Ngày 18/01, TAND thành phố Hòa Bình tiếp tục với phần thẩm vấn để làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến sự cố ý khoa làm 9 người chết tại BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Tại phiên xét xử hôm qua, hầu hết gia đình những người bị hại đều yêu cầu BVĐK tỉnh là đơn vị có trách nhiệm phải bồi thường khi để xảy ra sự cố làm 9 bệnh nhân tử vong.
Liên quan đến nội dung này, sáng nay, HĐXX hỏi ông Trần Thế Hưng, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình. Ông Hưng thể hiện quan điểm: “Những người bị hại đòi bồi thường, đây là sự cố y khoa không mong muốn, mong HĐXX xem xét những yêu cầu của bị hại để đưa ra quyết định theo đúng luật pháp”. Ngoài ra ông Hưng không có yêu cầu gì khác.
Theo giấy ủy quyền của BVĐK tỉnh Hòa Bình, ông Hưng được ủy quyền toàn quyền quyết định việc trả lời HĐXX. Tuy nhiên, khi luật sư đề nghị hỏi ông Hưng thì ông này khẳng định ông không biết có việc ủy quyền, ông Hưng chỉ đến đây để…. ngồi nghe và từ chối trả lời.
Đại diện VKS hỏi ông Hoàng Công Tình, Phó khoa Hồi sức BVĐK tỉnh Hòa Bình (chú của bị cáo Hoàng Công Lương): “Ông đánh giá thế nào về chức năng, nhiệm vụ của Hoàng Công Lương tại Đơn nguyên lọc máu?”.
Ông Tình cho biết, trước thời điểm xảy ra sự cố, bác sĩ Lương được phân công nhiệm vụ điều trị tại Đơn nguyên lọc máu. Giữa bác sĩ Lương và các bác sĩ điều trị khác được quyền ra y lệnh như nhau. Cụ thể, cả bác sĩ Huyền và bác sĩ Lương được phép ra y lệnh chạy thận, bác sĩ Linh có trách nhiệm giám sát.
“Nếu vậy thì tại sao sáng ngày 29/5/2017, bác sĩ Huyền không tự ký y lệnh mà lại trình y lệnh để Hoàng Công Lương ký”, VKS đặt câu hỏi với ông Tình.
Theo ông Tình thì Hoàng Công Lương có tuổi nghề cao hơn hai bác sĩ còn lại nên về chuyên môn, hai bác sĩ Linh và Huyền có thể hỏi bác sĩ Lương. “Trong ngành y, những người có kinh nghiệm cao hơn thường chia sẻ kinh nghiệm cho các bác sĩ có tuổi nghề ít hơn, có kinh nghiệm ít hơn”, ông Tình nói.
Tiếp đến, luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương – đại diện cho công ty Thiên Sơn đề nghị được hỏi bị cáo Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình.
“Ông ký hợp đồng số 315 về lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống nước RO với công ty Thiên Sơn với tư cách là Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình hay với tư cách cá nhân?”, luật sư Hương hỏi.
Trước câu hỏi này, bị cáo Dương tỏ thái độ khó chịu: “Luật sư hỏi câu này là đánh giá thấp chúng tôi. Tôi xin trả lời lại, tôi ký hợp đồng với công ty Thiên Sơn trong vai trò là Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình, tôi không ký với cá nhân ông Đỗ Anh Tuấn mà ký với một pháp nhân, cụ thể là công ty Thiên Sơn”.
Luật sư Hương tiếp tục đặt câu hỏi: “Vậy ông có thỏa thuận gì ngoài các điều khoản quy định trong hợp đồng với công ty Thiên Sơn?”.
Bị cáo Dương cho rằng luật sư đặt câu hỏi làm khó bị cáo. Bản thân bị cáo khẳng định lại chỉ làm việc với Thiên Sơn trong tư cách là hai pháp nhân với nhau. “Còn nhân viên của bị cáo có thỏa thuận, trao đổi gì ngoài hợp đồng thì bị cáo không biết. Bị cáo chỉ làm đúng quy định pháp luật cũng như các điều khoản quy định trong hợp đồng với công ty Thiên Sơn”, bị cáo Dương nói.