> Kỳ trước: Hồi ức 'tứ nghị đình đám' từng 'đốt nóng' diễn đàn Quốc hội
Hẹn mãi, tôi mới được sắp xếp cuộc trò chuyện với ông. Lần đầu tiên, tôi thấy một người luôn cởi mở với báo chí như ông đắn đo: "Tôi về hưu rồi, không có điều kiện quan tâm đến các vấn đề như trước nữa đâu". Nói vậy, nhưng cuộc trò chuyện với vị cựu ĐBQH liên tục bị gián đoạn, bởi điện thoại của ông đổ chuông liên hồi. Hầu hết đều là điện thoại phóng viên hẹn phỏng vấn hoặc các cơ quan mời tham gia viết bài, hội thảo. Ông lại sắp xếp lịch cho những buổi gặp, cho những công việc mới.
"Tôi bị cái bệnh cả nể"
Câu chuyện bắt đầu về cuộc sống của ông sau khi cầm sổ hưu. "Buồn cười thật, mỗi khi bắt đầu một bước ngoặt nào đó trong đời, tôi đều hào hứng vạch cho mình bao nhiêu kế hoạch và nghĩ là sẽ làm được nhiều việc lắm. Bắt đầu nghỉ hưu cũng vậy, nghĩ đến viễn cảnh có cả hai, ba chục năm rảnh rỗi để đọc sách, viết sách, tập luyện và vui chơi, tôi thích lắm, thậm chí còn lo không dùng hết thì giờ. Nhưng rồi, thực tế chẳng mấy khi diễn ra như ý muốn", ông Thuyết nói. Ông đã phải từ chối một số lời mời hấp dẫn như làm hiệu trưởng trường đại học ngoài công lập hay tham gia ban lãnh đạo một hội nghề nghiệp để tập trung vào công tác chuyên môn. Nhưng những suy nghĩ, trăn trở về các vấn đề kinh tế - xã hội có từ thời làm ĐBQH và sự tin cậy của các cơ quan khoa học, cơ quan quản lý Nhà nước, anh chị em báo chí vẫn không để ông được nhàn tâm.
Nguyên ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết phát biểu ở Quốc hội
Ông tự nhận: "Tôi bị cái bệnh cả nể. Thấy cái gì cũng hay, cũng cần, nên cứ nhận vào, bởi vậy mà đến bây giờ tôi vẫn chưa được nghỉ thực sự ngày nào". Riêng năm 2012, theo tài liệu lưu trên máy tính cá nhân, ông đã thuyết trình ở hàng chục hội thảo, cuộc tập huấn cho ĐBQH, đại biểu HĐND, cho giáo viên dạy tiếng Việt ở Thái Lan và Lào; số trang báo đăng bài viết, bài trả lời phỏng vấn của ông lên đến gần 600. Tuy vậy, hàng ngày, vị cựu ĐBQH 65 tuổi vẫn dành được thời gian bơi cả cây số. Cuối năm 2012, vợ chồng ông vẫn ra được một cuốn chuyên luận dày trên 400 trang về phương pháp dạy học Ngữ văn - Tiếng Việt.
"Trong cuộc sống riêng, niềm vui lớn nhất đến với tôi là ngay năm đầu tiên về hưu tôi có cháu ngoại và liền sau đó cưới vợ cho cậu con trai. Nhưng đó chỉ là "thành tích" vơ vào thôi, vì đâu có phải do mình quyết định", ông cười hóm hỉnh.
"Đấy là thất bại lớn nhất của tôi trên cương vị ĐBQH"
"Ông nói trước mỗi bước ngoặt đều vạch ra rất nhiều kế hoạch mà không mấy khi thực hiện được. Nhưng chín năm làm ĐBQH, theo nhìn nhận của dư luận, ông gặt hái được khá nhiều thành công?" - Câu hỏi của tôi hình như động chạm đến một điều sâu kín trong ông.
Vị cựu ĐBQH trầm ngâm: "Kể từ khi trở thành ĐBQH, lúc nào tôi cũng tâm niệm phải gắng hoàn thành nhiệm vụ. Trong công việc của các cơ quan Quốc hội mà tôi là thành viên và trong xây dựng pháp luật, tham gia ý kiến về kinh tế - xã hội, giám sát, chất vấn…, tôi đã cố gắng học hỏi, nghiên cứu, đóng góp và tự đánh giá là ở cương vị của mình cũng khó có thể làm tốt hơn. Nhưng trong việc giúp giải quyết khiếu nại, tố cáo của cử tri thì nói chung là không hoàn thành trách nhiệm. Làm ĐBQH hai khóa, nhận được hàng trăm đơn khiếu nại của dân nhưng tôi chỉ giúp giải quyết được vài ba trường hợp. Một phần vì sự vướng mắc, chồng chéo của nhiều chính sách. Một phần vì những vụ việc mà cử tri phải gửi kiến nghị đến ĐBQH thường rất phức tạp, đã qua tay nhiều cơ quan nhưng không giải quyết được. Cũng có phần vì một số cơ quan tắc trách, thờ ơ. Câu trả lời thường gặp ở những cơ quan này là: "Cảm ơn đại biểu quan tâm. Nhưng chúng tôi đã giải quyết đúng pháp luật". ĐBQH truy mãi nhưng cũng không có điều kiện để tìm hiểu sâu và việc giải quyết không thuộc thẩm quyền của đại biểu nên rất khó".
"Đấy là thất bại lớn nhất của tôi trên cương vị ĐBQH", GS. Nguyễn Minh Thuyết thẳng thắn thừa nhận
GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết phát biểu ở Đại hội đồng APF (Liên minh nghị viện Pháp ngữ, họp ở Nghị viện Pháp, Paris)
"Thích an toàn, vui vẻ thì không nên ngồi ghế Quốc hội làm gì"
Được biết đến là người từng chất vấn hầu hết các bộ trưởng và không ít lần chất vấn Thủ tướng với những ý kiến thẳng thắn, đi đến tận cùng của vấn đề, GS. Nguyễn Minh Thuyết quan niệm đó chỉ là nhiệm vụ phải làm. "Là một người làm khoa học xã hội, có kiến thức tâm lý, tôi biết những người bị phê bình rất khó vượt qua được tâm lý khó chịu. Trên thực tế, tôi cũng được chứng kiến một vài vị đã thể hiện thái độ không bằng lòng với ĐBQH ở ngay hội trường hoặc "rỉ tai" lãnh đạo địa phương, lãnh đạo cơ quan của đại biểu. Thậm chí, cá nhân tôi cũng được trải nghiệm vài phiền toái. Tuy nhiên, đã nhận trách nhiệm với dân thì ĐBQH phải nói lên tiếng nói của dân. Nếu thích an toàn, vui vẻ thì không nên ngồi vào ghế Quốc hội làm gì", GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.
Theo ông Thuyết, để câu hỏi chất vấn được sâu sắc và phản ánh đúng tâm nguyện của cử tri, ĐBQH phải chịu đi thực tế, lắng nghe ý kiến cử tri, ý kiến chuyên gia và phải thường xuyên theo dõi báo chí, nghiên cứu tài liệu. Không ngại các vấn đề gai góc, có những khi ông chất vấn một vị bộ trưởng tới ba lần. Tuy vậy, ông nhận định, phần lớn các câu hỏi của ông đều chưa có câu trả lời thỏa đáng. Ông còn nhớ mãi vụ việc người dân ở khu vực đường vành đai 3 (Hà Nội) khiếu nại vì cung đường này bị nắn lại theo phương án khác với phương án đã phê duyệt, ảnh hưởng tới hơn 100 hộ dân. ĐB Nguyễn Minh Thuyết đã chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng nhiều lần. Trong đó, có một câu đã hỏi hai lần mà Bộ trưởng Dũng vẫn khất, đó là: "Vì việc thay đổi thiết kế như thế này, phải tốn thêm bao nhiêu tiền?".
Theo dõi các phiên chất vấn ở Quốc hội khóa này, ông Thuyết thấy một số bộ trưởng vẫn chưa khắc phục được khuyết điểm khi trả lời chất vấn của những người tiền nhiệm. Ví dụ, có vị bộ trưởng trả lời ĐBQH: "Câu trả lời tôi có nhưng để ở cơ quan, mời ĐB đến bộ để tôi báo cáo". Câu trả lời khiến cả hội trường bật cười. Hay có vị còn hồn nhiên tự chấm giải Nobel cho mình trong khi bộc lộ những hiểu biết rất không chính xác về lý luận cũng như thực tiễn. Những câu trả lời như vậy không chỉ được ĐBQH đánh giá mà qua truyền hình trực tiếp còn được người dân và chuyên gia cả trong nước lẫn nước ngoài chấm điểm.
ĐBQH cần làm hết sức mình để đất nước vượt qua khủng hoảng
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, nước ta lại đang đứng trước một cuộc khủng hoảng toàn diện, sâu sắc về kinh tế - xã hội. Các ĐBQH cần làm hết sức mình để góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng này, tiếp tục tiến lên.
Ông phân tích: "Nước ta không thể cứ mãi đóng vai một “anh gia công”, lắp ráp thuê và bán nguyên liệu thô cho nước ngoài mà phải sớm hình thành một nền công nghiệp có hàm lượng chất xám và sức cạnh tranh cao. Nhưng trước hết, phải đẩy nhanh việc cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, đoạn tuyệt với tư tưởng bao cấp, với lối làm ăn "cha chung không ai khóc", với kiểu bỏ ngày càng nhiều vốn từ ngân sách Nhà nước để mua những thành tích ảo. Phải xác định vai trò của Nhà nước trong kinh tế đến đâu. Nhà nước chỉ là người định hướng, tạo môi trường pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động và cung ứng những dịch vụ mà tư nhân không gánh vác nổi hoặc không muốn gánh vác. Không thể trở lại với thời Nhà nước tự hào lo cho dân từ hạt muối, quả cà, cơ quan thì quanh năm suốt tháng bàn cãi danh hiệu thi đua và phân phối từng cái áo may ô hay quần lụa. Để người dân tự do làm ăn, tự do sáng tạo thì dân giàu nước mạnh, quản lý Nhà nước vừa nhàn vừa được dân cảm ơn.
"Về xã hội, từ đổi mới đến nay, toàn xã hội đang chuyển mình theo hướng dân chủ hóa, người dân có ý thức cao hơn về quyền và trách nhiệm của mình trong đời sống kinh tế, chính trị. Nhưng nhận thức và hành động của nhiều cấp, nhiều ngành chưa theo kịp sự phát triển của cuộc sống. Tình trạng vi phạm quyền dân chủ của người dân, thờ ơ với nỗi khổ, thậm chí với sức khỏe và tính mạng của người dân vẫn còn nhiều. Tình trạng này không chỉ gây bức xúc cho dân, tạo hố ngăn cách ngày càng sâu giữa chính quyền với dân mà còn cản trở tiến bộ xã hội. Không giải quyết triệt để, đến một lúc nào đó, những bức xúc tích tụ lâu ngày sẽ dẫn đến xung đột xã hội rất nguy hiểm", GS.TS Nguyễn Minh Thuyết thẳng thắn nói.
"Một vấn đề nan giải không kém, đó là kể từ khi thành lập nước, chưa có thời kỳ nào văn hóa, đạo đức trong xã hội lại xuống cấp ghê gớm như hiện nay. Nếu không khắc phục được thì chính sự băng hoại văn hóa, đạo đức này sẽ kìm hãm, thậm chí phá hỏng mọi nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền và tai hại nhất là làm băng hoại thế hệ trẻ - những người quyết định vận mệnh của dân tộc, của đất nước trong tương lai không xa", ông Thuyết chia sẻ.
Cũng theo ông Thuyết, giải quyết những khó khăn nói trên để đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân mà trách nhiệm hàng đầu thuộc về những người quyết định chính sách, trong đó có các ĐBQH.
Theo ông, phát biểu đúng pháp luật, đúng thẩm quyền, với thái độ xây dựng thì không có gì đáng ngại. Dù những ý kiến đó được tiếp thu hay chưa được tiếp thu thì vẫn có tác dụng góp phần xây dựng nếp sinh hoạt dân chủ trong Quốc hội và trong xã hội, góp phần để pháp luật được thực hiện một cách nghiêm chỉnh. Ông bảo, mình chẳng thân, chẳng sơ với bất kỳ ai, lĩnh vực được mổ xẻ, chất vấn có thất thoát thì bản thân người ĐBQH như ông cũng chịu thiệt như mọi người dân khác, chứ chẳng phải thiệt nhiều hơn. Nhưng đã làm nhiệm vụ của ĐBQH thì không có quyền né tránh. "Nếu ai cũng né tránh thì Quốc hội làm sao nghe được những ý kiến thực lòng? Người xưa nói trái ý vua bị chém đầu còn chẳng sợ, mình nếu chỉ mất cái ghế thì có gì đáng sợ đâu?", vị cựu ĐBQH quả quyết. Ông Thuyết cũng nhấn mạnh, về quốc phòng - an ninh, Đảng và Nhà nước phải làm sao có biện pháp tập hợp được lực lượng nhân dân, hun đúc lòng yêu nước, huy động sức mạnh tổng lực cả trong và ngoài nước bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ nước ta. Phải thể hiện rõ quyết tâm bảo vệ lãnh thổ, không nên để người dân nghi ngờ quyết tâm này. |
Yến Dương