Có thể nói, thời gian gần đây liên tiếp các doanh nghiệp phá hoại cảnh quan thiên nhiên để xây dựng các khu du lịch và gắn liền với đó là yếu tố tâm linh để hút khách và thu lợi nhuận “siêu khổng lồ”. Mới đây nhất chính là sự việc việc xẻ núi xây dựng công trình tâm linh hơn 800 tỷ đồng gần cột cờ Lũng Cú (huyện Đồng Văn, Hà Giang). Doanh nghiệp thực thi công trình này lấy yếu tố tâm linh như một “vỏ bọc” cho kinh doanh du lịch, nhằm trục lợi.
Về việc xẻ núi xây dựng công trình tâm linh gần cột cờ Lũng Cú tại Hà Giang, nguyên ĐBQH Bùi Thị An cho rằng: “Theo tôi được biết đây là dự án có quy mô tương đối lớn. Và trong trường hợp này là phải đánh giá tác động tổng thể của dự án về vấn đề xã hội, môi trường tự nhiên, an ninh quốc phòng. Cột cờ Lũng Cú là một di tích lịch sử có giá trị, không gì có thể thay thế được”.
Nguyên ĐBQH Bùi Thị An cũng đặt thêm câu hỏi: “Điều mà chúng ta cần phải biết rõ ngay đó chính là ai đã duyệt dự án này khi nó xây ngay gần cột cờ Lũng Cú và vai trò của sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang như thế nào khi để lãnh đạo ký một khu du lịch? Ai là người tham mưu để lãnh đạo ký duyệt dự án này? Ai là người giám sát và nó đúng với hạng mục đặt ra ban đầu không? Nếu không đúng ai là người chịu trách nhiệm vì đây là vấn đề rất lớn, không phải chỉ đơn thuần là khu du lịch”.
Theo nguyên ĐBQH Bùi Thị An, với quy mô bề thế, lại lấn vào một phần diện tích của khu vực bảo vệ I và II của cột cờ Lũng Cú vì vậy: “Tôi đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của người đã phê quyệt một dự án lớn như thế. Đề nghị công bố công khai tác động xã hội, xây cái gì và tâm linh như thế nào.
Các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc vì không thể đánh đổi di tích lịch sử thành một khu du lịch. Đành rằng, thu tiền du lịch, phát triển địa phương quan trọng nhưng giá trị của di tích lịch sử còn lớn hơn nhiều. Và cuối cùng làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp và xử lý nghiêm minh nếu có vi phạm. Bởi việc xẻ núi xây một khu du lịch, còn liên quan đến nhiều vấn đề khác”.
Cùng trao đổi với PV, PGS.TS Lê Quý Đức (nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển) cho rằng: “Không chỉ có Hà Giang mà ngay cả ở Hà Nam có chùa Tam Chúc, ở Quảng Ninh có chùa Ba Vàng… tất cả đều gắn hai từ tâm linh mờ ảo để kiếm tiền. Hiện nay, xã hội đang có một xu thế là lợi dụng tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi, chiếm đoạt đất đai. Từ tâm linh đang được các doanh nghiệp đánh tráo để nó được mọc lên một cách ồ ạt”.
Từ vấn đề này, PGS.TS Lê Quý Đức đặt dấu hỏi: Phải chăng có một sự liên kết giữa người làm tâm linh, làm văn hóa quản lý với những nhà doanh nghiệp? Họ đang muốn gắn kết lại với nhau để chiếm đoạt đất đai của xã hội. Không phải, nơi nào muốn xây dựng khu du lịch tâm linh cũng được. Bởi, nó còn tùy thuộc vào từng nơi, từng địa điểm cụ thể. Vì vậy cần phải tách bạch rõ ràng giữ tâm linh và du lịch.
Mai Thu