Thi hành án mới ở mức... đại khái!
- Tiền tham nhũng coi như là tiền mất đi vì khó thu hồi lại được, theo ông chúng ta phải làm gì?
- Việc thu hồi những tài sản tham nhũng của ta hiện nay gặp khó khăn chủ yếu là do những quy định về luật pháp chưa đầy đủ. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải bổ sung luật. Luật này phải quy định rõ những quy trình, trình tự của việc thu hồi, tiền tài sản mà họ đã tham nhũng. Chúng ta hiện nay thiếu hẳn quy trình này. Mặt khác, chúng ta cũng nên cho người bị án tử hình muốn xin giảm án thì buộc phải bồi hoàn lại số tiền đã tham nhũng cho Nhà nước. Có như vậy mới hy vọng thu lại được tiền tham nhũng.
Theo tôi, chúng ta nên thực hiện chính sách khoan hồng đối với những đối tượng này có kèm theo điều kiện. Vì mục đích tối thượng trong những vụ án tham nhũng là thu hồi được số tiền thất thoát cho Nhà nước. Nếu cứ áp dụng án tử hình thì việc thu hồi tiền khó thể thực hiện được. Vì tâm lý, chết là hết chuyện nên phải kéo dài thời gian cho họ. Trong thời gian đó, chúng ta phải tạo cơ hội cho họ phối hợp với những cơ quan hữu quan để khắc phục sai lầm.
Nếu khắc phục được những sai lầm đó khoảng 50% trở lên thì chúng ta có thể tính đến biện pháp khoan hồng. Như vậy vừa đạt được tính nhân đạo vừa đạt được mục đích cao nhất là thu hồi vốn thất thoát. Còn nếu trong trường hợp chúng ta vẫn áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình thì quy trình thi hành án cần phải bổ sung. Bổ sung thời gian để họ khắc phục lỗi lầm và thời gian thử thách để họ có thể hưởng sự khoan hồng (vụ Lã Thị Kim Oanh là một ví dụ cho việc này).
Ông Vũ Mão- nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
- Đối với những vụ án tham nhũng, cơ quan điều tra đã chứng minh được số tiền tham nhũng đang nằm ở đâu. Vậy, tại sao chúng ta vẫn rất khó thu hồi?
- Vấn đề quan trọng vẫn nằm ở việc những quy định, luật của chúng ta chưa chặt chẽ. Điều quan trọng vẫn phải bổ sung các văn bản luật như tôi nói ở trên. Thứ nữa là ý thức trách nhiệm của những người thực thi công lý. Nếu họ luôn có ý thức thì việc thu hồi lại những tài sản đã mất do tham nhũng có thể thực thi được tốt hơn. Trước đây, gần như mỗi người một việc, người xử chỉ biết xử, người phạt chỉ biết phạt chứ không nghĩ tới việc khắc phục hậu quả do những đối tượng phạm tội gây ra. Thế rồi, cơ quan thi hành án của bộ Tư pháp cũng phải nghiêm túc hơn chứ như hiện nay mọi thứ chỉ ở mức đại khái thôi. Đó là chưa kể tới tình trạng tham nhũng ngay trong cơ quan này. Nếu như vậy thì rất khó mà giải quyết được vấn đề. Chẳng hạn như vụ Tăng Minh Phụng, việc kê khai và bán những tài sản được thực hiện chưa tốt, tài sản được bán với giá rẻ hơn rất nhiều với giá thị trường. Như vậy thì việc thu hồi rõ ràng cũng không đáp ứng được như kỳ vọng.
Mọi tham nhũng đều hướng tới tiền và của
- Để xảy ra tình trạng này, ông hãy cho biết, trách nhiệm thuộc về cơ quan nào, cần thiết phải làm như thế nào để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong án tham nhũng?
- Vấn đề chống tham nhũng đã được đề cập tới từ rất lâu. Luật của chúng ta cũng chưa thật sự chặt chẽ cũng không phải vấn đề bây giờ mới nói. Thế nhưng, theo tôi vấn đề này chưa được thảo luận và bàn luận như một vấn đề thời sự nóng tại nghị trường Quốc hội. 4 cơ quan của Quốc hội là Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Tài chính, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cần phải nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa và cần phải đưa vấn đề này ra thảo luận như một vấn đề trọng tâm. 4 cơ quan này phải xem xét và đề xuất bổ sung những gì còn thiếu, còn chưa hợp lý.
Như vậy, chúng ta cần phải đi vào thực tế hơn nữa chứ không dừng lại ở việc hô khẩu hiệu như hiện nay. Chúng ta hay nói tham nhũng là quốc nạn và cần phải đấu tranh với nó. Thế nhưng ở ngay hội trường Quốc hội, chúng ta cũng không thực sự đề cập tới nó như một vấn đề trọng tâm. Tất cả chỉ mới nhạt nhạt, chung chung chứ chưa cụ thể.
- Như ông đã chia sẻ, hiện có hiện tượng tham nhũng và tham nhũng trong việc thi hành án tham nhũng, vậy giải pháp cần thiết chống được cả hai vấn nạn trên?
- Tham nhũng là tiền, cần thiết phải kiểm soát được tài sản của cán bộ có chức quyền. Hiện nay, việc phòng tham nhũng đang có rất nhiều vấn đề trong đó có vấn đề kê khai tài sản. Đây là vấn đề rất hệ trọng mà lâu nay chúng ta không nhận thức được hết. Các văn bản pháp luật cũng chưa nhận thức được hết. Gần đây, những quy định của Chính phủ cũng đã đề cập về vấn đề này nhưng theo tôi là vẫn chưa đủ độ.
Tôi cho rằng, việc tham nhũng cuối cùng đều hướng tới tài sản (tiền và của) nên mình phải phát hiện, kiểm tra được vấn đề tài sản này. Hiện nay, tài sản kiểm kê chỉ mang tính hình thức. Tôi cho rằng cần phải có luật Kiểm kê tài sản bên cạnh luật Phòng chống tham nhũng. Tất nhiên việc này cần phải được thảo luận kỹ hơn nữa nhưng tôi cho rằng, ngoài việc kê khai tài sản thì việc này còn phải thực hiện hàng năm. Không những vậy, điều quan trọng nhất là phải thành lập một cơ quan hữu quan độc lập để kiểm tra, giám sát việc này. Có như vậy, việc kiểm kê tài sản mới thực sự có được hiệu quả cao và không mang tính hình thức.
Biệt thự bên hồ của bầu Kiên.
- Thực tế một lượng tiền, tài sản của Nhà nước được chuyển qua các ngân hàng sau đó đi ra nước ngoài. Thông thường trong các vụ án, thì trách nhiệm thường chỉ nhằm vào các bị cáo, trong khi đó các cơ quan trên chưa bị sờ gáy. Quan điểm của ông xử lý như thế nào đối với các trường hợp trên?
- Khi những nguồn tiền tham nhũng được tuồn ra nước ngoài thì ngân hàng cũng phải chịu trách nhiệm. Chính vì vậy mà tôi cho rằng phải bổ sung luật, nhất là quy định về trách nhiệm liên đới. Ngân hàng phải chịu trách nhiệm về việc đó đồng thời phải bồi hoàn cho Nhà nước những khoản tiền thất thoát. Ngay cả những việc này luật cũng cần bổ sung. Tham nhũng ngày nay được thực hiện rất tinh vi nên đòi hỏi những "bộ lọc tinh túy" hơn nữa. Nó đòi hỏi mỗi người ngoài trình độ thì cần phải có tinh thần trách nhiệm. Có như vậy mới hy vọng hạn chế được số tiền thất thoát của Nhà nước từ những đại án tham nhũng.
- Trong nhiều biện pháp để chống tham nhũng và thu hồi số tiền các bị cáo đã tham nhũng mà ông nói ở trên thì ông tâm đắc nhất giải pháp nào?
- Tôi cho rằng, việc ban hành luật Kê khai tài sản đối với cán bộ chức quyền cùng với đó là có một cơ quan chức năng riêng để giám sát công tác này. Có như thế, tham nhũng sẽ được phát hiện kịp thời, trong khi đó nếu phát hiện tham nhũng thì nhanh chóng sẽ biết được lượng tiền và tài sản đó đang ở đâu. Còn hiện tại, chống tham nhũng đang bị động, vì thế khi phát hiện ra tham nhũng thì tội phạm đã tìm cách biển thủ tài sản rồi do đó rất khó để thu hồi được tiền.
Cảm ơn ông!
Trinh Phúc - Phạm Thiệu