nguyên Viện phó Dinh dưỡng Quốc gia cho biết:
"Không có cơ sở khoa học nào cho thấy ăn hàu, hải sản nấu chín nghèo dinh dưỡng hơn ăn sống", bà Lâm nhấn mạnh.
Kẽm trong thực phẩm có sức bền nhất định, trong 3-6 tháng bảo quản thực phẩm đúng cách thì hàm lượng kẽm gần như vẫn còn nguyên.
“Thay vì ăn sống bạn có thể nấu chín để phòng tiêu chảy, ngộ độc và nhiễm ký sinh trùng từ các loại hải sản này, nhất là trong điều kiện an toàn thực phẩm tại Việt Nam", Phó giáo sư Lâm nói.
T.Huế (tổng hợp)