Nguyên Chủ tịch HĐQT Vinaconex: “Thời tôi phụ trách, có vỡ ống nào không?”
Một ngày sau khi có quyết định khởi tố bị can đối với ông Phí Thái Bình - nguyên Chủ tịch HĐQT Tcty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử có một phó chủ tịch Hà Nội bị khởi tố, chúng tôi gặp vị cựu lãnh đạo 66 tuổi này tại nhà riêng của ông trên con phố mới Hoàng Ngân (Hà Nội).
Tiếp chúng tôi, ông không giấu nổi sự xúc động khi nhớ lại những ngày đầu làm dự án nước sông Đà. Ông nói: Tại thời điểm đó, Vinaconex quyết định thực hiện dự án với quyết tâm đóng góp một phần trong việc giải quyết cơn khát nước sạch của người dân thủ đô.
Quyết định chuyển từ ống nước bằng gang (có hạn chế là gây gỉ sét) sang dùng ống sợi composite cốt sợi thủy tinh là một bước đột phá trong đổi mới công nghệ. Đây cũng là dự án mà doanh nghiệp lần đầu tiên ứng dụng công nghệ mới vào một dự án lớn nhất VN, nhập dây chuyền về sản xuất ống đường kính lớn theo tiêu chuẩn quốc tế, đường kính tới 1,8m để cấp cho dự án.
Còn ở trong nước đến bây giờ cũng chỉ sản xuất được ống gang có đường kính 80cm. Vì thế, chúng tôi lựa chọn nhập dây chuyền công nghệ này về để sản xuất loại ống này cho tương lai không phải phụ thuộc vào nước ngoài, không phải sử dụng ngoại tệ, thậm chí còn có hoài bão sẽ cung cấp loại ống này cho thị trường trong khu vực.
“Nhiều người cứ hễ nhắc đến Trung Quốc thì cho rằng có vấn đề, có tiêu cực, thực tế không phải vậy. Chúng tôi hướng đến phương án tối ưu: tiết kiệm nhưng không có nghĩa là làm vội, làm ẩu. Và tôi khẳng định: dự án này đạt được 3 cái không: không thất thoát, không tiêu cực, không tham nhũng ” – ông Bình chia sẻ.
Ông nói: về mặt kinh tế, phương án này đã tiết kiệm được gần 49 tỉ đồng so với ống gang, giúp Vinaconex đã thu lợi hàng ngàn tỉ đồng. Về mặt kỹ thuật, chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng và triển khai thận trọng. Đơn vị tư vấn đã đi khảo sát ở Châu Âu và Trung Quốc, sau đó còn cho công nhân đến Trung Quốc đào tạo, cho đơn vị thi công đến xem lắp đặt, rồi về tổ chức hội thao...
“Là người phê duyệt và chịu trách nhiệm về dự án này, bản thân tôi cảm thấy rất đau xót. Còn gì xót xa hơn khi dự án lớn mà mình tâm huyết, muốn đóng góp cho xã hội thì cuối cùng khi xảy ra sự cố, người ta chỉ nhìn thấy khiếm khuyết và trách móc mình mà bỏ qua những ưu điểm, những hiệu quả khác.
Tôi cho rằng tôi không có tội trong vụ việc này. Dự án này kéo dài từ năm 2004 đến năm 2009 mới xong và khi dự án còn đang dang dở thì tôi nhận được nhiệm vụ về công tác tại UBND TP Hà Nội (tháng 7/2006).
Theo tôi được biết thì trong số 20 lần vỡ ống thì có 12 lần là thuộc các lô sản xuất năm 2007, 2008. Trong khi thời gian tôi phụ trách (tháng 1.2005 – 12.2006) đã sử dụng 1.713 ống thì đến nay đã vỡ cái nào chưa?
Một điểm nữa là ngoài dự án nước sông Đà, Vinaconex còn cung cấp loại ống này cho 54 dự án khác trên toàn quốc, trong đó có nhiều dự án cấp thoát nước và 4 nhà máy thủy điện và cho đến giờ chưa hề xảy ra sự cố gì.
Vị nguyên Chủ tịch Vinaconex tiết lộ rằng ngoài những nguyên nhân vỡ ống nướcn đã được Bộ Xây dựng và cơ quan thẩm định xác định thì còn một lý do là dự án sông Đà chỉ có một đường ống và không có bể chứa tăng áp nên không có chức năng giảm tải áp lực và dự phòng rủi ro cho đường ống thứ nhất.
Nguyên giám đốc tư vấn dự án: “Công nghệ không có lỗi, ống sợi thủy tinh không có lỗi!”
Trao đổi với PV báo Người đưa tin, ông Nguyễn Duy Khang - Chủ nhiệm đồ án thiết kế dự án cấp nước - nguyên Giám đốc Cty CP Tư vấn xây dựng Vinaconex bất ngờ tiết lộ nguyên nhân các lần vỡ ống nước sông Đà, trong đó có nguyên nhân chưa được thể hiện trong các kết luận của cơ quan chức năng trước đó.
Ông Khang nói: Trong 20 lần vỡ và rò rỉ thì có 4 lần do khách quan, do tác động từ bên ngoài. Đó là do công trình xây dựng khác làm lún, làm đè lên đường ống khiến ống bị nứt, vỡ hoặc do sau khi vỡ, để khắc phục nhanh cho người dân có nước sinh hoạt thì làm lại nhưng chưa đạt nên lại vỡ tiếp.
Đối với 16 lần còn lại ông Khang cho rằng nguyên nhân thứ nhất là do xác suất của quy trình công nghệ mới, nguyên nhân thứ hai – đặc biệt quan trọng – là do thiếu hạng mục bể chứa và trạm bơm tăng áp để điều hòa giảm tải áp lực cho tuyến ống, mặc dù hạng mục đó đã được tính toán, thiết kế nhưng đến nay vẫn chưa thi công.
Ngoài ra, một nguyên nhân nữa được vị cựu giám đốc tư vấn dự án tiết lộ là: Do nôn nóng muốn cấp nước sạch ngay cho người dân nên dự án này đã bỏ qua 29 km trên tổng số 46 km đường ống chưa thử áp lực, và hậu quả những lần vỡ ống đều rơi vào khu vực chưa thử áp lực.
“Tất cả những điều tôi nói tôi đều có minh chứng. Tôi khẳng định vỡ ống nước sống Đà không phải lỗi tại nhà máy, không phải lỗi tại ống” – ông Khang nói.
Một vị nguyên lãnh đạo nữa là ông Nguyễn Văn Tuân - nguyên Tổng Giám đốc Vinaconex – cũng đã vừa lên tiếng. Ông Tuân nhắc đi nhắc lại nhiều lần, sự cố vỡ ống nước có thể là do sai sót kỹ thuật trong khâu sản xuất, thi công, hoàn toàn không có chuyện ăn bớt nguyên vật liệu để kiếm chác, tham nhũng – như định kiến lâu nay của nhiều người dân mỗi khi nghĩ đến việc hợp tác với Trung Quốc.
Chiều 22/5/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can Phí Thái Bình - nguyên chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vinaconex, nguyên phó chủ tịch UBND TP Hà Nội. Ngày 15/4/2004, HĐQT Vinaconex ban hành quyết định phê duyệt báo cáo điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, theo đó, thay đổi ống truyền tải nước sạch từ gang dẻo sang ống sợi composite cốt sợi thủy tinh. Thời điểm năm 2004, ông Phí Thái Bình giữ chức vụ chủ tịch HĐQT Vinaconex. Tháng 7/2006, ông Bình được bầu giữ chức phó chủ tịch UBND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2006-2011. Đến năm 2011, ông Bình nghỉ hưu theo chế độ. Từ tháng 2.2012 đến tháng 10.2016, đường ống nước sông Đà của dự án này đã 20 lần xảy ra sự cố vỡ và rò rỉ. Sau lần vỡ thứ 9 (ngày 12/7/2014) tại Đại lộ Thăng Long, cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng liên quan việc thiết kế, phê duyệt, sản xuất và xây lắp tuyến ống truyền tải nước sạch (giai đoạn 1) của chủ đầu tư Vinaconex. |
Minh Minh