Nguy hiểm lơ lửng trên đầu người dân
Với sự phát triển không ngừng của "ngành công nghiệp" quảng cáo, mỗi thương hiệu, cửa hàng... đều tận dụng khai thác tối đa mức độ thu hút khách hàng từ biển quảng cáo ngoài trời. Thông qua loại hình này, thương hiệu mà còn đem lại nguồn thu cho các hộ gia đình, doanh nghiệp cho thuê chỗ quảng cáo.
Tuy nhiên, những biển quảng xập xệ, hư hỏng đã và đang có nguy cơ gãy đổ, tiềm ẩn những nguy hiểm với người dân, đặc biệt là qua mùa mưa bão vừa rồi. Theo quan sát từ tuyến đường trên cao của Vành đai 3, không khó để bắt gặp được những biển quảng cáo cũ nát, gãy đổ, chỉ còn trơ ra phần khung sắt hoen rỉ.
Anh Nguyễn Minh Trí (sống tại Hà Nội) chia sẻ những biển quảng cáo ở tuyến đường lớn đa phần nằm sát nhau hoặc trên cao được gắn trên tường hay nóc nhà người dân, tòa nhà cao tầng.
"Vì trận bão vừa qua, sự xuống cấp và hư hỏng nặng nề của những biển quảng cáo càng được lộ ra rõ rệt. Cùng với đó là sự mất mỹ quan đô thị, vì vậy tôi rất mong muốn các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để cải thiện tình trạng này", anh Trí chia sẻ.
Đáng chú ý, biển quảng cáo ngoài trời không chỉ gây hại cho người dân xung quanh mà còn nguy hiểm trực tiếp cho chủ nhà lắp đặt. Có rất nhiều biển quảng cáo gần như che kín mặt trước tòa nhà, điều này sẽ cản trở quá trình thoát hiểm hay cứu hộ khi có sự cố bất ngờ như hỏa hoạn xảy ra.
Tồn tại nhiều sai phạm
Theo khoản 3, 4 điều 34 Luật Quảng cáo, đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 2m, chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà; Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 1m, chiều cao tối đa là 4 m nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu. Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.
Trên thực tế, nhiều biển quảng cáo vi phạm quy định về việc lắp đặt thi công như: biển quảng cáo vi phạm kích thước, che kín mặt nhà, lối thoái hiểm, không đảm bảo PCCC, chiều cao vượt quá tầng nhà...
Trước đó, theo thông tin trong buổi họp với Đoàn Giám sát HĐND thành phố Hà Nội của UBND Quận Hai Bà Trưng, động tháo dỡ trên địa bàn quận mỗi năm từ 500 - 1.000 banner, băng rôn treo trên gốc cây, cột điện; bóc, xóa xé hơn 5.000 quảng cáo rao vặt; hơn 300 biển vẫy; xử lý từ 300 - 400 biển hiệu, biển hiệu dưới dạng biển quảng cáo sai quy định; phá dỡ hàng trăm bục bệ, cầu dẫn vi phạm trật tự đô thị; lập biên bản, yêu cầu dừng phát hình đối với ba đơn vị lắp dựng màn hình Led không phép...
Bên cạnh đó, Trưởng Đoàn giám sát cũng nhận thấy, công tác xử lý dứt điểm vi phạm quảng cáo còn chưa quyết liệt. Mặc dù thường xuyên rà soát, xử lý các vi phạm về hoạt động quảng cáo nhưng vẫn có tình trạng biển hiệu vi phạm kích thước, không đúng nội dung quy định, chưa đảm bảo an toàn PCCC; quảng cáo rao vặt trên các gốc cây, cột điện, hết thời hạn quảng cáo,… vẫn còn tồn tại gây mất mỹ quan đô thị.
Trao đổi về vấn đề trên, luật sư Hoàng Thanh Bình cho biết trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc quản lý đặt biển quảng cáo, biển hiệu là: UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Sở Xây dựng; UBND quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tổ trật tự xây dựng/ thanh tra xây dựng và Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện chức năng giám sát tại địa phương.
Trường hợp vi phạm hoạt động đầu tư, xây dựng biển quảng cáo, biển hiệu gây hậu quả nghiêm trọng, có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 298 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định về tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
"Trường hợp biển quảng cáo, biển hiệu bị rơi gây tai nạn chết người/ hoặc gây thương tích/ hoặc gây thiệt hại về tài sản, người có trách nhiệm trong việc quản lý, bảo quản, duy tu, sửa chữa biển quảng cáo, biển hiệu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 360 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017", ông Bình nhấn mạnh.
Nếu bảng quảng cáo gãy đổ gây thiệt hại nhưng không do sự kiện bất khả kháng thì chủ sở hữu bảng quảng cáo vẫn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự…
Thanh Loan