Vụ việc nữ doanh nhân P.T.M.L., Chủ tịch hội Nữ doanh nhân tỉnh Bình Phước, Giám đốc công ty TNHH Mỹ Lệ, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Phước khóa 13, tử vong bất thường khi đi làm đẹp được dư luận đặc biệt quan tâm khi thân nhân người quá cố đề nghị không mổ tử thi.
Để làm rõ các vấn đề pháp lý liên quan, PV báo Người Đưa Tin có cuộc trao đổi với luật sư Trần Đình Dũng (trung tâm Tư vấn pháp luật TP.HCM, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam).
PV: Việc thân nhân nguyên ĐBQH yêu cầu không mổ tử thi mặc dù nạn nhân tử vong một cách bất thường khi đến thẩm mỹ viện làm đẹp, luật sư có ý kiến như thế nào?
Luật sư Trần Đình Dũng: Trước hết, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình người xấu số. Tâm lý người Việt chúng ta ai cũng mong muốn người ra đi được thanh thản, vẹn toàn nên nhiều người cảm thấy đau lòng khi thi thể người thân bị mổ xẻ. Nhưng mặt khác, pháp luật cần phải nghiêm minh trong phòng chống tội phạm trước một cái chết bất thường có dấu hiệu của một vụ án mạng.
Thông tin trên báo chí cho thấy, nạn nhân được cơ sở làm đẹp cho sử dụng thuốc dành cho người phẫu thuật thẩm mỹ. Thuốc có công dụng kháng viêm, chống phù nề, sưng tấy.
Sau khi sử dụng, nạn nhân có dấu hiệu bị sốc phản vệ dẫn tới nhịp tim đập nhanh, biểu hiện sùi bọt mép, sau đó tử vong. Nếu như thế, các nguyên tắc trong y tế đúng hay không khi gây hậu quả chết người. Ngoài ra, không thể loại trừ nguyên nhân khác bởi nạn nhân có nhiều mối quan hệ xã hội, kinh doanh và là chủ sở hữu một doanh nghiệp rất lớn.
PV: Như vậy, thân nhân người chết không có quyền trong việc cơ quan pháp y quyết định mổ tử thi?
Luật sư Trần Đình Dũng: Mổ tử thi là hoạt động tố tụng hình sự nằm trong phần “Khám nghiệm tử thi” do cơ quan điều tra tiến hành. Điều 202 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định: “Trước khi khám nghiệm tử thi, điều tra viên phải thông báo cho viện Kiểm sát cùng cấp biết về thời gian và địa điểm tiến hành khám nghiệm để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc khám nghiệm tử thi. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm tử thi”.
Không có quy định nào việc mổ tử thi phải có sự đồng ý của thân nhân. Chỉ có trường hợp thông báo cho thân nhân biết khi khai quật tử thi được quy định tại khoản 4 Điều 202 BLTTHS “Trường hợp cần khai quật tử thi thì phải có quyết định của cơ quan điều tra và thông báo cho người thân thích của người chết biết trước khi tiến hành. Trường hợp người chết không có hoặc không xác định được người thân thích của họ thì thông báo cho đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi chôn cất tử thi biết”.
PV: Như vậy, việc mổ tử thi cũng phải tiến hành mặc dù có sự phản đối của gia đình?
Luật sư Trần Đình Dũng: Đúng vậy! Cơ quan điều tra có thể quyết định mổ tử thi kể cả khi gia đình không đồng ý. Tuy nhiên, trong thực tế, các điều tra viên thường mời người thân đến chứng kiến, động viên họ đồng ý để công việc điều tra được suôn sẻ, không gây ra bức xúc cho thân nhân người chết.
Chúng ta cần lưu ý, các hoạt động điều tra khám nghiệm tử thi là nhằm tìm ra chính xác nguyên nhân cái chết, từ đó xác định sự thật án mạng. Có nghĩa là không chỉ mổ xẻ vì yêu cầu của thân nhân, vì người chết, mà còn vì để đảm bảo xử lý đúng người đúng tội đối với người khác.
Trở lại sự việc tử vong liên quan đến nguyên Đại biểu Quốc hội, chúng ta thấy, nếu nghi ngờ người của cơ sở làm đẹp gây ra cái chết do thực hiện không đúng quy tắc y tế thì việc mổ tử thi xác định chính xác nguyên nhân, có thể minh oan cho họ nếu nạn nhân chết do nguyên nhân khác. Ngược lại, nếu nạn nhân chết đúng là do sốc phản vệ như nghi ngờ ban đầu thì việc xử lý trách nhiệm đối với cơ sở làm đẹp là chính xác.
Trong thực tế xảy ra khá nhiều trường hợp người thân của nạn nhân không đồng ý cho mổ tử thi, gây khó dễ cho cơ quan chức năng bởi do quan niệm về mặt tâm linh. Nhưng luật cần phải thực hiện nghiêm minh để xử lý các vụ án hình sự một cách khách quan toàn diện, đúng người đúng tội.
Xin cảm ơn luật sư!
Ngày 5/7, thông tin từ đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cho biết, bà P.T.M.L. (60 tuổi, Đại biểu Quốc hội khóa 13) đã qua đời vào ngày 30/6. Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Phước xác nhận tối 30/6, bà L. được tài xế đưa đến cơ sở chăm sóc sắc đẹp Phương Nam (thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước) do chị Nguyễn Thị Phương N. (35 tuổi) làm chủ để xăm lông mày và xăm môi. Sau khi hoàn tất, bà L. gọi xe đến đưa mình về nhà. Tuy nhiên, quá trình quay về, bà L. bị ngứa toàn thân, mệt mỏi. Bà gọi điện cho cơ sở Phương Nam để quay lại. Tuy nhiên, khi chủ tiệm ra đón và mở cửa ô tô thì thấy bà L. đã bất tỉnh, sùi bọt mép nên tri hô mọi người cùng hỗ trợ đưa bà đi cấp cứu. Khi vào bệnh viện, các y bác sĩ thông báo, bà L. đã tử vong trước đó. Được biết, bà L. là Ủy viên ủy ban Trung ương MTTQ VN khóa 8, nhiệm kỳ 2014 - 2019; ĐBQH tỉnh Bình Phước khóa 13; ĐB HĐND tỉnh Bình Phước khóa 8; Chủ tịch hội Nữ doanh nhân tỉnh Bình Phước, Giám đốc công ty TNHH Mỹ Lệ … Theo đại diện Công an tỉnh Bình Phước, gia đình của nạn nhân không yêu cầu khám nghiệm tử thi nên công an đã thực hiện theo nguyện vọng. Hồ sơ vụ việc cũng được chuyển qua Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật. Để làm rõ thêm thông tin, PV đã liên hệ cơ sở chăm sóc sắc đẹp Phương Nam. Tuy nhiên, sau cái chết của bà L. thì cơ sở này đã tạm ngưng hoạt động. |
Văn Thi - Phùng Sơn