Sáng ngày 29/11, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã mở phiên tòa hình sự, xử sơ thẩm vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, liên quan đến việc giải tỏa bồi thường giải phóng mặt bằng Formosa.
Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Nguyễn Văn Bổng (nguyên Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh); Phạm Huy Tường (nguyên trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường); Lê Xuân Nghinh (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Long); Lê Quang Hà (nguyên Phó Chủ tịch xã Kỳ Long). Các bị cáo này bị truy tố theo khoản 3 Điều 165 BLHS (khung hình phạt 10 - 20 năm tù).
Hai bị cáo khác là Hồ Xuân Cường (nguyên cán bộ Hội đồng Bồi thường GPMB huyện Kỳ Anh) và Lê Công Diếu (nguyên Chủ tịch UBND xã Kỳ Phương) bị truy tố theo khoản 2 Điều 165 BLHS (khung hình phạt 3 - 12 năm tù).
Riêng bị cáo Lê Hữu Diện (nguyên chủ tịch UBND xã Kỳ Long) vừa qua đời nên bị đình chỉ truy tố.
Theo cáo trạng, vào năm 2008, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt dự toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ GPMB tại Khu liên hợp gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương thuộc Khu kinh tế Vũng Áng với tổng số tiền 537 tỷ đồng.
Trong số này, có hơn 30 tỷ đồng được Hội đồng Bồi thường GPMB huyện Kỳ Anh do ông Nguyễn Văn Bổng đứng đầu áp giá, chi trả diện tích 81 ha “đất tranh chấp” cho 678 hộ dân thuộc các xã Kỳ Long và Kỳ Lợi (huyện Kỳ Anh). Tuy nhiên, ông Bổng cùng thuộc cấp đã hợp thức hóa toàn bộ diện tích đất công không được bồi thường thành đất giao cho hộ dân sử dụng trước ngày 1/7/2004 để được hưởng chính sách bồi thường 100% giá đất nông nghiệp.
Hành vi của Bổng và các bị can nêu trên đã gây thất thoát hơn 10,4 tỷ đồng (trong đó tại xã Kỳ Long hơn 9,6 tỷ đồng, tại xã Kỳ Phương hơn 840 triệu đồng) trong ngân sách bồi thường của dự án Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương (do Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư). Số tiền thất thoát hiện đã thu hồi.
Tại phiên tòa, nhóm bị cáo nguyên là lãnh đạo huyện cho rằng cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát chưa đúng. Các bị cáo cho rằng nguyên nhân dẫn đến sai phạm là do áp lực về tiến độ giải phóng mặt bằng và khối lượng công việc quá lớn.
Bị cáo Nguyễn Văn Bổng liên tục quanh co chối tội. Bị cáo cho rằng, trong quá trình đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Bồi thường GPMB dự án Formosa, cá nhân không chủ ý hợp thức hóa 81ha đất công thành đất nông nghiệp để dẫn đến thất thoát tài sản.
"Do áp lực tiến độ giải phóng mặt bằng, chúng tôi được giao phải hoàn thành gấp rút trong vòng 4 tháng nên đã không kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Tôi đã sai phạm ở khâu quản lý khi quá tin vào cấp dưới. Nghe các cán bộ xã báo cáo, trình lên là tôi ký mà không xem", ông Bổng biện minh cho sai phạm của mình.
Bị cáo Nguyễn Văn Bổng trình bày: “Tôi không được hưởng lợi gì trong việc hợp thức hóa 81ha đất. Tôi không hưởng một xu nào, thậm chí còn phải tự bỏ tiền túi ra để lo. Giờ tôi cũng không biết lấy tiền ở đâu ra để nộp vào cho kho bạc, có bán nhà cũng không đủ”.
Cũng như Nguyễn Văn Bổng, Phạm Huy Tường cũng cho rằng, cá nhân bị truy tố oan về tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Lý do Tường ra cũng đưa ra cũng là do cấp trên chỉ đạo.
Theo lịch, ngày mai (30/11), phiên tòa xét xử sẽ được tiếp tục.
PVMT