Theo cáo trạng của VKSNDTC, Nguyễn Long Vân (nguyên Chấp hành viên (CHV) thuộc chi cục thi hành án dân sự TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) bị cáo buộc khi tiến hành thủ tục kê biên và định giá đất của bà Phạm Thị Hồng (80 tuổi, địa chỉ 357 Phan Đình Phùng, TP.Đà Lạt) đã không mời đại diện Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP.Đà Lạt (là nơi có đất bị kê biên, định giá) tham gia việc kê biên và định giá tài sản trong khi pháp luật quy định đây là các thành phần bắt buộc phải tham gia.
Bị cáo Vân không tống đạt hợp lệ Thông báo về việc kê biên, định giá tài sản cho người phải thi hành án dẫn đến hậu quả là bà này không được tham gia vào thủ tục kê biên, định giá và bán đấu giá tài sản. Không thông báo về việc kê biên tài sản trên các phương tiện thông tin đại chúng, không thực hiện việc niêm yết về việc kê biên tài sản tại trụ sở cơ quan thi hành án và UBND phường 2 là nơi có đất bị kê biên trong khi pháp luật buộc phải thực hiện các thủ tục này.
Ngoài ra, khi định giá tài sản, CHV Vân với tư cách là Chủ tịch Hội đồng định giá đã cho áp dụng văn bản quy định về giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã hết hiệu lực pháp luật.
Hội đồng định giá do Vân làm Chủ tịch tiến hành việc định giá lần đầu nhưng lại áp dụng biên bản định giá do một Hội đồng định giá khác thực hiện (đã giảm 10% do định giá lại vì bán đấu giá không thành) trong khi biên bản định giá này đã hết hiệu lực do đã có quyết định giải tỏa kê biên trước đó. Các sai phạm nêu trên của CHV Vân đã dẫn đến thiệt hại cho bà Hồng hơn 17 tỷ đồng.
Luật sư Nguyễn Đình Hải (Đoàn Luật sư Đồng Nai) đánh giá, vụ án này là một “kỳ án” do kéo dài gần chục năm. Theo luật sư Hải, vụ án được khởi tố năm 2011, qua nhiều lần xét xử, trả hồ sơ điều tra bổ sung, thay đổi tội danh, vào ngày 16/3. Dự kiến, TAND tỉnh Lâm Đồng sẽ đưa vụ án ra xét xử vào ngày 30/3 tới đây.
Bà Phạm Thị Hồng, bị hại trong vụ án đã ở tuổi xưa nay hiếm. Mỗi lần tòa mở phiên xử, bà đều có mặt. Việc đi lại, chờ đợi gần chục năm đã khiến cho sức khỏe của bà ngày một đi xuống. Bà Hồng nói, bà tin tưởng vào pháp luật của Nhà nước, tuy nhiên vụ án kéo dài khiến bị hại như bà cũng rất mệt mỏi. Bà và gia đình mong muốn cơ quan chức năng sớm giải quyết xong vụ “kỳ án” này.
Nói về vụ án mà bị cáo Vân ra quyết định trái pháp luật gây thiệt hại cho gia đình, bà Hồng cho rằng, mới đây TAND xác định bà là người có quyền và nghĩa vụ liên quan là chưa đúng vì bà bị thiệt hại 17 tỷ đồng, thì bà đến tòa với tư cách là bị hại. Ngoài ra, bà Hồng có ý kiến về việc xác định tính chân thực của những người tham gia đấu giá và mối quan hệ của người trúng thầu với một số cán bộ thực hiện việc bán đấu giá tài sản của bà.